Đừng để chiếc thớt của gia đình trở thành nguyên nhân gây ung thư: Cách ...
Thớt vốn là vật dụng quen thuộc và không thể thiếu trong bất kì gia đình nào, nó được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau từ thái, băm, chặt cho đến đập dập nhiều loại thực phẩm khác nhau.
Tuy nhiên, chiếc thớt cũng có thể trở thành "kẻ sát nhân" cả gia đình nếu nó không được làm sạch và bảo quản đúng cách, các vết trầy xước trên mặt thớt sẽ ẩn chứa nhiều bụi bẩn và vi khuẩn. Đặc biệt, nếu thớt bị nấm mốc, có chứa chất aflatoxin, chỉ với 1mg chất này khi vào cơ thể cũng đủ khiến con người có nhiều nguy cơ mắc ung thư, nếu cùng lúc ăn tới 20mg chất này, nguy cơ tử vong là rất cao.
Thớt gỗ, tre, nhựa, kính hay thép... nên chọn loại nào?
Hiện nay, thớt có thể được sản xuất từ nhiều loại vật liệu khác nhau nhưng chủ yếu là thớt gỗ, tre, nhựa, kính cường lực, thép không gỉ.
- Thớt được làm bằng vật liệu tự nhiên như gỗ và tre được sử dụng phổ biến nhất. Nó có đặc điểm là nặng và khó trượt khi sử dụng, thích hợp để cắt, chặt nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là vật liệu này có nhiều lỗ (rãnh) gỗ cực nhỏ, khó làm sạch. Nó có thể có màu đen và mốc, dễ để lại vết dao và ẩn chứa nhiều bụi bẩn, vì vậy nó không thích hợp để cắt thực phẩm đã được nấu chín.
- Thớt nhựa cũng có vấn đề về sự trầy xước. Cần lưu ý rằng thớt nhựa tương tự như thớt gỗ và tre, nếu sử dụng trong thời gian dài, bề mặt của thớt có thể có các vết trầy xước do dao cắt. Nó cũng không thích hợp để dùng cho các thực phẩm nóng, bởi nhiệt độ cao từ thực phẩm có thể giải phóng một số chất không tốt cho sức khỏe.
- Thớt được làm bằng kính cường lực, thép không gỉ và các vật liệu khác có bề mặt nhẵn và độ cứng cao, không dễ để lại vết trầy xước. Sau khi sử dụng, nó có thể được làm sạch bằng cách rửa với nước sạch, phù hợp để cắt thực phẩm đã nấu chín. Nhưng nhược điểm của chúng lại là gây ra những âm thanh khá khó chịu khi sử dụng.
Y tá Tan Dunci tại Trung tâm Độc chất lâm sàng Linkou Changgeng (Trung Quốc) cho rằng không có vật liệu nào trong số các loại kể trên hoàn toàn không phù hợp để sử dụng. Tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, bạn có thể lựa chọn loại thớt để sử dụng. Với cô, cô chọn loại thớt dễ rửa sạch, chịu được nhiệt và có thể sử dụng trong máy rửa bát nên cô sử dụng thớt kính cường lực hoặc thép không gỉ.
Cách làm sạch và bảo quản thớt
Để tránh thức ăn hoặc chất lỏng còn sót lại, nấm mốc và vi khuẩn trên bề mặt thớt hoặc vết trầy xước, bạn nên thường xuyên làm sạch và khử trùng thớt.
- Khi làm sạch thớt làm bằng vật liệu tự nhiên như gỗ và tre, hãy chải toàn bộ bề mặt dọc theo hướng vân gỗ từ trên xuống dưới. Y tá Tan Dunci cũng nhắc nhở rằng khi sử dụng loại thớt này để cắt các thực phẩm có nguồn gốc động vật, bạn không nên sử dụng nước nóng để rửa bởi protein trong thực phẩm này sẽ đông cứng khi bị đun nóng, vì vậy nó phải được rửa sạch bằng nước lạnh trước. Sau khi rửa, chỉ cần để thớt khô tự nhiên.
#Lưu ý, phải để thớt được thông gió ở cả 2 mặt, không để 1 mặt dựa vào tường. Nếu không, mặt dựa vào tường dễ bị nấm mốc.
- Theo thông tin từ Văn phòng Y tế Chính quyền thành phố Đài Nam (Trung Quốc), cho dù đó là thớt gỗ, nhựa hay kính... bạn cũng nên phun thuốc khử trùng bề mặt thớt 2-3 ngày 1 lần, để yên trong khoảng 3 phút trước khi rửa sạch và để khô tự nhiên.
Có thể khử trùng thường xuyên thớt gỗ, tre bằng nước sôi, axit hypochlorous (nước chanh) hoặc rượu. Nhưng không được ngâm thớt để tránh làm hỏng thớt.
Nên có riêng thớt để dùng cho thực phẩm thô (chưa qua chế biến) và thớt để dùng cho thực phẩm nấu chín. Trước khi sử dụng, thớt dùng cho thực phẩm nấu chín nên được phun cồn 75% để khử trùng.
Khi nào cần thay thớt mới?
Thớt dễ bị vết dao và vết trầy xước sau khi sử dụng trong một thời gian dài và nó rất dễ để che giấu bụi bẩn. Y tá Tan Dunci cho rằng tùy thuộc vào người sử dụng đánh giá khi nào nên thay thớt. Nếu bạn cảm thấy rằng công việc làm sạch và khử trùng thông thường được thực hiện đủ và không có vấn đề gì thì bạn vẫn có thể sử dụng nó.
Nếu thớt có đốm nấm mốc, nó cần được xem xét để thay bỏ. Với thớt nhựa gặp tình trạng này, bạn có thể ngâm và rửa bằng thuốc tẩy pha loãng 1:1000, sau đó khi mà các đốm mốc đen biến mất, bạn có thể tiếp tục sử dụng nó.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/dung-de-chiec-thot-cua-gia-dinh-tro-thanh-nguyen-nhan-gay-ung-thu-cach-lam-sach-va-bao-quan-dung-rat-quan-trong-20200715174421249.chn