Nước Mỹ chấn động với vụ xả súng trường học
Nước Mỹ ngày 24/5 chấn động với vụ xả súng trường học đẫm máu nhất trong gần một thập kỷ qua. Nghi phạm Salvador Ramos, 18 tuổi, lái xe đến trường tiểu học Robb ở thành phố Uvalde của bang Texas, vượt qua ba cảnh sát bảo vệ, xông vào một lớp học và xả súng trước khi bị lực lượng hành pháp tiêu diệt. Trong gần hai giờ, kẻ xả súng đã khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có 19 học sinh lớp 4.
Trước khi gây tội ác, Ramos đã viết trên Facebook rằng anh ta "sẽ đến một trường học", nhưng không nói là trường nào. Giới chức cũng chưa rõ nghi phạm có cố ý chọn trường Robb làm mục tiêu hay không.
Sống ở thành phố Austin, bang Texas, cách nơi xảy ra vụ xả súng khoảng ba giờ lái xe, Quỳnh Lâm cảm thấy bàng hoàng về hành động dã man của nghi phạm và lo lắng cho đứa con nhỏ đang độ tuổi đến trường.
"Thật đau lòng khi nghe tin về vụ xả súng. Nạn nhân toàn là các bé tiểu học", Quỳnh Lâm nói với VnExpress. "Bé nhà tôi bị ốm nên đang nghỉ học, nhưng tôi tính sẽ cho con ở nhà cả tuần luôn".
Hoa được đặt tại nơi tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở trường tiểu học Robb, thành phố Uvalde, bang Texas, Mỹ hôm 25/5. Ảnh: AFP.
Con của Quỳnh Lâm mới 3 tuổi và đang học nhà trẻ. Dù nhà trường kiểm soát an ninh khá nghiêm ngặt, cô vẫn không thể yên tâm.
"Nhà trẻ của con tôi không cho người ngoài, thậm chí cả phụ huynh vào. Trường tiểu học hay trung học ở đây cũng luôn có bảo vệ và cả cảnh sát đứng gác ở cổng. Nhưng nhỡ những kẻ xả súng vẫn tìm cách lẻn vào trong trường thì sao?", cô lo lắng. "Mua bán súng ở Mỹ cũng quá dễ dàng".
Quỳnh Lâm cho hay người Mỹ từ 18 tuổi trở lên có thể mua súng, chưa kể mua lậu, khiến việc kiểm soát súng đạn trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, tình trạng chia rẽ đảng phái cũng gây nhiều trở ngại cho nỗ lực ngăn chặn bạo lực súng đạn ở Mỹ.
"Tôi không hiểu tại sao Mỹ quy định 21 tuổi mới được mua rượu bia, trong khi 18 tuổi đã được mua súng", cô nói. "Trong 10 năm ở đây, tôi chưa thấy vụ xả súng nào quanh nơi mình ở, nhưng vẫn thật sự bất an".
Để đối phó với tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng phổ biến, một số bang Mỹ đã ra luật cho phép các thành viên gia đình hoặc lực lượng hành pháp tước súng khỏi một người được cho là có thể gây nguy hiểm cho mọi người hay chính bản thân. Ở Alabama, những người bị kết tội bạo hành gia đình hoặc bạo lực không thể sở hữu súng, theo WBRC.
Tuy nhiên, những quy định như vậy chưa đủ khiến nhiều người ở Mỹ yên tâm. Không chỉ người gốc Việt, nhiều ông bố bà mẹ trên khắp nước Mỹ cũng bày tỏ nỗi giận dữ, thất vọng sau vụ xả súng ở Texas.
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post ngày 25/5, Fabian Padilla, sống ở thành phố Orlando, bang Florida, cho biết vợ chồng anh đã nghiên cứu các loại trang bị chống đạn cho đứa con đang đi học mẫu giáo của mình, từ balo mặt cười gắn tấm giáp, đến loại áo trùm đầu có khả năng ngăn đạn.
Padilla thừa nhận ý tưởng trang bị áo giáp cho con là "điên rồ ở một đất nước văn minh", nhưng anh không biết phải làm gì khác. Vợ chồng anh đã bật khóc, run rẩy khi xem bản tin về vụ xả súng ở trường tiểu học Robb.
"Là bậc làm cha làm mẹ, bạn cảm thấy bất lực", Padilla, 35 tuổi, nói. "Bạn có cảm giác như mạng sống của mình và các con phụ thuộc vào bất cứ thứ gì xảy ra ngoài kia mà không thể kiểm soát được".
Với Marla Stout, người mẹ 54 tuổi ở Kansas City, bang Missouri, ý nghĩ về việc rời khỏi Mỹ đang ngày càng lớn dần. "Cách duy nhất tôi có thể bảo vệ các con hiện nay là rời khỏi đất nước này", Stout cho biết, dù gia đình cô vẫn rất yêu nước Mỹ.
Ivy Nguyễn, người gốc Việt sống ở phía nam thành phố Houston, bang Texas và có hai con nhỏ đang học tiểu học, cũng cho biết cô thật sự bất an với tình hình an ninh hiện tại ở Mỹ.
"Cách đây vài ngày, cộng đồng đã sục sôi với vụ xả súng trong siêu thị ở bang California, giờ lại đến vụ xả súng trường học ở Texas", cô nói. "Trường học Mỹ có quy định ra vào, đưa đón khá nghiêm ngặt, nhưng tôi vẫn không thể không lo cho các con".
Dù rất bất an sau vụ xả súng ở thành phố cùng bang, cô không thể cho con nghỉ ở nhà vì quy định đối với cấp tiểu học khá nghiêm ngặt. Ivy cho biết học sinh không được nghỉ quá hai ngày mà không có giấy xác nhận từ bác sĩ. Nếu tổng ngày nghỉ trong năm vượt quá 10% số ngày học, nhà trường sẽ báo lên tòa án và phụ huynh sẽ được triệu tập để giải trình.
"Còn hơn tuần nữa là các con được nghỉ hè, nên tôi cố để chúng đến trường đầy đủ. Nhưng ngày nào con đi học, tôi cũng phải cầu nguyện chúng bình an", cô tâm sự.
Nhà trường cũng có hướng dẫn và diễn tập các tình huống như hỏa hoạn và động đất, song thầy cô chưa trao đổi gì về những vụ xả súng, theo Ivy. "Do đó, hội phụ huynh học sinh đang rủ nhau mua cặp chống đạn cho các con, cũng như hướng dẫn thêm cho chúng nếu rơi vào tình huống nguy hiểm", cô kể.
Ước tính doanh số bán súng hàng tháng ở Mỹ. Đồ họa: NY Times.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi đầu tuần công bố số liệu cho thấy nước này năm 2021 ghi nhận 61 vụ xả súng, cao nhất trong hơn 20 năm, khiến 103 người chết và 140 người bị thương.
Sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập tức có bài phát biểu kêu gọi "biến nỗi đau thành hành động" và thúc giục các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn.
"Tôi mong rằng Mỹ sẽ siết chặt quy định về mua súng, như tăng tuổi người mua lên ít nhất 30 và phải kiểm tra lý lịch kỹ càng. Mỹ cũng cần nghiêm cấm súng trường tự động, loại vũ khí có thể bắn liên thanh. Chúng thực sự nguy hiểm", Quỳnh Lâm đề xuất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị ở Mỹ hiện nay, nhiều phụ huynh hiểu vấn đề kiểm soát súng đạn còn rất nan giải. "Không phải Tổng thống Biden muốn thay đổi là được, bởi còn trở ngại ở quốc hội hay Tòa án Tối cao. Vấn đề này thực sự rất khó giải quyết", cô nói.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/phu-huynh-bat-an-sau-vu-xa-sung-truong-hoc-my-4468442.html