Những rắc rối thật sự của Xiaomi SU7 bây giờ mới bắt đầu?
Trên hạng đối thủ, nhưng bán dưới giá
Mới đây, nhà sản xuất điện thoại Xiaomi đã giới thiệu mẫu ô tô đầu tiên của hãng: Xiaomi Speed Ultra 7 (thường được gọi tắt là SU7). Đây là một mẫu sedan hạng E (tức có kích thước ngang với VinFast Lux A2.0) chạy điện được bán với giá rất phải chăng.
Cụ thể hơn, Xiaomi SU7 có giá bán từ 21,59 vạn tệ đến 29,99 vạn tệ, tương đương 740 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng. Tại Trung Quốc, Xiaomi SU7 rẻ hơn khoảng 100 triệu đồng so với đối thủ Tesla Model 3 dù có kích thước trên 2 phân khúc (Tesla Model 3 có kích thước ngang với sedan hạng C).
Xiaomi SU7 được bán với giá rất hấp dẫn, rẻ hơn cả đối thủ Tesla Model 3 dù kích thước trên 2 hạng.
Theo thông số kỹ thuật mà Xiaomi công bố, SU7 phiên bản cao cấp nhất có cấu hình dẫn động 4 bánh, trang bị pin Qilin 101 kWh do CATL cung cấp, đủ để đi 800km mỗi lần sạc. Phiên bản này cũng cho công suất cao nhất, với 673 mã lực và mô men xoắn tối đa 838 Nm, có thể tăng tốc lên 100km/h trong 2,78 giây, đạt tốc độ tối đa 265km/h.
Tốc độ sạc của mẫu xe này cũng khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, với kiến trúc điện 800V, xe có thể sạc nhanh từ 10% đến 80% trong 19 phút; sạc nhanh 15 phút sẽ đủ điện để đi 510km.
Cùng với đó, Xiaomi SU7 cũng được trang bị nhiều tính năng tiên tiến như gói trợ lái tự động Pilot Pro ADAS.
Sự phiền phức mang tên Xiaomi SU7
Rất đông người tới sờ tận tay chiếc Xiaomi SU7.
Ngay sau khi chính thức mở bán, Xiaomi SU7 đã khiến thị trường xe Trung Quốc rối loạn một chút. Chỉ sau 4 phút, hãng đã nhận hơn 10.000 đơn đặt cọc, sau 27 phút đạt 50.000 đơn, sau 24 giờ đạt gần 90.000 đơn.
Cùng với "cơn bão" đơn đặt cọc, sóng người đổ tới cửa hàng của Xiaomi chờ lái thử cũng khiến truyền thông Trung Quốc bùng nổ. Nhiều bài viết đã phản ánh hàng dài người chờ đến lượt lái thử xe đến cả 2 giờ sáng.
Sức nóng của Xiaomi SU7 còn khiến nhiều buổi livestream bán hàng của... các hãng xe khác bị ảnh hưởng, khi người dùng mạng liên tục vào hỏi mua xe của Xiaomi. Chính vì vậy, rất nhiều người dẫn phiên bán hàng trực tiếp đã phải cầm sẵn biển thông báo không bán xe của Xiaomi.
Nhiều phiên bán hàng trực tuyến của các hãng xe khác bị fan cuồng Xiaomi phá bĩnh.
Những rắc rối bây giờ mới thật sự bắt đầu?
Mạng xã hội Trung Quốc mới đây xuất hiện những bức hình cho thấy xe Xiaomi SU7 gặp tai nạn do mất lái.
Lý do được giới chuyên gia đưa ra là do hệ thống kiểm soát độ bám (Traction Control System) trên Xiaomi SU7 hoạt động chưa chính xác. Hệ thống Traction Control có khả năng xác định bánh xe trượt hoặc không bám đường (khi lực quá lớn khiến bánh không bám đường), từ đó điều chỉnh phanh hoặc lực từ mô tơ / động cơ để đảm bảo khả năng điều khiển xe.
Xiaomi SU7 dường như gặp vấn đề với hệ thống kiểm soát lực kéo.
Không chỉ gặp phản hồi không tốt về hệ thống kiểm soát lực kéo, một bài viết của Reuters còn nêu ra khoản lỗ mà Xiaomi phải gánh khi phát triển mẫu xe này. Bài viết của Reuters dẫn nhận định của các chuyên gia tại Citi Research, cho rằng phát triển SU7 có thể tạo ra khoản lỗ ròng 4,1 tỷ tệ (tương đương 14,15 nghìn tỷ đồng).
Dựa trên ước tính doanh số 60.000 chiếc của năm nay, tính bình quân mỗi chiếc bán ra sẽ gánh khoản lỗ khoảng 68.000 tệ, tương đương khoảng 235 triệu đồng.
Tất nhiên, khoản lỗ này hiện tại có lẽ không phải là một gánh nặng với Xiaomi, bởi khi nhà sáng lập Xiaomi công bố kế hoạch phát triển ô tô điện, ông cho biết công ty sẽ đầu tư lên tới 10 tỷ USD vào ngành này, cho rằng đó là "kế hoạch kinh doanh trọng điểm cuối cùng" của đời ông.
Nhưng nếu khoản lỗ tiếp tục kéo dài nữa và không thể thu hồi vốn thì sao?
Có vẻ như, những rắc rối thật sự đáng kể với Xiaomi SU7 bây giờ mới bắt đầu?
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/bao-cao-doc-lap-tiet-lo-moi-chiec-xiaomi-su7-lo-235-trieu-nhung-rac-roi-bay-gio-moi-bat-dau-177240404143244696.chn