PayPal đề nghị Chippit không sử dụng tên PayPool
(Nguồn: AFR)
Chippit, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech ở Australia, mới đây vướng phải tranh chấp bản quyền với “gã khổng lồ” thanh toán trực tuyến PayPal liên quan cách đặt tên cho tính năng của một sản phẩm mới mà công ty dự định gọi là “PayPool.”
Theo phóng viên TTXVN, Chippit được thành lập vào tháng 11/2021 và đã huy động được số tiền đầu tư khoảng $500,000 từ quỹ đầu tư mạo hiểm Antler và các “nhà đầu tư thiên thần” (Angel Investor), những người cấp vốn trong giai đoạn ban đầu để đổi lấy quyền sở hữu công ty.
Chippit cung cấp một “ví” kỹ thuật số cho phép một nhóm người dùng “gom” tiền tiết kiệm của họ lại và cho nhau vay tiền.
Trong bức thư pháp lý gửi cho Chippit hồi tháng 1/2023, PayPal yêu cầu công ty khởi nghiệp của Australia rút lại đơn đăng ký nhãn hiệu “PayPool” và đề nghị không sử dụng tên này.
PayPal lập luận rằng cái tên “PayPool nghe có vẻ khá giống với PayPal khi phát âm,” điều này khiến người dùng lầm tưởng rằng các dịch vụ của Chippit được liên kết với PayPal.
Bức thư nêu rõ: “PayPal không có ý định làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của bạn, nhưng PayPal cần đảm bảo rằng nhãn hiệu và các biến thể nhãn hiệu của chúng tôi được sử dụng đúng cách và người tiêu dùng không bị nhầm lẫn.”
PayPal cho biết họ sẽ “không phản đối” việc Chippit đảo lại thứ tự các từ thành “PoolPay” và sử dụng thuật ngữ này cho bất kỳ tính năng nào sắp tới.
Phát biểu với báo chí, ông Eli Muse, Giám đốc điều hành Chippit, cho biết ông lo ngại rằng hậu tố “Pay” (trong từ “PoolPay”) dễ khiến người dùng nghĩ rằng đây là tính năng “mua trước, trả tiền sau” giống như dịch vụ của các nhà cung cấp như Afterpay, Openpay và Beforepay ở Australia.
Đáp lại thư của PayPal, Chippit cho rằng khách hàng không thể nhầm lẫn tính năng PayPool được liên kết với PayPal như “gã khổng lồ” trên khẳng định, vì tính năng này được tích hợp trong ứng dụng của Chippit.
Công ty khởi nghiệp trên cho biết thêm họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển thương hiệu, thiết kế sản phẩm và nghiên cứu thị trường.
Các luật sư của Chippit đang đề nghị PayPal bồi thường cho Chippit về các chi phí phát sinh tính đến nay và “cơ hội quảng cáo mà họ có thể đã bỏ lỡ” khi thu hồi tên nhãn hiệu, hoặc “một thỏa thuận hợp tác dài hạn, chẳng hạn như khoản đầu tư của đối tác hoặc một sản phẩm hợp tác.”
Chippit đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của mình lên Cơ quan Quản lý sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) vào tháng 8/2022 và đơn đã được chấp nhận vào tháng 1/2023. PayPal đã đệ đơn phản đối việc đăng ký trên vào ngày 3/3.
Công ty Fintech mới của Australia đã ra mắt dịch vụ của mình vào tháng 2/2023 sau khi trình làng dịch vụ này vào tháng 12/2022 với tư cách là một “ứng dụng huy động tiền trong xã hội và nền tảng tiết kiệm” giúp số hóa tài chính cộng đồng.
Giám đốc điều hành của Chippit chia sẻ ở một số cộng đồng cư dân tại Australia, hình thức này được gọi là “Su Su”, một loại “câu lạc bộ tiết kiệm” không chính thức.
Ông cho biết: “Do lượng người nhập cư đến Australia ngày càng lớn, chúng tôi nhận thấy xu hướng này đang tăng lên đáng kể khi một nhóm người cùng nhau tiết kiệm tiền và cho nhau vay”./.
Article sourced from vietnamplus.vn.