Những cơn đau đầu xuất hiện trong hoặc sau khi tập luyện cảnh báo điều gì?
Đột ngột đau đầu dữ dội trong hoặc sau khi tập luyện cường độ cao là hiện tượng không hề hiếm gặp. Dù bạn cố gắng phớt lờ và tập tiếp, những cơn đau vẫn có thể xuất hiện liên tục, không nguôi.
Đây là dấu hiệu của một tình trạng mang tên đau đầu gắng sức, một dạng đau đầu thường xuất hiện ở những người tập thể dục. Theo Tổ chức Migraine Hoa Kỳ (AMF), mặc dù đau đầu gắng sức không liên quan tới chứng đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng, chúng có thể gây đau đớn ở hai bên đầu liên tục, kéo dài từ 5 phút đến 48 giờ.
Tình trạng này có xu hướng xảy ra khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi nhất, huyết áp tăng cao gây áp lực lên mạch máu trong não. Đạp xe, chạy bộ hoặc cử tạ thường là những bài tập luyện đòi hỏi sức bền và sức mạnh cao nên dễ dẫn tới đau đầu gắng sức.
Nếu lần đầu tiên bị đau đầu trong hoặc sau khi tập thể dục, bạn nên đi khám để kiểm tra xem bản thân có mắc phải vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào không, tránh cố gắng quá sức dẫn đến những nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Bệnh tim hoặc những tình trạng sức khỏe làm ảnh hưởng tới tủy sống cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng này.
Dừng tập và hạ nhiệt
Khi tập luyện, các cơ ở đầu và cổ cần nhiều máu hơn để hoạt động. Điều này làm cho các mạch máu giãn ra, dẫn đến một tình trạng mang tên đau đầu gắng sức.
Tập thể dục trong điều kiện nóng, ẩm hoặc khi cơ thể chưa thích ứng có thể gây ra chứng đau đầu gắng sức. Clifford Stark, bác sĩ, chuyên gia về y học thể thao ở thành phố New York cho biết, đây là dấu hiệu cơ thể cảnh báo đã đến lúc bạn cần nghỉ ngơi.
Nếu cơn đau đầu biến mất, mọi người có thể quay trở lại tập luyện nhưng phải khởi động trước. Làm nóng người với những bài tập đơn giản sẽ dần dần làm tăng nhịp tim và khiến máu lưu thông dễ dàng hơn, từ đó ngăn ngừa các cơn đau xuất hiện.
Tìm nguyên nhân
Vận động quá sức là nguyên nhân chính dẫn tới đau đầu gắng sức. Giống chứng đau nửa đầu, loại đau đầu này cũng có tác nhân gây ra. Mất nước, thiếu ngủ, các vấn đề về huyết áp, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống như sô cô la, rượu, cafein đều có thể dẫn tới những cơn đau sau hoặc trong khi tập luyện.
Do đó, Erin Manning, chuyên gia về thần kinh học kiêm bác sĩ tại Bệnh viện Special Surgery ở New York khuyên, hãy uống đủ nước, kiểm soát chế độ ăn uống, đảm bảo chất lượng giấc ngủ để xác định nguyên nhân, xem những thay đổi này có giảm tần suất đau đầu sau khi tập thể dục hay không.
Điều chỉnh tư thế phù hợp nhất
Đau đầu gắng sức cũng có thể xảy ra do những sai lầm nhỏ bạn mắc phải trong quá trình tập luyện.
Steven Coppolecchia, nhà vật lý trị liệu tại Trung tâm Vật lý trị liệu Spear ở New York cho biết, khi nâng tạ hoặc chạy bộ, không ít người có thói quen cong lưng hoặc hướng thân trên về phía trước. Điều chỉnh sao cho đúng tư thế sẽ cải thiện lượng máu lưu thông lên não và tránh căng cơ. Hơn nữa, việc làm này còn giúp giảm nguy cơ bị chấn thương sau khi tập luyện.
Hỏi ý kiến chuyên gia
Nếu gặp phải những cơn đau đầu dữ dội khó thể chịu đựng được hoặc đột ngột đau đầu đi kèm với các triệu chứng về mắt, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ một số vấn đề nghiêm trọng.
Hơn nữa, theo bác sĩ Manning, mọi người cũng cần đi khám nếu đau đầu xảy ra nhiều hơn một vài lần. Tốt nhất là đến tìm sự trợ giúp từ các bác sĩ chuyên về thần kinh hoặc có kinh nghiệm trong điều trị bệnh đau đầu.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/du-la-nguoi-thich-tap-luyen-nhung-neu-thay-dau-dau-trong-hoac-sau-khi-tap-thi-hay-lam-ngay-nhung-dieu-nay-de-tranh-rui-ro-xay-ra-20200714144153332.chn