Cha mẹ mất kiểm soát khi dạy con học ở nhà

00:43' 24-12-2020
Dạy mãi nhưng con trai 10 tuổi không tiếp thu, ông bố run lên vì tức giận, trong lúc mất kiểm soát, anh bạt mạnh vào tai trái của con.


    Bác sĩ Xu Huiming, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhân dân Hàng Châu cho biết, ông tiếp nhận trường hợp này vài ngày trước. Đứa trẻ được bố mẹ đưa đến phòng khám với vẻ mặt đầy lo lắng. Ban đầu, họ chỉ nói con trai bị đau ở tai, cần được khám.

    Ông Xu cứ nghĩ đứa trẻ bị ngã hoặc tai nạn giao thông, nhưng quan sát bằng mắt, vị bác sĩ không phát hiện vết thương bên ngoài. "Tôi đề nghị cha mẹ cậu bé cho biết tiền sử bệnh càng nhiều càng tốt. Họ lưỡng lự, nhưng rồi cũng nói hết sự thật", ông kể.

    Hóa ra, tối trước đó, cậu bé 10 tuổi được bố hướng dẫn làm bài tập về nhà. Trong lúc dạy con học, phụ huynh này vô cùng tức giận vì đứa nhỏ không chịu tiếp thu. "Tôi tức đến nỗi tay run lên. Trong lúc không kiểm soát, tôi bạt vào tai trái của con", Xu Huiming nhắc lại lời ông bố.

    Dù không thấy tai con chảy máu và vẫn nghe được, nhưng bố đứa trẻ đã rất hối lỗi vì sự thất bại của mình và vô cùng lo lắng. Sáng hôm sau, con không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định đưa đi khám.

    Sau khi kiểm tra kỹ bằng cách soi tai bằng điện và qua ống soi tai, bác sĩ phát hiện màng nhĩ tai trái của cậu bé bị thủng bất thường, kích thước khoảng 0,2x0,4 cm. Chẩn đoán ban đầu là thủng màng nhĩ do chấn thương ở tai trái và mất thính lực nhẹ.

    Bác sĩ Xu Huiming khuyên nên theo dõi cậu bé trong một tháng đầu tiên, tránh nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai, tránh tập thể dục gắng sức. Nếu màng nhĩ không lành sau một, thậm chí hai, ba tháng, phải làm phẫu thuật.

    Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Chiết Giang Su Heng cho rằng tình trạng trẻ lười học, không chú ý khá phổ biến. Nguyên nhân là do chúng chưa hình thành thói quen học tập, cảm thấy chơi đủ rồi mới học, không tự sắp xếp được thời gian và mê điện thoại, tivi.

    Bên cạnh đó, một số trẻ lệch lạc trong nhận thức về việc học. Chúng thường nghĩ "học là việc của bố mẹ, không phải trách nhiệm của con", "học khổ cực, học chán"... Ngoài ra, trẻ cũng có những thay đổi về cảm xúc: bị giáo viên ở trường chê trách, bạn bắt nạt, gia đình bất hòa hoặc bị kích thích bởi những sự kiện lớn khác trong cuộc sống... dẫn đến thiếu tập trung.

    Bác sĩ Su Heng cho rằng, là cha mẹ, tùy vào nguyên nhân, tình trạng của con mà giải quyết vấn đề cho phù hợp.

    Ảnh minh họa: btv.com

    Ảnh minh họa: btv.com

    Cha mẹ cần lưu ý những điều sau

    - Nên làm gương tốt cho con, chẳng hạn không nhìn điện thoại hoặc chơi game khi con đang học.

    - Phát triển thói quen tốt của trẻ: Yêu cầu con chỉ làm bài tập xong mới làm việc khác. Hãy để trẻ tự sắp xếp trình tự học, đừng áp đặt, đòi hỏi con, hãy để trẻ học theo tốc độ của nó.

    - Đừng vội ngắt mạch của con khi trẻ đang học: Nếu con làm sai, nên đợi cho đến khi trẻ làm xong bài tập ấy hoặc tất cả bài tập rồi mới sửa. Bởi nếu can thiệp giữa chừng, con sẽ mất hứng thú để tiếp tục, nảy sinh cảm xúc tiêu cực.

    - Thường xuyên trò chuyện với con: Đứa trẻ chủ động chia sẻ với bố mẹ là một đứa trẻ biết lắng nghe, không chỉ trích hay tùy tiện "sửa" người khác. Dù con có suy nghĩ ngây thơ hoặc không tốt, hãy để con nói xong rồi tìm cách phù hợp điều chỉnh.

    Nếu con không thích nói chuyện, cha mẹ hãy chủ động bắt đầu bằng những chủ đề trẻ quan tâm. Đừng chỉ hỏi về điểm số mà hãy chú ý đến con đường trí thức cả đời của đứa bé. Hãy để con từ từ hình thành khái niệm cơ bản: "tự chịu trách nhiệm về bản thân".

    - Hãy để con thực sự thích học: Thích học luôn quan trọng hơn kết quả học. Thông qua các câu chuyện tình huống lặp đi lặp lại và ví dụ, hãy cho con biết học tập là điều chúng sẽ làm trong suốt đời, nhưng theo một cách khác. Thế giới này phong phú và đầy màu sắc, học là để hiểu, nhận biết, phân tích và sự đoán thế giới, không phải chỉ để lấy thành tích.

    - Chú trọng thời gian tập trung ngắn: Sau khi trẻ tập trung được thời gian ngắn, nên để con nghỉ ngơi vài phút theo ý nó thích và khen ngợi khi con tập trung được lâu hơn.

    Nếu trẻ luôn di chuyển xung quanh khi làm bài, không bao giờ yên lặng, thậm chí trong lớp cũng thường xuyên đi lại, hãy kiểm tra xem con có mắc chứng "rối loạn tăng động giảm chú ý" hay không.

    Chuyên gia cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh nên tiết chế cảm xúc để không làm con bị thương, đồng thời, không làm tổn hại đến sức khỏe của mình, nhất là người mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não như cao huyết áp.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/mat-kiem-soat-vi-day-con-hoc-o-nha-4209995.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ