Sai lầm khiến làn da ngứa ngáy điên cuồng vào mùa đông

06:00' 08-12-2021
Sau những cơn ngứa điên đảo, cô gái trẻ quyết định vào viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ chỉ ra các sai lầm trong sinh hoạt hàng ngày khiến da cô khô nẻ trong mùa đông.


    Nhập viện vì ngứa ngáy điên cuồng mùa hanh khô

    Mùa đông với đặc điểm thời tiết lạnh, khô hanh nên tình trạng nứt nẻ, khô da, ngứa ngáy gặp ở rất nhiều người, mọi lứa tuổi. Thống kê từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy, có tới gần 50% số bệnh nhân đến khám trong những ngày thời tiết lạnh vừa qua liên quan đến vấn đề khô da.

    Đáng chú ý, có nhiều người đến viện khám trong tình trạng da khô nứt nẻ như bản đồ, một số người khác lại xảy ra tình trạng ngứa ngáy điên cuồng, cào xước da, đến khi không chịu được mới đến bệnh viện thăm khám.

    Khô da dẫn đến ngứa và gãi xước da là chuyện thường gặp ở mùa đông hanh khô. (Ảnh minh họa)

    Trường hợp của chị Nguyễn Thị Minh Hằng (27 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị Hằng chia sẻ, năm nào mùa đông chị cũng phải sống khổ, sống sở vì tình trạng da ngứa ngáy. Thậm chí có thời điểm chị phải xin làm ở nhà vì những vấn đề bất tiện khi bị ngứa ngáy vào mùa đông.

    “Khi đến cơ quan, tôi xấu hổ vì thi thoảng lại gãi, mà không phải ngứa một chỗ cố định, cơn ngứa lan ra khắp người. Có lúc quá bực tức, tôi cào xước cả cơ thể nhưng chỉ giải quyết được cơn ngứa ở thời điểm đó”, chị Hằng cho hay.

    Đợt lạnh vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Hằng làm việc tại nhà, dù mua một số kem bán trên mạng về bôi nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. “Tranh thủ thời gian ở nhà, có lúc ngứa quá tôi vào tắm nước nóng cũng đỡ hơn, nhưng chỉ được khoảng 1-2 tiếng. Có ngày tôi tắm đến 3-4 lần. Tôi mua cả các loại lá cây về để ngâm, tắm nhưng đều không đỡ nên mới đi khám”, chị Hằng nói.

    Không chỉ có trường hợp của chị Hằng, bác Lê Tĩnh (52 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng phải đến viện nhờ bác sĩ khám, tư vấn về tình trạng da nứt nẻ vào mùa đông. “Đi đâu tôi cũng ngại vì ngoài những cơn ngứa, da tôi nứt nẻ như da rắn”, bác Tĩnh chia sẻ.

    Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh - Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, thực tế các vấn đề về da thường gặp ở rất nhiều người, mọi lứa tuổi và có mức độ nặng, nhẹ khác nhau. “Với những người bị tiền sử viêm da cơ địa, vào mùa đông vấn đề khô da trở nên trầm trọng hơn, gây biến chứng nặng nề”, bác sĩ Nguyệt Minh cho hay.

    Với một số người khi bị khô da, nếu chăm sóc không đúng cách còn dễ gây biến chứng bội nhiễm. Thực tế, bệnh viện đã gặp những trường hợp dùng sản phẩm dưỡng da tự chế, dùng các loại lá cây để ngâm tay chân, tắm toàn thân gây bội nhiễm nguy hiểm.

    Thói quen làm cho làn da bị tổn hại nặng nề

    Bác sĩ Nguyệt Minh cho biết, ngoài những tác động của thời tiết thì một số thói quen trong sinh hoạt cũng khiến da bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó vấn đề lười bổ sung nước, tắm nước nóng dường như ai cũng gặp phải.

    Sai lầm thứ nhất: Tắm nước quá nóng. Tiến sĩ Nguyệt Minh cho biết tắm nước ấm vào mùa đông tốt với cơ thể, nhưng không ít người vì sợ lạnh lại tắm nước quá nóng. Việc tắm nóng khiến cho tình trạng khô da ngày càng trầm trọng hơn, đó là chưa kể việc kỳ cọ kỹ, tắm quá lâu…

    “Mùa đông cơ thể hay xảy ra tình trạng bong vảy da, khi gặp nước, lớp da này dễ bở ra và mọi người thường kỳ cọ rất kỹ. Tuy nhiên, đây là một sai lầm khiến cho tình trạng khô da trầm trọng hơn. Việc tắm quá kỹ hoặc nước tắm quá nóng sẽ loại trừ các chất dưỡng ẩm và chất lipit tốt ở trên da. Vì thế, mọi người nhất là chị em nên xem lại cách tắm hàng ngày”, tiến sĩ Nguyệt Minh tư vấn.

    Ngoài việc tắm nước quá nóng, nhiều gia đình có trẻ nhỏ, có điều kiện còn lắp dàn đèn sưởi ngay trong phòng tắm. Việc làm này tốt nhưng nếu không sử dụng hợp lý sẽ vô tình “giết chết” làn da.

    Theo đó, tắm lâu với nước nóng, cộng với việc chiếu đèn sưởi khiến làn da chịu áp lực kép, khiến da khô nhanh hơn. Có thể ngay thời điểm đó mọi người không nhận ra, nhưng khi tắm xong một lúc, độ ẩm trên da sẽ giảm và xảy ra tình trạng da khô, ngứa.

    Sai lầm thứ hai: Uống quá ít nước. Ai cũng biết nước có vai trò rất quan trọng với cơ thể, nhưng mùa lạnh dường như mọi người uống nước ít hơn. Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh cho biết, nước có vai trò cung cấp độ ẩm cho da từ bên trong, thời điểm mùa đông cơ thể càng cần nhiều nước.

    Vì vậy, ngoài việc uống đủ khoảng 2 đến 2,5 lít nước/ngày, mọi người có thể uống tăng thêm nước vào những ngày hanh khô. Trong trường hợp không khát cũng cần uống nước, việc uống không đủ nước chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới vấn đề khô da.

    Cùng với việc uống nước, mọi người nên ăn nhiều trái cây trong mùa đông. Trái cây không chỉ cung cấp các vitamin và khoáng chất, nó còn cung cấp lượng nước rất tốt cho da.

    Bảo vệ da an toàn trong mùa hanh khô

    ThS. Nguyễn Lan Anh - Khoa Da liễu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, ngoài vấn đề không tắm nước quá nóng, uống nước, ăn trái cây hàng ngày... để bảo vệ da trong mùa hanh khô, mọi người khi ra ngoài trời hoặc tiếp xúc với khói bụi da dễ bị nứt nẻ, viêm da, hãy che chắn, bảo vệ da cẩn thận, nhất là vùng da mặt khi ra ngoài.

    Sau khi tắm xong hoặc trước khi đi ngủ, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm cho da. Lưu ý, các loại kem dưỡng ẩm sử dụng phải đảm bảo độ an toàn, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Không dùng hàng trôi nổi, tự chế.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Braybrook College Vùng: Braybrook. Phone: 9312 2900
Xem thêm

Trường có ó uy tín về chất lượng đào tạo học sinh.


Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/alo-bac-si/co-gai-ngua-dien-dao-phai-nhap-vien-bac-si-chi-sai-lam-dang-giet-chet-lan-da-mua-lanh-c430a499888.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ