Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau hơn người ta vẫn tưởng
Hai bên căng thẳng ngoại giao nhưng không đụng đến các mặt hàng chủ lực
Hồi năm 2012, lúc kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Đại sứ đầu tiên của Australia (Úc) tại Bắc Kinh đã nói về tiềm năng phát triển của mối quan hệ song phương. Tiến sĩ Stephen Fitzgerald tuyên bố rằng Australia cần nghĩ về quan hệ với Trung Quốc vượt qua chuyện kinh tế, để phát triển một tương lai đa chiều.
Lúc đó ông Fitzgerald nói như thế này: “Giao lưu thông qua nhiều kênh và ở nhiều cấp độ sẽ giúp chúng ta tiếp cận và làm rõ tiếng nói chúng ta cần, và một mối quan hệ chính trị tốt đẹp phụ thuộc vào duy trì cường độ tiếp xúc như vậy”.
Cờ Australia và Trung Quốc xuất hiện tại gian trưng bày rượu vang Úc trong Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, tại Thượng Hải vào tháng 11/2020. Ảnh: AP.
Đến năm nay (2020), chính quyền Australia vẫn chưa phát triển được mối quan hệ đó và điều này góp phần làm xấu đi các quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh, đến mức mà một số cựu thủ tướng, ngoại trưởng và đại sứ Australia tại Trung Quốc đã công khai bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu giao lưu giữa chính phủ 2 nước.
Chính phủ của Thủ tướng Morrison hiện nay chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, trái ngược hẳn với các mối quan hệ tinh tế mà nước này đã phát triển với các đối tác khu vực khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Indonesia.
Việc Australia khó giao tiếp và không hiểu đối tác thương mại hai chiều của mình đã tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Australia – những doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của kinh tế Trung Quốc trong quá trình chuyển đối sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Thế là hàng loạt nông sản của Australia bị thối rữa tại các cảng biển của Trung Quốc do gặp phải một loạt quy định và thuế quan mới.
Đối với các nhà quan sát Trung Quốc dạn dày kinh nghiệm, các hoạt động tạo rào cản nói trên có mục đích kép: 1- thể hiện mối quan ngại của Bắc Kinh về mối quan hệ song phương và 2- kích thích giới doanh nghiệp Australia tiến hành vận động hành lang, tác động lên chính phủ nước này.
Phản ứng trên của Trung Quốc mang tính chiến thuật, được tung ra đối với các mặt hàng nhập khẩu cụ thể và đi kèm với các bình luận chính thức trên các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc.
Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực trong quan hệ thương mại song phương vẫn không bị đụng chạm đến. Chẳng hạn như khoản quặng sắt trị giá 80 tỷ đô la Australia mà nước này xuất sang Trung Quốc hàng năm. Hãng Fortescue Metals Group của Australia đã tăng cường quan hệ hiện tại của họ với các đối tác và cổ đông Trung Quốc, bên cạnh việc ký kết các thỏa thuận với các khách hàng mới. Tổng giám đốc BHP Mike Henry mới đây phát biểu trước Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhấn mạnh cam kết dài lâu của công ty này đối với Trung Quốc.
Ông Henry phát biểu: “Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi, thị trường lớn nhất của chúng tôi, và một nhà cung cấp ngày càng quan trọng các mặt hàng và dịch vụ. Với sức mạnh và tốc độ phục hồi kinh tế sau Covid-19, Trung Quốc đang có lợi thế độc nhất vô nhị để đóng góp vào hành trình của thế giới phục hồi sau đại dịch”.
Di sản Trung Quốc không nhỏ tại Australia
Năm 1972, Australia trở thành quốc gia phương Tây thứ 2 sau Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cho đến nay, Australia vẫn là quốc gia phương Tây duy nhất đã bầu một người nói tiếng Hoa, đó là Kevin Rudd, làm thủ tướng của nước này. Vào năm 2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia – cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Frances Adamson, cũng là một người nói tiếng Hoa.
Trên thực tế, Australia và Trung Quốc vẫn để ngỏ các kênh thương mại và liên lạc kể cả trong thời kỳ căng thẳng hiện nay. Trong 5 thập kỷ qua, Australia đã xây dựng thành công 4 thế hệ chuyên gia về Trung Quốc từ doanh nhân đến sinh viên và nhà khoa học. Một số người như ông Rudd và Adamson đã vươn được lên bậc thang cao trong sự nghiệp chính trị của mình.
Mặc dù Thượng viện Australia có tổ chức điều trần về các vấn đề liên quan đến cộng đồng người Australia gốc Trung Quốc, quan hệ Australia-Trung Quốc vẫn được duy trì thông qua phạm vi quan hệ rộng lớn hơn. Một loạt các kênh vững chắc và các nhân vật gây ảnh hưởng lớn đã bảo đảm cho sự liên lạc và tương tác giữa đôi bên vẫn diễn ra không gián đoạn.
Giám đốc điều hành của Phòng thương mại Australia tại Thượng Hải (AustCham Shanghai) Bede Payne nhìn nhận mối quan hệ này là phức tạp và bền bỉ hơn so với những gì truyền thông chủ lưu minh họa. Ông nói: “AustCham đã hoạt động ở thị trường Trung Quốc trong hơn 25 năm và nhiều thành viên của chúng tôi đã ở đây lâu hơn thế. Giao lưu giữa nhân dân 2 nước cũng mạnh mẽ và không dễ gì biến mất trong chốc lát”.
Thực tế hiện nay về quan hệ kinh tế Trung Quốc-Australia
Australia hiện nằm trong top 10 nguồn nhập khẩu chính của Trung Quốc. Quặng thép, khí tự nhiên, than đá, và vàng tạo nên phần chính (chiếm 98 tỷ đô la Australia trong các năm 2018-2019). Các ngành dịch vụ như giáo dục và du lịch (trị giá 16 tỷ đô la Australia) đã trở thành một phần quan trọng trong quan hệ thương mại. Thành công trong các ngành nghề này đòi hỏi sự hiểu biết tinh tế và song ngữ về thị trường Trung Quốc – mảng này phần nhiều do cộng đồng người Australia gốc Trung Quốc đảm nhận. Trở ngại chính hiện nay là các lệnh hạn chế đi lại và cách ly do đại dịch Covid-19.
Nhưng quan hệ kinh tế giữa 2 nước không dừng lại ở đó mà còn mở rộng ra đáng kể. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Australia đối với một số mặt hàng như len (90% len xuất sang Trung Quốc), lúa mạch (48%), và bông (68%)... Đầu tư hai chiều cũng vượt quá con số tổng cộng là 138 tỷ đô la Australia.
Sự mở rộng gần đây của các thị trường nói trên đã đa dạng hóa mối quan hệ kinh tế của Australia với Trung Quốc. Các dịch vụ nhập khẩu như chăm sóc người già hay các hàng tiêu dùng đáp ứng tầng lớp trung lưu đã làm gia tăng mức độ phụ thuộc kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp gia đình vào “sức khỏe” của mối quan hệ song phương, đến mức mà vào tháng 8/2020, Australia đã đạt mức thặng dư thương mại hàng năm cao nhất, lên đến 77,4 tỷ đô la Australia.
Hội nhập kinh tế ở mức độ phức tạp như vậy nên bất chấp việc giới chính trị Australia hiện nay thế nào, sự tăng trưởng của Australia về kinh tế vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế kế hoạch hóa của Bắc Kinh.
Trong hơn 50 năm, mối quan hệ Australia-Trung Quốc bao gồm thương mại, đầu tư, hợp tác nghiên cứu, và các sáng kiến thương mại hóa – những yếu tố bảo đảm Australia phù hợp với các mục tiêu phát triển của Trung Quốc.
Nhiều trong số các sáng kiến này vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các dao động trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Thậm chí trong 18 tháng qua, nhiều dự án đã được thiết lập hoặc thúc đẩy thêm.
Giám đốc AustCham Bede Payne nói: Bất chấp căng thẳng ngoại giao, thương hiệu quốc gia của Australia vẫn mạnh ở Trung Quốc đại lục. “Danh tiếng của chúng tôi – về các sản phẩm an toàn, tin cậy, chất lượng cao, vẫn chưa thay đổi ở cấp độ người tiêu dùng. Ở Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhu cầu cao về các sản phẩm sức khỏe, thực phẩm, bia rượu, và rau quả tươi”.
Gắn kết kinh tế ở cấp liên bang và bang
Mặc dù chính phủ liên bang Australia là khối liên minh của đảng Tự do và đảng Quốc gia, chính quyền của 62% các bang và vùng lãnh thổ của Australia lại thuộc về đảng Lao động có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc.
Một trong những bang tiêu biểu nhất là Tây Australia – bang này có một văn phòng đại diện ở Thượng Hải (Trung Quốc) từ tận năm 1996. Bang này được tổng lãnh sự Trung Quốc ở Perth đánh giá cao về các hỗ trợ thương mại và giao lưu văn hóa.
Năm 2020, bang Queensland hoàn thành vòng thứ nhất Chương trình Đối tác Thương mại. Chương trình này được thiết kế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và các dự án thương mại.
Bang Victoria cũng điều phối một loạt chương trình thông qua “Chiến lược Trung Quốc” của mình, được Thủ hiến bang là Daniel Andrews giới thiệu cách đây 5 năm. Bang cũng thực hiện một loạt phát triển về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy khu vực sản xuất của bang thông qua việc hỗ trợ sáng kiến Vành đai và Con đường. Thủ hiến Andrews thậm chí cam kết sang Trung Quốc ít nhất một lần trong 12 tháng để duy trì các mối quan hệ chủ chốt với Trung Quốc đại lục. Ngược lại, vị thủ tướng Australia gần đây nhất thăm Trung Quốc là Malcolm Turnbull, vào năm 2016.
Bên cạnh đó, Australia có đội ngũ đông đảo công dân sống ở Trung Quốc, bao gồm các nhà ngoại giao và các doanh nhân.
Theo Giám đốc Payne, hơn 180 công ty Australia đã dự Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc. “Tâm trạng nói chung rất tích cực và vào cuối triển lãm, một số lượng đáng kể hợp đồng và bản ghi nhớ đã được ký kết”.
Tình hình có thể còn “tốt” hơn nữa nếu ông Biden trở thành tân tổng thống Mỹ
Australia là một đồng minh của Mỹ. Mà các chính sách thương mại của ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đều ghi nhận nhu cầu phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Chiến lược kinh tế của ông này tập trung vào xây dựng các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp, và đầu tư vào công nghê... hàm ý sự giao lưu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Hầu hết các cố vấn thương mại hàng đầu của ông Biden đều nhấn mạnh nhu cầu xử lý các tác động của cuộc chiến thương mại lên các ngành nông nghiệp và sản xuất của nước Mỹ.
Đã vậy, các chính sách đối ngoại của ông Biden (như xử lý vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khống chế virus gây bệnh Covid-19, thúc đẩy thương mại công bằng, phát triển các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế...) đều phụ thuộc vào mối quan hệ mạnh mẽ hơn nữa với Bắc Kinh. Cố vấn lâu năm của ông Biden, Antony Blinken (người được ông Biden lựa chọn cho vị trí ngoại trưởng) đã nhận xét vào hồi tháng 9/2020 rằng tách rời với Trung Quốc về mặt kinh tế là điều “phi thực tế và cuối cùng là phản tác dụng”.
Người được cho là tổng thống đắc cử 2020 của nước Mỹ cũng rất nhạy cảm với tác động của tâm lý bài Hoa đối với nhóm dân tộc Hoa đang mở rộng trong dân số Mỹ.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VOV.