NATO đang chạy nước rút để kết nạp Thụy Điển
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 26/6 cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới nhằm cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập liên minh.
Theo quy chế của NATO, quyết định kết nạp thêm bất kỳ quốc gia nào đều phải được tất cả thành viên đồng thuận thông qua.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, hồi tháng một năm ngoái. Ảnh: Reuters
Đây được cho là nỗ lực cuối cùng nhằm giúp Thụy Điển trở thành thành viên NATO trước khi hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra vào tháng 7. Stockholm đã rất kỳ vọng rằng đây sẽ là dấu mốc quan trọng để họ được kết nạp vào NATO, sau rất nhiều trở ngại đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Stoltenberg cho hay ông đã tổ chức các cuộc đàm phán mới về việc kết nạp Thụy Điển với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng như các quan chức cấp cao Thụy Điển và quốc gia láng giềng Phần Lan, nước đã trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức an ninh lớn nhất thế giới này hồi tháng 4.
"Chúng tôi đã đồng ý triệu tập một cuộc họp cấp cao tại Brussels, Bỉ, trước hội nghị thượng đỉnh" ở thủ đô Vilnius, Litva, bắt đầu từ 11/7, ông nói. "Mục đích là để đạt được tiến bộ trong nỗ lực đưa Thụy Điển gia nhập NATO".
Ông không tiết lộ thời gian diễn ra cuộc đàm phán mới, nhưng lưu ý rằng ngoại trưởng, giám đốc tình báo và cố vấn an ninh quốc gia các nước liên quan sẽ tham dự.
Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ lập trường không liên kết để nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng đang trì hoãn chấp thuận Thụy Điển trở thành thành viên, song chưa công bố rõ ràng vướng mắc của họ là gì. Các quan chức NATO hy vọng nếu họ có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary cũng sẽ gật đầu.
Dù chấp thuận Phần Lan gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn từ chối phê duyệt tư cách thành viên của Thụy Điển do quốc gia Bắc Âu này chưa đáp ứng được các yêu cầu họ đưa ra, chủ yếu liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng dân quân mà Ankara cho là "khủng bố".
Ankara cũng cáo buộc chính phủ Thụy Điển đồng lõa với những cuộc biểu tình cực hữu, nơi người dân đốt các cuốn kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.
Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ muốn Thụy Điển hành động sau khi cáo buộc các nghị sĩ nước này chiếu cờ PKK lên tòa nhà quốc hội ở Stockholm để phản đối việc Tổng thống Erdogan tái đắc cử hồi cuối tháng 5. Phát ngôn viên quốc hội Thụy Điển thừa nhận có người chiếu hình ảnh lên mặt bên của tòa nhà, nhưng không có bằng chứng cụ thể về việc họ chiếu cái gì và ai chịu trách nhiệm, Reuters đưa tin.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng một nguyên nhân khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển gia nhập NATO là nhằm tránh gây mất lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Không lâu trước khi tái đắc cử, Tổng thống Erdogan đã nói với kênh CNN rằng ông và người đứng đầu Điện Kremlin có "mối quan hệ đặc biệt".
Theo giới chuyên gia, nhiệm vụ thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một thách thức đối với Tổng thư ký Stoltenberg và quá trình kết nạp càng kéo dài, hệ quả của nó sẽ càng lớn.
Jacob Westberg, phó giáo sư Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, lưu ý rằng "các quốc gia không phải thành viên không thể tham gia đầy đủ vào kế hoạch phòng thủ của NATO". Điều này gây bất lợi cho cả chính NATO và Thụy Điển, dù hai bên đã có quá trình hợp tác lâu dài về quốc phòng.
Ví dụ, nếu NATO muốn nhanh chóng triển khai khí tài quân sự đến những quốc gia vùng Baltic và Phần Lan, phía đông biển Baltic, "sẽ rất hữu ích nếu họ có thể hoạt động trên lãnh thổ Thụy Điển", ông nói.
Westberg thêm rằng việc trì hoãn cũng đồng nghĩa NATO sẽ không thể tận dụng những khí tài quân sự của Thụy Điển, như hạm đội tàu ngầm ở biển Baltic và các chiến đấu cơ JAS Gripen hiện đại.
Giới phân tích từ lâu đã chỉ ra tầm quan trọng về địa chiến lược của Thụy Điển trong trường hợp xảy ra xung đột ở Bắc Âu, với đảo Gotland đôi khi được mô tả là "tàu sân bay không thể đánh chìm" ở Baltic.
Ngoài mục tiêu lên kế hoạch cho những kịch bản xấu nhất, Anna Wieslander, giám đốc phụ trách khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho hay những bất đồng liên quan đến kết nạp Thụy Điện có thể phơi bày rạn nứt của liên minh.
"Nếu NATO không thể kết nạp Thụy Điển, họ sẽ trông yếu đi đáng kể", bà nhận xét. Những chia rẽ kéo dài trong nội bộ có thể ảnh hưởng đến nỗ lực viện trợ Ukraine của NATO, bà nói thêm.
"Điều từng làm nên sức mạnh lớn nhất của liên minh trong cuộc khủng hoảng Ukraine là các thành viên có thể cùng nhau tiến lên và duy trì đoàn kết", Wieslander nhấn mạnh.
Các quan chức NATO và Thụy Điển hiện lo ngại rằng việc bỏ lỡ thời hạn 11/7, ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Vilnius, sẽ truyền đi thông điệp nguy hiểm tới các đối thủ, trong đó có Nga.
"Nếu lỡ hẹn, điều này sẽ được những người như Tổng thống Putin hiểu rằng trong liên minh phương Tây đang tồn tại những liên kết yếu", một nhà ngoại giao NATO nhận định.
Một quan chức ngoại giao Đông Âu cho hay việc chậm trễ kết nạp Thụy Điển cũng sẽ tạo ra "cảm giác về quyền lực cũng như sức ảnh hưởng mà Tổng thống Erdogan có đối với liên minh".
Các quan chức NATO tin rằng một thỏa thuận có thể được thống nhất trước tháng 7, nhưng nó chắc chắn đi kèm với cái giá nhất định.
Nhiều người nhớ lại cách mà Tổng thống Erdogan đã đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), theo đó EU sẽ trao cho Thổ Nhĩ Kỳ 6,4 tỷ USD cùng các đặc quyền khác để đổi lấy việc Ankara tiếp nhận những người tị nạn Syria đang trên đường đến châu Âu.
Theo Luke McGee, nhà phân tích chính trị kỳ cựu từ CNN, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn quốc hội Mỹ phê chuẩn cho nước này mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Giới chức Mỹ hạn chế đề cập đến vấn đề này, nhưng ở hậu trường, họ nói rằng đây chắc chắn là một thỏa thuận cần tính đến.
Các nhà ngoại giao cũng nhận thức rõ rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn nghiêm trọng, với lạm phát tăng vọt và giá trị đồng tiền sụt giảm. Mặt khác, cả Mỹ và EU đều đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vị trí các nước NATO và những quốc gia muốn gia nhập. Đồ họa: Tiến Thành
Mặc dù có khả năng đạt được một thỏa thuận và các thành viên ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh có đòn bẩy của riêng mình, nguy cơ NATO lỡ hẹn vẫn rất lớn.
"Vấn đề nằm ở bản chất khó đoán của Tổng thống Erdogan. Cuộc bầu cử hồi cuối tháng 5 là lần gần nhất ông bị đe dọa quyền lực và giới quan sát lo ngại ông giờ đây sẽ tăng gấp đôi áp lực lên Thụy Điển về những yêu sách mà Ankara đưa ra liên quan đến PKK", McGee lưu ý.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-phut-chot-cua-nato-nham-ket-nap-thuy-dien-4622386.html