Quá trình tìm kiếm tàu ngầm Indonesia mất tích

15:00' 27-04-2021
Mảnh vỡ và vệt dầu loang giúp khoanh vùng khu vực tìm kiếm, cho phép tàu chiến và máy bay dùng sonar để định vị tàu ngầm đang mất tích.


    Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Yudo Margono hôm nay cho biết lực lượng cứu hộ đã thu được nhiều mảnh vỡ và thiết bị, trong đó có một mảnh ống phóng ngư lôi, từ vị trí lặn cuối cùng của tàu ngầm KRI Nanggala trước khi mất liên lạc.

    Hải quân Indonesia đã chuyển trạng thái tìm kiếm từ "tàu ngầm mất tích" (SUBMISS) sang "tàu ngầm chìm" (SUBSINK), cho biết tàu ngầm có thể chìm ở khu vực sâu 850 m ngoài khơi đảo Bali.

    Tàu tuần tra Indonesia rời cảng tham gia tìm kiếm KRI Nanggala hôm 24/4. Ảnh: AFP.

    Tàu tuần tra Indonesia rời cảng tham gia tìm kiếm KRI Nanggala hôm 24/4. Ảnh: AFP.

    Thông báo được đưa ra sau chiến dịch kéo dài nhiều ngày của với hơn 20 tàu hải quân và máy bay quân sự của Indonesia. Mỹ cũng điều máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon đến Indonesia hỗ trợ, trong khi Australia đang điều tàu hộ vệ HMAS Ballarat kèm trực thăng săn ngầm MH-60R tới khu vực.

    Giới chuyên gia quân sự cho rằng thiết kế chuyên ẩn mình của tàu ngầm cùng địa hình đáy biển phức tạp khiến phát hiện tàu ngầm mất tích luôn là thử thách lớn với mọi lực lượng quân sự trên thế giới, dù đã có nhiều phương án khẩn cấp và cảm biến hiện đại được sử dụng.

    Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, thủy thủ đoàn tàu ngầm có thể bật thiết bị định vị hoặc thả phao khẩn cấp. Chúng có thể đánh dấu vị trí tàu ngầm để rút ngắn thời gian cứu hộ. Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ có thể được kích hoạt nếu các thủy thủ trong tàu ngầm không bị bất tỉnh hoặc thiệt mạng trong tai nạn.

    Ở những vùng biển nông, phao khẩn cấp có thể nối với tàu ngầm bằng dây cáp. Chúng sẽ tự tách ra khi tàu ngầm chìm ở các vùng biển sâu, buộc lực lượng tìm kiếm phải tính toán và ước lượng vị trí gặp nạn sau khi xem xét hàng loạt yếu tố như hướng gió và dòng hải lưu.

    Trong khi đó, hệ thống định vị phát ra âm thanh đều đặn theo tần số được quy định trước, giúp các hệ thống định vị thủy âm (sonar) thụ động dùng cảm biến âm thanh độ nhạy cao có thể bắt tín hiệu và tìm đến nguồn phát. Tiếng nổ từ ngư lôi hoặc vỏ tàu bị nước biển ép vỡ cũng có thể được sonar thụ động ghi nhận.

    Không có dấu hiệu nào cho thấy KRI Nanggala phát ra tín hiệu định vị hoặc âm thanh khi mất tích. Tư lệnh quân đội Indonesia Hadi Tjahjanto cho biết không có vụ nổ nào xảy ra trong quá trình tàu chìm, do thân tàu nứt dần ở một số khu vực thay vì toàn bộ phần vỏ bị nước biển ép vỡ. "Nếu có vụ nổ thì nó đã được phát hiện từ trước", ông nói.

    Khoang chứa phao thủy âm trên máy bay P-8A Mỹ. Ảnh: US Navy.

    Khoang chứa phao thủy âm trên máy bay P-8A Mỹ. Ảnh: US Navy.

    Nếu phương án này không khả thi, lực lượng tìm kiếm sẽ phải sử dụng sonar chủ động. Hệ thống này phát ra âm thanh (tiếng ping) và theo dõi tín hiệu phản hồi từ các chướng ngại vật dưới nước, nó có độ chính xác cao hơn sonar thụ động nhưng phạm vi theo dõi hẹp, tốn thời gian hơn cho cùng một khu vực tìm kiếm.

    Máy bay tuần thám P-8A và trực thăng MH-60R có thể thả phao thủy âm xuống khu vực nghi vấn. Chúng có thể được lắp cả sonar chủ động và thủ động để tăng khả năng phát hiện mục tiêu. Sau khi ghi nhận vật thể nghi vấn, phao có thể truyền tín hiệu về máy bay qua cáp hoặc sóng vô tuyến.

    Các chiến hạm như HMAS Ballarat được trang bị sonar mũi có cả chức năng chủ động và thụ động, cùng tổ hợp sonar kéo sau đuôi để triệt tiêu tạp âm từ chính tàu chiến.

    Bên cạnh đó, máy bay trang bị cảm biến phát hiện dị thường từ trường (MAD) cũng góp phần định vị tàu ngầm trong lòng biển. MAD được thiết kế để phát hiện đột biến trong từ trường tự nhiên của Trái Đất, cho thấy sự hiện diện của một khối kim loại lớn dưới biển như tàu ngầm.

    Thiết bị này xuất hiện trên máy bay săn ngầm P-3C Orion của Mỹ và nhiều nước đồng minh, nhưng không được trang bị cho dòng P-8A do độ cao hoạt động của nó lớn hơn nhiều so với P-3C.

    Hệ thống MAD ở chót đuôi của chiếc P-3C Mỹ. Ảnh: Plane Spotters.

    Hệ thống MAD ở chót đuôi của chiếc P-3C Mỹ. Ảnh: Plane Spotters.

    Những phương án này chỉ có thể được sử dụng khi đã khoanh vùng được phạm vi tìm kiếm. Lực lượng cứu hộ thường bắt đầu tại vị trí liên lạc cuối cùng trước khi tàu ngầm mất tích, kết hợp với lộ trình dự kiến và điều kiện môi trường như gió, hải lưu để xác định khu vực triển khai. Mảnh vỡ và vệt dầu loang là những yếu tố có thể giúp nhanh chóng khoanh vùng.

    "Tìm kiếm những thứ chìm xuống biển là thử thách không nhỏ. Rất khó để phát hiện thân tàu nguyên vẹn giữa các thực thể dưới đáy biển. Đó là chưa kể tới trường hợp thân tàu bị ép nát và phá hủy ở độ sâu lớn, điều xảy ra khi chiếc ARA San Juan của Argentina chìm xuống vùng nước sâu hơn 900 m ở Đại Tây Dương năm 2017", James Goldrick, giảng viên ngành Chính sách và Chiến lược Hàng hải thuộc Đại học quốc gia Australia, nhận xét.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?
Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tau-ngam-indonesia-co-the-duoc-tim-thay-nhu-the-nao-4267779.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ