Nguyên nhân Anh điều chiến hạm đến châu Á - Thái Bình Dương
Trong tuyên bố chung với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi ngày 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết nước này sẽ điều hai chiến hạm trực chiến ở châu Á - Thái Bình Dương sau đợt triển khai đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, nói với VnExpress rằng động thái chuyển hướng chiến lược này của Anh là một mũi tên trúng hai đích, vừa thể hiện vị thế, vai trò ngày càng lớn của London trên trường quốc tế, vừa chứng minh sự ủng hộ với đồng minh Mỹ trong chiến lược lớn đối phó Trung Quốc.
Theo đại tá Tâm, đây là bước đi tiếp theo của Anh sau "Brexit", khi nước này không còn bị trói buộc bởi các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
"Anh có thể hành động độc lập và triển khai lực lượng quân sự của mình đến những khu vực nhạy cảm gần các quốc gia có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với EU như Trung Quốc hay Ấn Độ mà không cần tham khảo ý kiến của các nước thành viên trong khối", ông nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nhận định "khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở thành nơi tập trung về chính sách quốc phòng và ngoại giao của London, khi nước này cân nhắc lại vị thế trên thế giới sau khi rời EU". Tuyên bố này hé lộ lý do thực sự khiến Anh điều hai chiến hạm trực chiến tại Tây Thái Bình Dương.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng nhóm chiến hạm hộ tống diễn tập ở đông Đại Tây Dương ngày 28/5. Ảnh: US Navy.
Thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace ngày 20/7 mang tính dọn đường cho quân cảng Yokosuka tại Nhật Bản tiếp nhận nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, sau cuộc diễn tập chung với hải quân Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Philippines. Wallace khẳng định "Anh không bước lùi mà tiến thẳng đến việc đóng vai trò chủ động trong định hình hệ thống thế giới".
Anh có cơ sở để triển khai tàu chiến thường trực ở châu Á, vì nước này có một số lãnh thổ hải ngoại ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong số đó, quần đảo Pitcairn thường được chú ý vì nằm gần như chính giữa khu vực Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Pitcairn là nhóm đảo đá và san hô không có nhiều tác dụng về quân sự.
Quần đảo Chagos, hay Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh, quan trọng hơn Pitcairn. Vùng lãnh thổ này có diện tích khoảng 46 km2, trong đó thủ phủ Diego Garcia có 17 km2 đất nổi và là nơi Anh xây dựng một căn cứ liên hợp không quân hải quân rất lớn. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đang thuê căn cứ này, với khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ và Anh đồn trú tại đây.
Căn cứ có một cảng nước sâu tiếp nhận các loại chiến hạm với lượng giãn nước hàng vạn tấn, đồng thời có đường băng dài 3,2 km đủ khả năng tiếp nhận oanh tạc cơ chiến lược như B52, B1 và B2, và một kho hậu cần khổng lồ. Căn cứ này có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Anh và Mỹ khi nhắm tới các khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại dương.
Anh còn có các căn cứ quân sự lớn đặt tại New Zealand và Australia, với vị trí khống chế khu vực phía tây nam Thái Bình Dương và có thể triển khai ảnh hưởng tới khu vực tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Anh có các hiệp ước phòng thủ chung song phương với New Zealand và Australia, cùng nghị định thư về hợp tác quốc phòng song phương với Malaysia, Brunei và Singapore.
"Khi xung đột nổ ra và Anh cần phải vào cuộc, các điều khoản trong những thỏa thuận này cho phép quân đội Anh thiết lập căn cứ quân sự lâm thời trên lãnh thổ các quốc gia trên hoặc sử dụng căn cứ quân sự của họ", ông Tâm cho biết.
Theo điều khoản của NATO, quân đội Anh có thể sử dụng chung căn cứ và chia sẻ hậu cần với quân đội Mỹ tại khu vực. Đây được coi là tiền đề quan trọng để Anh có thể triển khai chiến hạm tới trực chiến tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Những tuyên bố của giới chức Anh cho thấy nước này đang từng bước ghi tên mình vào danh sách các cường quốc có vai trò chi phối mạnh mẽ vào chiến lược toàn cầu, chứ không chỉ là "thách thức Trung Quốc" hay chỉ là cái bóng sau lưng Mỹ.
Các chiến hạm Anh, bao gồm nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth, sẽ tham gia diễn tập chung với đồng minh và đối tác với mục đích đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và cứu hộ cứu nạn. Trung Quốc thường phản đối các cuộc diễn tập kiểu này và coi đó là hành động đe dọa đối với họ.
Dù không tiếp giáp Biển Đông, Anh có nhiều lợi ích trực tiếp và gián tiếp liên quan đến khu vực. Đầu tiên là giao thông hàng hải, lĩnh vực mà bất cứ quốc gia biển nào cũng có, đặc biệt là cường quốc biển cả như Anh, chuyên gia cho biết.
Nhiều công ty dầu mỏ và năng lượng tổng hợp của Anh đang hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông với một số quốc gia Đông Nam Á trong khu vực. Các công ty Anh còn chiếm nhiều thị phần ở lĩnh vực dịch vụ hàng hải, hàng không, du lịch, chứng khoán và sở hữu các nhà máy sản xuất hàng công nghệ cao. Đó là các lợi ích kinh tế của Anh tại khu vực Đông Nam Á và là mục tiêu chiến lược mà nước này thấy cần bảo vệ.
"Về mặt quân sự, việc ngăn chặn nguy cơ chiến tranh từ xa như khu vực Đông Nam Á góp phần bảo vệ cho hai đồng minh chiến lược của Anh tại Nam Bán cầu là Australia và New Zealand", ông Tâm nói.
Ngoài thể hiện vị thế chính trị, ngoại giao và bảo vệ lợi ích kinh tế, quyết định điều chiến hạm tới trực chiến ở châu Á của Anh có thể là động thái đáp ứng sáng kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Tây Thái Bình Dương do "Nhóm Công tác về Trung Quốc" của Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất, dù cơ quan này chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho sáng kiến trên.
"Bên cạnh mục tiêu địa chiến lược và địa chính trị, Anh điều chiến hạm tới trực chiến ở Tây Thái Bình Dương còn là động thái ủng hộ Mỹ trong việc 'thiết lập một liên minh toàn cầu đối phó Trung Quốc', dưới sự lãnh đạo của Mỹ", ông Tâm cho biết. "Các chiến hạm Anh có thể phối hợp với hải quân một số nước hỗ trợ đảm bảo tự do, an ninh, an toàn toàn hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông".
Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 22/7, Bộ trưởng Wallace chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, ủng hộ thượng tôn pháp luật, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh có thể giao các nhiệm vụ đột xuất khác cho hai chiến hạm trực chiến ở châu Á gồm chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn và đảm bảo an ninh cho hai đồng minh chiến lược của Anh là Australia và New Zealand, cũng như những quốc gia Đông Nam Á mà nước Anh có ảnh hưởng lẫn quyền lợi liên quan như Malaysia, Singapore và Brunei.
Khu vực Tây Thái Bình Dương. Đồ họa: CSIS.
Trung Quốc chưa bình luận về việc Anh tuyên bố sẽ triển khai hai chiến hạm thường trực ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập ở Biển Đông, bao gồm các nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, khu trục hạm Nam Ninh và tàu đổ bộ Kỳ Liên Sơn.
Tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh cùng chiến hạm hộ tống từng chạm mặt với nhóm tác chiến nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến đổ bộ USS Makin Island khi lực lượng Mỹ diễn tập tại Biển Đông. Trung Quốc còn tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở phía nam quần đảo Bành Hồ thuộc eo biển Đài Loan khi Mỹ cử phái đoàn tới thăm hòn đảo.
"Các động thái này cho thấy Trung Quốc không còn chỉ ra tuyên bố để phản đối các hành động của Mỹ và phương Tây, mà đã chuyển sang động thái quân sự. Họ coi đây là cách đáp trả tương xứng các hoạt động của đối phương", đại tá Tâm nhận định.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tham gia diễn tập cùng chiến hạm Ấn Độ trên vịnh Bengal ngày 21/7. Ảnh: Royal Navy.
Việc các cường quốc quân sự phương Tây, đứng đầu là Mỹ, tăng cường triển khai lực lượng quân sự tới hiện diện ở Tây Thái Bình Dương cũng như khu vực Đông Á và Đông Nam Á có thể gây sức ép rất lớn đối với Trung Quốc, thậm chí vạch ra "lằn ranh đỏ" đối với hành động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông và hành vi "bắt nạt" một số nước trong khu vực, ông Tâm nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo các động thái quân sự của Mỹ và phương Tây ở châu Á chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của họ, trong khi quyền lợi của các quốc gia nhỏ trong khu vực sẽ bị đặt xuống thứ yếu.
Bởi vậy, việc Trung Quốc cùng các nước phương Tây đưa hàng loạt khí tài hiện đại tới Đông Á và Đông Nam Á có nguy cơ làm gia tăng tính toán sai lầm và mối đe dọa bùng nổ xung đột, không thể mang lại nền hòa bình bền vững.
"Các động thái tập kết khí tài và điều binh biến Biển Đông thành thùng thuốc súng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào", đại tá Tâm nhận định. "Với lượng khí tài hạng nặng được các bên triển khai dày đặc trong khu vực hẹp như Biển Đông, một cú bấm nhầm nút phóng sẽ châm ngòi xung đột vũ trang tàn khốc và đẫm máu, có thể cướp đi hàng triệu sinh mạng".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tinh-toan-cua-anh-khi-dieu-tau-truc-chien-o-chau-a-4329757.html