NSW: Những nỗ lực không mệt mỏi để bảo vệ loài cá mập quý hiếm của cô gái trẻ

01:00' 14-01-2023
Một cô gái 16 tuổi người Australia tự mình thực hiện chiến dịch bảo vệ loài cá mập y tá xám quý hiếm ở nơi cô sinh sống.


    Shalise Leesfield đã vận động bảo vệ môi trường biển từ năm 11 tuổi. (Nguồn: CNN)

    Với cái mõm nhọn đầy vẻ đe dọa, hàm răng sắc giống như răng cưa, loài cá mập y tá xám (grey nurse shark) không phải là sinh vật mà nhiều người muốn chạm trán ở biển. Nhưng với Shalise Leesfield thì khác...

    Cô bé cho hay cô thường xuyên gặp những con cá mập này (còn được gọi là cá mập hổ cát, hoặc cá mập răng cưa đốm) khi cô lặn ở ngoài khơi bờ biển South West Rocks, gần nhà mình tại Port Macquarie, một thị trấn ven biển phía Bắc thành phố Sydney.

    “Tôi biết mọi người thường kỳ thị ngoại hình đáng sợ của cá mập, nhưng tôi cam đoan rằng chúng là những con vật dễ thương nhất. Chúng rất ngoan và rất tò mò, giống như những chú chó nhỏ dưới biển vậy”, cô cho biết.

    Loài cá mập này di chuyển chậm, thích sống gần đáy biển ở vùng nước nông, ấm áp và vô hại đối với con người.

    Theo Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), gần đây, các đàn cá mập bị chia cắt, môi trường sống của chúng mất dần do sự nóng lên của đại dương và sự phát triển của con người. Thêm vào đó, việc đánh bắt cá tràn lan đã dẫn đến suy giảm nghiêm trọng về số lượng. IUCN xếp loại cá mập y tá xám là loài đang bị đe dọa nghiêm trọng.

    Hiện nay, người ta có thể nhìn thấy loài cá mập này ở vùng biển Fish Rock - một khu vực hang động dưới nước có hệ sinh thái phong phú và độc đáo, nằm cách bờ biển thị trấn Port Macquarie khoảng 64km.

    Ngọn hải đăng hy vọng

    Hiện tại, những người câu cá giải trí được phép tiếp cận xung quanh Fish Rock, miễn là họ sử dụng loại mồi câu có nguồn gốc thực vật. Chính điều này dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học và gia tăng ô nhiễm môi trường biển, Leesfield cho biết.

    Cô bé muốn mở rộng khu vực cấm đánh bắt cá, thiết lập một khu bảo tồn dài 1.500m làm nơi cư ngụ cho loài cá mập y tá xám.

    Chiến dịch vận động bảo tồn biển của cô đã khiến vùng biển này trở thành Điểm Hy vọng, một phần của chương trình Mission Blue do nhà hải dương học nổi tiếng người Australia Sylvia Earle phát động, nhằm xác định những địa điểm cực kỳ quan trọng đối với hệ sinh thái của đại dương và hỗ trợ bảo vệ.

    Nỗ lực của những người như Leesfield đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính dễ bị thương tổn của loài cá mập y tá xám nói riêng và cả vùng biển này nói chung.

    “Khi mọi người nghĩ về những vùng biển được coi là Điểm Hy vọng, họ thường nghĩ về Cảng Sydney hoặc Rạn san hô Great Barrier… Do vậy, việc Fish Rock được coi là Điểm Hy vọng quả là một tin đáng kinh ngạc”, cô nói.

    “Riêng tôi thích gọi Fish Rock là 'ngọn hải đăng hy vọng' cho những chú cá mập này, bởi đó là nhà của chúng. Đó là nơi rất quan trọng đối với chúng và thật tàn khốc nếu một môi trường sống quan trọng như vậy không được bảo vệ”.

    Hiện tại, Leesfield đang làm việc với nữ chính trị gia Cate Faehrmann, nghị sĩ quốc hội và là người phát ngôn về các vấn đề về biển của đảng Xanh Australia ở New South Wales, để hợp pháp hóa việc bảo vệ cá mập và thực hiện vùng cấm đánh bắt cá trong khu vực.

    Ảnh: CNN

    Bà Faehrmann giải thích rằng Fish Rock là nơi sinh sản quan trọng của cá mập y tá xám.

    “Nó phải được bảo vệ để đảm bảo sự sinh tồn của cá mập”, bà khẳng định và cho biết, bà tự hào vì cộng tác với Leesfield. “Shalise Leesfield là một phần của thế hệ các nhà vận động mới, đang lên tiếng vì môi trường. Tương lai của chúng ta sẽ tươi sáng hơn rất nhiều nhờ niềm đam mê, quyết tâm cứu hành tinh và những loài động vật hoang dã quý giá của họ”.

    Những nỗ lực không mệt mỏi

    Đối với một người chưa tốt nghiệp trung học, thành tích bảo tồn sinh vật biển của Leesfield có thể được coi là một kỳ tích ấn tượng, nhưng việc bảo vệ cá mập y tá xám không phải là nỗ lực đầu tiên của cô bé.

    Năm Leesfield 11 tuổi, sau khi nhận thấy tác hại của ô nhiễm nhựa đối với môi trường biển, cô bắt đầu chiến dịch kêu gọi lắp đặt các thùng thu gom rác thải và dây câu bị vứt bỏ, nhằm giảm ô nhiễm đại dương tại địa phương. Chiến dịch đó đã mang lại một khoản trợ cấp bảo vệ môi trường của chính phủ Australia trị giá hơn 75.000 AUD.

    Ngay sau đó, cô đã thành lập Quỹ hỗ trợ đại dương của Shalise nhằm mục đích truyền cảm hứng cho mọi người thêm quan tâm đến môi trường.

    Cô lập trang web Trường học không có nhựa để đưa ra các tư vấn cho giáo viên và học sinh về việc giảm thiểu rác thải ở trường học.

    Những cống hiến của Leesfield cho sự nghiệp bảo vệ môi trường biển xuất phát từ tình yêu đại dương sâu sắc. Cô bé nói: “Tình yêu với biển theo thời gian đã làm cho niềm đam mê của tôi lớn dần lên và khiến tôi đứng lên đấu tranh cho những gì mình thực sự yêu thích”.

    Cô gái nhỏ cho rằng, thế hệ trẻ cần từ bỏ suy nghĩ rằng bảo vệ môi trường là việc “để người lớn lo”. “Chúng ta - thế hệ trẻ chính là những người sẽ thừa kế Trái đất và đại dương”.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Australian Whisky Auctions Vùng: Port Melbourne. Phone: 0458 696 103
Xem thêm

Article sourced from baoquocte.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ