Nghe bố vợ kể các con hư hỏng, vợ chồng chị gái tôi buồn lắm
Ngày mới cưới nhau, vợ chồng chị gái tôi tu chí làm ăn và kinh tế khá giả, có nhà riêng. Nhưng rồi anh rể không cam chịu làm nhân viên cả đời nên quyết định ra ngoài làm ăn riêng.
Mới đầu hoạt động làm ăn diễn ra rất tốt nhưng càng làm càng thất bại, sau 4 năm làm tự do, anh rể dùng hết tiền tiết kiệm có được nhưng vẫn không trả hết nợ mà phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng để cắt lỗ.
Sau khi bị phá sản, anh rể rất suy sụp và cảm thấy bản thân như người thừa, luôn trách bản thân, tại anh mà vợ con mất hết nhà cửa, phải đi thuê phòng trọ, sống trong nghèo khó.
Ngày đó, chị gái tôi buồn lắm nhưng không dám chê trách chồng, chỉ biết nuốt giận vào trong và động viên anh ấy những lời nhẹ nhàng, mong anh từng bước vượt qua, đừng nghĩ quẩn mà làm khổ vợ con.
Sau khi anh rể bình tĩnh và nghĩ thông suốt thì quyết chí lấy lại tất cả. Lần này, anh quyết định đi lao động xuất khẩu nước ngoài. Chị tôi cũng muốn chung tay cùng chồng vượt qua khó khăn nên đã đi với anh ấy và để 2 đứa con lại cho bố mẹ tôi nuôi dưỡng.
Lúc anh chị đi nước ngoài, các cháu đang học mẫu giáo và tiểu học, mẹ tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc bọn trẻ. Bởi bà rất thương các cháu, còn nhỏ mà đã phải rời xa bố mẹ, ông bà mà bỏ bê cháu đi kiếm tiền thì rất tội. Mẹ tôi cũng muốn các cháu phải được nuôi dạy tốt để ngày anh chị về không phải thất vọng.
2 đứa con của chị tôi lúc nhỏ còn ngoan ngoãn dễ bảo, lớn lên thì bướng bỉnh vô cùng, ông bà nói gì cũng cãi chán chê, làm không thì tùy vào hứng. Thậm chí đứa con trai lớn còn tụ tập chơi bời với đám bạn xấu. Hằng ngày ông đi làm vất vả về nghe thấy bà nói cháu đang ở ngoài quán game, ông tức lắm lao ra quán kéo cháu về dạy dỗ. Quát nạt, mắng mỏ, thậm chí còn đánh đòn nhưng bố mẹ tôi đều thất bại.
Một lần mẹ bị mất tiền, đứa cháu nhỏ nói cháu lớn lấy trộm nhưng đứa lớn không chịu nhận lỗi. Bố bất lực nên gọi điện cho vợ chồng chị gái tôi kể hết mọi chuyện về những đứa con ở nhà hư hỏng, bố nói:
“2 con đi làm cũng khá lâu rồi, tốt nhất phải có 1 đứa về chăm sóc con, được tiền mất con thì cuộc đời còn ý nghĩa gì nữa. Bố mẹ bất lực, không biết dạy các cháu thế nào nữa”.
Nói đến đây, bố tôi đã bật khóc, đó là lần đầu tiên trong đời tôi và các cháu nhìn thấy ông khóc. Có lẽ bố đã cố gắng hết sức nhưng không thể dạy nổi các cháu, ông quá buồn nên không kìm được nước mắt.
Bố bất lực nên gọi điện cho vợ chồng chị gái tôi kể hết mọi chuyện về những đứa con ở nhà hư hỏng. (Ảnh minh họa)
Nghe bố vợ nói các con hư hỏng, vợ chồng chị gái tôi buồn lắm nhưng không thể về lúc này được, bởi công việc đang thuận lợi, về quê không biết làm gì ra tiền. Anh rể nói câu buông bỏ:
“Cuộc đời chúng con phải bôn ba nơi xứ người kiếm từng đồng tiền nuôi con. Vậy mà bọn trẻ không biết nỗi khổ của bố mẹ, lại ăn chơi đua đòi, chúng con cũng bất lực. Con không học hành hẳn hoi, tương lai sướng khổ do bọn chúng chọn. Bọn con cũng mệt mỏi lắm rồi, vừa làm vừa lo cho con không đủ sức. Bố mẹ cứ để bọn chúng cho xã hội dạy dỗ để biết quý trọng đồng tiền và quãng thời gian học sinh”.
Nói xong một tràng, anh rể tắt máy, còn bố mẹ tôi chỉ biết lau nước mắt. Điều chúng tôi bất ngờ nhất là giọt nước mắt của ông bà và sự buông bỏ của anh rể đã có tác dụng. Cháu lớn dắt tay cháu nhỏ quỳ trước mặt ông bà và hứa sẽ tu chí học hành, không quậy phá nữa, không làm bố mẹ và ông bà phiền lòng nữa.
Cháu tôi đã thực hiện được lời hứa, cháu lớn đỗ vào lớp 10 công lập, còn cháu nhỏ học khá tốt.
Hôm chủ nhật vừa rồi, vợ chồng anh rể chính thức về nước. Lúc anh rể nhìn thấy con trai lớn nấu cơm dưới bếp, đứa nhỏ quét sân nhà, anh ấy liền chuyển 100 triệu biếu bố vợ.
Anh rể nghẹn ngào nói:
“Con cứ nghĩ là về nước chứng kiến cảnh những đứa con hư hỏng, mất dạy, nào ngờ lại được ông bà dạy dỗ tốt thế này. Chúng con biếu ông bà chút tiền để mua thuốc bổ bồi dưỡng sức khỏe”.
Sự cố gắng của bố mẹ tôi cuối cùng cũng gặt được trái ngọt.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/tam-su/ngay-xuat-khau-lao-dong-ve-nhin-thay-con-trai-lam-mot-viec-anh-re-lien-chuyen-100-trieu-bieu-bo-vo-c391a613363.html