Nội bộ Israel rạn nứt vì thỏa thuận ngừng bắn Gaza
Cuộc tranh cãi diễn ra tại buổi họp của các quan chức an ninh ngày 29/8, xoay quanh việc liệu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có nên rời khỏi Hành lang Philadelphi hay không. Hành lang Philadelphi dài 14 km, chạy dọc theo biên giới giữa Dải Gaza và Ai Cập, đang do Israel kiểm soát.
Việc IDF có hiện diện tại khu vực này trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn hay không đang là điểm gây tranh cãi lớn giữa Israel và Hamas, khi nhóm yêu cầu Israel phải rút quân hoàn toàn.
Các nguồn tin cho biết tại cuộc họp, ông Netanyahu đưa ra một số bản đồ cho thấy IDF nên đóng quân dọc theo hành lang này như thế nào trong giai đoạn đầu của thỏa thuận, để ngăn Hamas tuồn vũ khí qua đường hầm bên dưới khu vực.
"Tôi muốn đưa quyết định về việc IDF đóng quân tại Hành lang Philadelphi cho nội các phê duyệt", ông Netanyahu nói. Bộ trưởng Gallant phản đối, cho biết "điều này sẽ khiến Hamas không đồng ý, dẫn đến không có thỏa thuận và không con tin nào được thả".
Vị trí Dải Gaza và Israel, Ai Cập. Đồ họa: CNN
Ông Gallant cho rằng Thủ tướng Netanyahu đưa ra bản đồ không đúng như mong muốn của đoàn đàm phán Israel tại Cairo, Ai Cập. "Ông cố ép họ dùng bản đồ này", Gallant nói.
Bất chấp ông Netanyahu tức giận bác bỏ, Bộ trưởng Gallant tiếp tục nói "ông đương nhiên đã ép buộc, ông muốn cuộc đàm phán theo ý mình".
Herzi Halevi, tổng tham mưu trưởng IDF, dường như ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Gallant. Ông Halevi nói IDF có thể rút khỏi Hành lang Philadelphi và quay trở lại khu vực này "sau khi 6 tuần ngừng bắn kết thúc". "Chúng ta đã có đủ ràng buộc cho các cuộc đàm phán, không cần thêm bất cứ điều gì nữa", ông Halevi nói.
"Tất nhiên Thủ tướng Netanyahu có thể đưa ra mọi quyết định. Ông ấy cũng có thể khiến tất cả con tin thiệt mạng", Gallant bình luận. Một số bộ trưởng chỉ trích tuyên bố này.
Gallant nói một cách mỉa mai rằng thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar "rốt cục sẽ ra lệnh cho các vị và các vị sẽ rút lui". Thủ tướng Netanyahu tuyên bố không ai có thể ra lệnh cho ông và nhận định "chỉ có đàm phán quyết liệt mới khiến Sinwar khuất phục".
Một khu vực thuộc Hành lang Philadelphi ngày 15/7. Ảnh: ToI
Những người tham gia cuộc họp bỏ phiếu về bản đồ mà ông Netanyahu đưa ra, trong đó 8 người ủng hộ, Bộ trưởng Gallant bỏ phiếu chống và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Ben Gvir bỏ phiếu trắng.
Một quan chức Israel ngày 31/8 cho biết không thể bình luận về bản đồ được đưa ra trong cuộc họp, song xác nhận ông Netanyahu đã yêu cầu bỏ phiếu về cách IDF hiện diện lực lượng tại Hành lang Philadelphi.
Xung đột tại Dải Gaza bùng phát vào tháng 10/2023, khi Israel mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực để trả đũa vụ tấn công trước đó của Hamas. Theo cơ quan y tế Dải Gaza, 40.691 người tại đây thiệt mạng và 94.060 người bị thương.
Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn đã diễn ra trong hai tuần qua với sự tham gia của Israel và các nhà trung gian Mỹ, Qatar và Ai Cập. Hamas không tham gia trực tiếp nhưng được thông báo về các diễn biến. Nhóm này khẳng định họ muốn thực hiện đề xuất Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hồi tháng 5, gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu gồm lệnh ngừng bắn hoàn toàn và toàn diện dài 6 tuần, lực lượng Israel phải rút khỏi "tất cả các khu vực đông dân cư ở Gaza" và Tel Aviv sẽ thả hàng trăm tù nhân Palestine. Đổi lại, Hamas thả một số con tin mà nhóm bắt cóc trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023, gồm phụ nữ, người già và người bị thương, cũng như trao trả thi thể con tin đã chết.
Trong 6 tuần đó, Hamas và Israel sẽ đàm phán tiếp các thỏa thuận cần thiết để tiến tới giai đoạn hai "chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch". Giai đoạn này cũng có thể được gia hạn nếu các bên cần thời gian để tiếp tục thảo luận.
Trong giai đoạn hai, cũng dự kiến kéo dài 6 tuần, lực lượng Israel sẽ rút hoàn toàn khỏi Gaza. Hamas sẽ thả "tất cả con tin còn sống", gồm cả binh sĩ nam Israel.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/lanh-dao-israel-tranh-cai-gay-gat-ve-thoa-thuan-ngung-ban-o-gaza-4788037.html