Nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam
Chị Bình An, 35 tuổi, ở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cho biết ngoài tên Khoai, mọi người còn gọi đùa con trai là Trư Bát Giới vì chân tay núc ních như củ sen, hai má phúng phính. "Sau Tết con tăng cân thấy rõ, bế một lúc mỏi nhừ chân tay", chị Bình An nói.
Bé Khoai mới sinh đã nặng 4,3 kg, thời gian đầu tăng từ 1,5 đến 2 kg mỗi tháng. Kiểm tra sơ bộ, bác sĩ của Viện Dinh dưỡng quốc gia xác định con thừa hơn 5 kg so với chuẩn.
Cũng trong sáng 10/3, Long, học sinh lớp 4 nặng 58 kg được bố đưa đến khám. Bác sĩ chẩn đoán Long béo phì, bởi thừa 18 kg so với chuẩn. Mặc dù Long cao 1m38, thừa 2 cm, vẫn có nguy cơ thấp về chiều cao vì béo phì tăng nguy cơ dậy thì sớm và có thể ảnh hưởng tốc độ tăng chiều cao ở giai đoạn này.
Bố Long, anh Nguyễn Thanh Nam, 43 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm cho biết bé bắt đầu tăng cân mạnh từ đợt dịch Covid-19. "Nói con ăn ít không được, nên lần này đi khám để nắm được tình trạng cụ thể và bác sĩ nói con mới nghe", anh Nam cho hay.
Từ Khoái Châu, Hưng Yên, chị Nguyễn Thị Phượng cũng cho con gái đi khám. Cô bé tên An học lớp 3, cao 1m24, nặng hơn 35 kg. Bác sĩ chẩn đoán em thừa 7 kg, thiếu 7 cm chiều cao so với chuẩn. Nếu so với chiều cao thực tế, An dư 10 kg.
Cậu bé Long đang được bác sĩ Phan Bích Nga khám, tại Viện Dinh dưỡng quốc gia sáng 10/3. Ảnh: Phan Dương
Tại một group giảm cân cho trẻ béo phì, một phụ huynh cho biết con trai 4 tuổi đã nặng 40 kg, luôn tăng cân bất kể ốm đau. Một người mẹ có con gái 7 tuổi nặng 52 kg, hơn một năm nay đã bị gai đen vùng cổ, nách, bẹn giờ chỉ cố gắng kìm hãm chứ không mong giảm được cân. Có phụ huynh con 9 tuổi đã 70 kg, không thể kìm được vì ăn bán trú. Một thành viên khác chia sẻ em trai 13 tuổi đã nặng 95 kg.
Các em nằm trong số 19% trẻ thừa cân, béo phì ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát năm 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Tiến sĩ Phan Bích Nga - Giám đốc trung tâm khám và Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. "Kết quả khảo sát một số trường ở quận giàu Hà Nội và TP HCM cho thấy ở một số trường có đến hơn 1/3 số học sinh bị thừa cân béo phì", bác sĩ Nga cho biết.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.
Từ năm 1975 đến nay, tỷ lệ người thừa cân béo phì trên thế giới đã tăng gần gấp ba lần, hiện có gần hai tỷ người. Nhân Ngày Thế giới phòng chống béo phì 4/3, Liên đoàn béo phì thế giới dự đoán 51% dân số thế giới, tương đương hơn bốn tỷ người sẽ ở trong tình trạng này vào năm 2035.
Tình trạng béo phì ở trẻ em có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2035 so với mức năm 2020, dự đoán lên 208 triệu bé trai (tăng 100%) và 175 triệu bé gái (tăng 125%). Đến lúc đó, chi phí xã hội dành cho nhóm người này là hơn 4.000 tỷ USD hàng năm, tương đương 3% GDP toàn cầu. Báo cáo cũng cho thấy 12 năm tới, tình trạng này sẽ gia tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Phi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là nguyên nhân dân đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, bao gồm các biến chứng về cơ xương, tiểu đường type 2, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và có mối liên quan đến 13 loại ung thư. WHO mới đây cho biết béo phì đã đạt đến "tỷ lệ dịch bệnh" ở châu Âu, khi liên quan đến 200.000 ca ung thư và 1,2 triệu ca tử vong khác mỗi năm.
Nguyên nhân tiềm tàng của bệnh béo phì trẻ em là bố mẹ bận rộn, thức ăn nhanh, đồ uống đóng chai, công nghệ khiến trẻ ít vận động, truyền hình quảng cáo đồ ăn vặt. WHO cũng cho rằng sự tiện lợi của những ứng dụng đồ ăn cũng góp phần vào tình trạng thừa cân béo phì ở các thành phố lớn.
Giới trẻ ngày nay yêu thích các thương hiệu đồ ăn nhanh. Báo cáo công bố hồi tháng 2 của Bộ Tài chính cho thấy tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam tăng 7 lần trong 15 năm, từ 6,6 lít mỗi đầu người năm 2002 lên 50,7 lít mỗi người năm 2018. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.
"Một nguyên nhân quan trọng khác đến từ tâm lý của nhiều phụ huynh là thích trẻ mũm mĩm, với quan niệm trẻ béo mới là khỏe", tiến sĩ Nga nói.
Quan niệm này thể hiện rõ trong kết quả về tình trạng dinh dưỡng của trẻ đến khám tại Viện Dinh dưỡng. Những năm 2010, số trẻ thừa cân béo phì đến khám là 2%, năm 2018 khoảng 7% và hiện nay là khoảng 14%.
Rất ít phụ huynh đưa con đến khám vì lo ngại thừa cân, đa phần lo con dậy thì sớm, chậm phát triển chiều cao. "Khoảng 80-90% trẻ béo phì trong nhiều năm sẽ bị béo phì trưởng thành. Như vậy, cả cuộc đời chỉ vật lộn với cân nặng và sức khỏe", chuyên gia nói.
Đứng trước sự gia tăng của "dịch bệnh thế kỷ" này, các chuyên gia cho rằng những chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức thông thường sẽ không thể cạnh tranh với sự quảng cáo quá mạnh của các loại thực phẩm nhiều đường và chất béo. Các quốc gia cần đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Tại Anh, nơi có tới 64% người thừa cân béo phì, việc dán nhãn calo đã bị bắt buộc ở các nhà hàng, quán cà phê và đồ ăn nhanh từ năm 2022, đồng thời cấm các ưu đãi như "mua một tặng một" với đồ ăn vặt; ngừng quảng cáo sản phẩm đồ ngọt ở các khu vực quan trọng trong các siêu thị. Chính sách hạn chế quảng cáo thực phẩm và đồ uống chứa nhiều muối, chất béo và đường trước 21h cũng được áp dụng từ 2023.
Bộ Tài chính Việt Nam mới đây đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Đây là lần thứ hai đề xuất này được đưa ra, tuy nhiên vẫn đang có nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại ảnh hưởng đến GDP, thu ngân sách và doanh nghiệp.
Bên cạnh chương trình sữa học đường, một dự án bữa ăn học đường nhằm cung cấp những bữa ăn cân bằng và lành mạnh cũng đang được triển khai trên toàn quốc. Trước đó cũng có Nghị định 100 của Chính phủ cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng. Tuy nhiên theo đánh giá của UNICEF, các biện pháp này vẫn chưa cụ thể hướng đến kiểm soát thừa cân và béo phì.
Chị An đưa bé Khoai đi khám lại hôm 10/3, tại Viện Dinh dưỡng quốc gia, con đã giảm được 1,3 kg. Ảnh: Phan Dương
Chị Bình An cho biết sở dĩ đưa con 8 tháng đi khám vì trong dòng họ cũng có một số cháu béo phì, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, tâm lý. Sau khi được bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị thay đổi hoàn toàn chế độ ăn cho con. Vì bé Khoai còn nhỏ nên quá trình giảm cân có kết quả khá tích cực. Kết quả khám lại tháng này bé giảm được 1,3 kg, hiện còn 12,6 kg, đồng thời cao thêm 3 cm.
Nhưng với trẻ lớn tuổi hơn, quá trình này sẽ không đơn giản. Anh Nguyễn Thanh Nam cho biết sống cùng ông bà nên con trai anh được chiều chuộng, thích gì ăn nấy, trong nhà lại sẵn bánh kẹo, nước ngọt. Con cũng có thói quen chơi game và thức khuya, nhiều khi tới 12h đêm. Béo khiến con lười việc nhà, lười vận động. Nhiều lần đã quyết tâm giảm song không thành công, một trong các lý do vì con ăn bán trú ở trường nên gia đình không kiểm soát được việc "ăn hộ" các bạn.
Độ tuổi của Long đang phát triển chiều cao nên bác sĩ chỉ yêu cầu tập trung tăng trưởng chiều cao và hạn chế tăng cân. Cậu bé được tư vấn thực đơn ăn mỗi tuần, trong đó bớt tinh bột, chất béo, hạn chế thịt lợn, ưu tiên cá, trứng, đồng thời tăng cường rau quả; hoàn toàn bỏ chất ngọt, quả ngọt cũng dùng hạn chế. Mỗi ngày vẫn duy trì 500 ml sữa không đường và ngủ trước 22h.
Trẻ em dễ giảm cân hơn người lớn vì đang trong giai đoạn phát triển, có thể chỉ cần giữ nguyên cân nặng hoặc làm chậm tốc độ tăng cân để giảm chỉ số BMI. "Tuy nhiên giảm cân ở trẻ em là một cuộc chiến không chỉ các em mà cần quyết tâm của cả gia đình", tiến sĩ Phan Bích Nga nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/beo-phi-o-tre-em-viet-nam-4577924.html