Phẩm chất cần thiết để trẻ có ích khi trưởng thành
Dạy con tính trung thực
Cách tốt nhất để khuyến khích tính trung thực ở trẻ là bản thân bạn phải là một người trung thực. Carol – một bà mẹ Mỹ đã chia sẻ rằng: "Tôi quyết định hạn chế số ngày chơi chung giữa con trai 3 tuổi của tôi là Chris và Paul bạn của thằng bé. Gần đây, 2 đứa trẻ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và tôi nghĩ rằng chúng không nên chơi với nhau nhiều nữa. Khi mẹ Paul gọi điện đến để đề nghị đưa cậu bé sang nhà tôi, tôi đã nói rằng Chris đang bị ốm."
Không may, cuộc nói chuyện giữa Carol và mẹ Paul bị con trai cô nghe được và cậu bé vô cùng sửng sốt khi nghe mẹ mình nói rằng cậu đang bị ốm. Carol đã vô cùng bối rối và xấu hổ không biết nên giải thích sao cho con hiểu rằng cô chỉ không muốn mẹ Paul lo lắng, vô tình hành động của Carol đã khiến con trai cô trở nên nghi ngờ tất cả mọi thứ diễn ra xung quanh bé.
Hãy nhớ rằng đừng bao giờ nói với con những câu như: "Con đừng nói với mẹ rằng bố đã cho con ăn kẹo nhé" hay "Nếu như chưa làm xong bài tập, con hãy nói với cô rằng hôm qua con bị ốm"… những câu nói như vậy sẽ khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc và vô tình biến con bạn thành một đứa trẻ biết nói dối. Cha mẹ cần là một tấm gương tốt cho con, hãy cho bé thấy bạn là người trung thực như thế nào. Trong trường hợp của Carol tại sao không nói thật rằng: "Có lẽ hôm nay bọn trẻ không nên chơi cùng nhau, tuần trước chúng đã đánh nhau rất nhiều, tôi nghĩ chúng ta nên cho con thời gian để suy nghĩ".
Đừng bao giờ có những phản ứng thái quá hay cáu giận khi con lỡ nói dối bạn, thay vào đó hãy giải thích cho con hiểu bằng cách nêu ra những hậu quả sẽ xảy ra khi bé nói dối, từ đó hướng con tới đức tính trung thực mà ai cũng nên có.
Dạy con về việc chia sẻ
Việc sẵn sàng để chia sẻ một bữa ăn nhẹ hoặc món đồ chơi có thể là lối tắt nhanh nhất để giúp trẻ kết bạn. Theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ em từ hai tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với những người khác, nhưng thường chỉ khi những thứ chúng sở hữu thật dồi dào.
Tuy nhiên, trẻ ở lứa tuổi từ ba đến sáu thường tỏ ra ích kỷ khi phải chia sẻ với người khác. Lấy ví dụ, một đứa trẻ chỉ có một chiếc bánh quy có thể miễn cưỡng chia sẻ một nửa với bạn bè, bởi lẽ điều đó đồng nghĩa là chúng sẽ có ít bánh hơn để thưởng thức. Tuy nhiên, đứa trẻ này lại có thể dễ dàng chia sẻ một món đồ chơi mà bé không còn thích thú nữa.
Đến khoảng bảy hoặc tám tuổi, hầu hết trẻ em dần trở nên quan tâm hơn với sự công bằng và sẵn sàng chia sẻ. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ tốt thường có xu hướng dễ chia sẻ hơn, ngược lại hành động chia sẻ cũng khiến chúng cảm thấy bản thân mình là một đứa trẻ ngoan. Vì vậy, dạy con biết chia sẻ cũng chính là chìa khóa để nâng cao lòng tự trọng của chúng.
Bởi thế, mặc dù bạn có thể không muốn ép buộc con mình chia sẻ một số món đồ chơi nhất định, bạn có thể tạo thói quen chỉ ra những tình huống mà trẻ cần chia sẻ. Dành một vài lời khen cho bé, cũng như cho trẻ biết cảm nhận của người khác thế nào. Một vài câu nói khích lệ bạn có thể nói với trẻ như: “Mẹ rất tự hào về con!”, “Đó là một điều tốt đẹp nên làm”, “Cho đi sẽ nhận được nhiều hơn”…
Bồi đắp cho trẻ sự tự tin
Khả năng phản ứng của trẻ thường dựa vào năng lực của chúng. Để tự tin là một kỹ năng sống cho trẻ, đầu tiên cần để trẻ hiểu khả năng của mình, tin vào năng lực của bản thân. Sự cổ vũ của cha mẹ mang lại nhiều tác động tích cực trong quá trình trẻ xây dựng lòng tin cho mình. "Con có thể làm được" là thông điệp rất quan trọng với mỗi đứa trẻ.
Cha mẹ nên tạo cho trẻ cơ hội, cho trẻ tham gia các khóa học kỹ năng sống, các khóa hè bán trú,… để thực hiện và hiểu được kết quả hành động của mình, cùng với việc cảm nhận thành công, cũng nên nếm trải một vài thất bại, hình thành năng lực ứng phó. Có thành công thì đương nhiên cũng có thất bại, cha mẹ không nên vì thất bại mà ảnh hưởng đến giá trị bản thân trẻ. Điều quan trọng là trẻ dũng cảm thử sức, dũng cảm đối mặt với thất bại, đồng thời lòng tự tôn, tự tin của trẻ cũng không bị ảnh hưởng. Bạn cũng cần nhớ, để nâng cao kỹ năng sống cho trẻ, hãy để trẻ làm những việc trẻ thích, đồng thời yêu cầu trẻ làm tốt, điều này sẽ giúp ích cho việc bồi dưỡng sự tự tin và năng lực của trẻ.
Một người chỉ cần cảm nhận được niềm vui một lần thành công thì sẽ có ý chí và sức mạnh theo đuổi không ngừng nghỉ, tăng sự tự tin của mình, giảm cảm giác tự ti, và sự thành công liên tiếp sẽ càng củng cố niềm tin của người này. Ngược lại, nếu một người trải nghiệm thất bại, không được cảm nhận niềm vui của sự thành công, dần dần họ sẽ trở nên ủ rũ và nhụt chí. Vì thế, chúng ta cần tận dụng mong muốn con thành công, trong quá trình dạy dỗ trẻ, để trẻ cảm nhận được thành công, từ đó thúc đẩy trẻ phát triển trên cơ sở vốn có.
Dạy trẻ biết cách lắng nghe
Lắng nghe không chỉ đơn thuần là việc chỉ giữ yên lặng, mà nó đòi hỏi bạn cần phải thấu hiểu những gì người khác đang nói. Điều này cũng là một phần quan trọng trong việc xây dựng nên một cuộc giao tiếp lành mạnh.
Hơn nữa, phần lớn việc học tập ở trường phụ thuộc vào khả năng của trẻ để lắng nghe những gì giáo viên giảng dạy. Nếu như con có khả năng tiếp thu tốt, cộng thêm với các kỹ năng khác như ghi chép và phân tích những gì đang được nghe sẽ giúp con tiến bộ hơn trong học tập.
Kỹ năng xã hội này là một trong những yếu tố quan trọng cần chú trọng, nhất là thời đại hiện nay, khi các thiết bị kỹ thuật số ngày càng phát triển mạnh mẽ, con người ta có xu hướng chăm chăm vào màn hình điện thoại, máy tính mà quên đi cách giao tiếp, lắng nghe.
Do vậy, khi đọc sách cho con, bạn nên định kỳ dừng lại và yêu cầu trẻ thuật lại những gì mà bạn đã đọc. Đôi khi trẻ có thể bị vấp, bạn hãy giúp bé điền vào những khoảng trống và khuyến khích trẻ tiếp tục lắng nghe tiếp. Ngoài ra, nên dạy trẻ không được phép ngắt lời người khác khi họ đang trò chuyện.
Dạy con sự kiên cường và bền bỉ
Phát triển sự kiên cường trong mọi nghịch cảnh là điều tối quan trọng để thành công. Chúng ta đều biết đau đớn và thất vọng trước thất bại, nó là một phần của cuộc sống. Cho dù bạn muốn bảo vệ con cái khỏi những tổn thương do thất bại thì rồi một ngày, bạn sẽ không còn khả năng làm điều đó.
Giống như những mầm cây, trẻ em cần thất bại để trưởng thành. Điều quan trọng trong kinh doanh là học được cách chấp nhận thất bại. Rèn luyện cho con bạn tinh thần kiên cường và giải quyết những thách thức trong cuộc sống, như vậy, bạn có thể yên tâm về con mình hơn là lúc nào cũng che chở, bảo vệ để chúng tự ti và nghi ngờ về năng lực bản thân.
Làm thế nào để giúp các con trở nên kiên cường hơn? Hãy để chúng thoải mái bộc phát cảm xúc và hạn chế vỗ về hay an ủi. Sau khi lĩnh hội và cảm nhận được những cảm xúc đó thì tự khắc chúng sẽ vượt qua thất vọng và dồn sự tập trung cho những ý tưởng mới.
Dạy trẻ cách đối diện với thất bại
Phản ứng của trẻ khi gặp thất bại hay chiến thắng trong học tập, vui chơi cũng thể hiện tính cách, sự thành công của trẻ trong tương lai. Bố mẹ thể hiện thái độ giận dữ trong công việc của công ty ở nhà sẽ vô tình tạo cho trẻ một tấm gương không tốt. Những hành vi của cha mẹ khiến trẻ có một thái độ tiêu cực với những khó khăn khi gặp phải. Hãy thảo luận cùng con tìm ra cách giải quyết thay vì giận dữ bỏ cuộc. Bố mẹ không nên cấm trẻ thể hiện thái độ, cảm xúc mà nên định hướng để trẻ biết cách điều khiển được cảm xúc biết được điều nào đúng, điều nào sai.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/pham-chat-nhat-thiet-phai-xay-dung-cho-tre-tu-nho-de-co-ich-khi-truong-thanh-c216a1131038.html