Mỹ sẽ xem xét lại mối quan hệ với Arab Saudi
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/10 tuyên bố Arab Saudi sẽ "gánh hậu quả" sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu, động thái được Washington coi là "đứng về phía Nga".
Ông Biden không nói rõ hậu quả mà Arab Saudi sẽ phải hứng chịu là gì, nhưng phát biểu này báo hiệu Tổng thống Mỹ đang từ bỏ những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện quan hệ với Thái tử Mohammed bin Salman, đồng thời làm tăng lo ngại về nguy cơ đổ vỡ quan hệ an ninh Mỹ - Arab Saudi.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Tổng thống Biden sẽ thảo luận với quốc hội Mỹ về xem xét lại mối quan hệ với Arab Saudi khi kỳ nghỉ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 kết thúc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman tại Arab Saudi hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.
Phản ứng của quốc hội Mỹ với Arab Saudi đã trở nên quyết liệt hơn trong tuần này, khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez đe dọa đóng băng kế hoạch bán vũ khí và hợp tác an ninh với Riyadh. Ông nói Thái tử Mohammed đang giúp "bảo vệ cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua OPEC+".
"Không có chỗ cho những những người hai mặt trong cuộc xung đột này", Menendez, thành viên Dân chủ, nói. "Tôi sẽ không bật đèn xanh cho bất kỳ hoạt động hợp tác nào với Riyadh, cho đến khi nước này khẳng định lại lập trường của họ về cuộc chiến ở Ukraine. Quá đủ rồi".
Bruce Riedel, cựu nhà phân tích CIA và chuyên gia về Arab Saudi, cho biết những tuyên bố từ Nhà Trắng và quốc hội Mỹ cho thấy "sự đảo ngược đáng kể" trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden với Riyadh.
Ông cho biết Mỹ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump đã tìm cách tăng cường quan hệ với Arab Saudi, nhưng quan hệ song phương dần xấu đi khi ông Biden lên nắm quyền. Trong giai đoạn tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ khiến Thái tử Mohammed bị "cô lập", sau khi CIA cho rằng ông đã bật đèn xanh cho vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Nhưng ông Biden sau đó đã không thực hiện cam kết tranh cử này. Hồi tháng 7, ông tới Arab Saudi và gặp Thái tử Mohammed, động thái được coi là sự nhượng bộ đáng kể của Mỹ, trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương và thuyết phục Arab Saudi không giảm sản lượng dầu.
Ông Biden và các thành viên đảng Dân chủ trong quốc hội Mỹ cho rằng điều này rất quan trọng, bởi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ chỉ vài tuần nữa là diễn ra. Nếu Arab Saudi, thành viên được cho là có tiếng nói quyết định trong OPEC+, đồng ý giảm sản lượng dầu, giá xăng tại Mỹ sẽ tăng lên, đe dọa triển vọng tiếp tục kiểm soát lưỡng viện quốc hội của phe Dân chủ.
Nhưng quyết định giảm sản lượng được OPEC+ đưa ra gần đây được ví như một "gáo nước lạnh" hay "đòn giáng" vào nỗ lực của ông Biden.
"Tôi nghĩ áp lực trong đảng Dân chủ là rất lớn. Chính quyền ông Biden sẽ phải có một số động thái quyết liệt với Arab Saudi", Riedel nói.
Quyết định quay lưng với đề nghị của Mỹ và thể hiện sự ủng hộ Nga của Arab Saudi được đưa ra bất chấp quốc gia này phụ thuộc vào an ninh Mỹ. Mỹ đang cung cấp các tổ hợp phòng không Patriot hiện đại để bảo vệ các nhà máy lọc dầu trọng yếu của Arab Saudi, đồng thời là bên bán vũ khí hàng đầu cho vương quốc.
Bệ phóng tên lửa Patriot của Mỹ triển khai tại căn cứ Prince Sultan, Arab Saudi, năm 2019. Ảnh: WSJ.
Một số nhà quan sát cho rằng Thái tử Mohammed đã có một quyết định hấp tấp. Seth Binder, giám đốc vận động của nhóm ủng hộ dân chủ Pomed ở Trung Đông, cho rằng động thái của Riyadh đã khiến Nhà Trắng vô cùng thất vọng.
"Điều này có thể trở thành bước ngoặt khiến quốc hội Mỹ thay đổi mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh", Binder nói.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal và nghị sĩ Ro Khanna cũng có quan điểm tương đồng, khi cho rằng Arab Saudi đã phá hỏng những nỗ lực của Mỹ và giúp thúc đẩy cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
"Quyết định của Arab Saudi là đòn giáng mạnh vào Mỹ, nhưng Washington cũng có cách đáp trả. Chúng ta có thể nhanh chóng dừng chuyển giao vũ khí, công nghệ quân sự cho Arab Saudi", Blumenthal và Khanna viết trong một bài luận trên Politico.
"Nói một cách đơn giản, Mỹ không nên cung cấp các hệ thống phòng không chiến lược cho một quốc gia đang đứng về phía đối thủ của chúng tôi", họ viết, đề cập tới Nga.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Menendez cho biết ông không ủng hộ một lệnh cấm chuyển giao vũ khí hoàn toàn cho Arab Saudi, nhưng tuyên bố rằng sẽ chặn tất cả hợp đồng vũ khí và hợp tác an ninh "vượt quá những điều cần thiết để bảo vệ người dân và lợi ích Mỹ".
Hơn 70.000 người Mỹ đang sống ở Arab Saudi và lực lượng Mỹ cũng đang được triển khai ở nhiều căn cứ trong khu vực, vốn thường xuyên bị các lực lượng Hồi giáo cực đoan đe dọa.
Đại diện các quốc gia thành viên OPEC tại cuộc họp báo ở Vienna, Áo, ngày 5/10. Ảnh: AFP.
William Hartung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy, cho rằng khi quan hệ đổ vỡ, Mỹ có thể tạo ra "hậu quả tối đa" với Arab Saudi bằng cách chấm dứt tất cả hoạt động chuyển giao vũ khí, phụ tùng và dịch vụ bảo trì cho quân đội Arab Saudi.
Khalid Aljabri, con một quan chức tình báo cấp cao của Arab Saudi đang sống lưu vong, cho biết chính sách "vũ khí hóa" dầu mỏ của Arab Saudi có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới quan hệ với Mỹ, khi người nước này nhận thấy thay đổi về giá xăng do ảnh hưởng từ quyết định của OPEC+.
Hiện chưa rõ nỗi phẫn nộ trong quốc hội Mỹ và Nhà Trắng sẽ khiến quan hệ với Arab Saudi sẽ đổ vỡ đến mức nào, hay những tuyên bố gần đây chỉ là một chiêu "kẻ tung, người hứng" giữa nhánh hành pháp và lập pháp Mỹ để tác động đến chính sách của Riyadh.
"Dù gì đi chăng nữa, Mỹ cũng đã từng tìm cách lôi kéo quan hệ với Arab Saudi nhưng không thành công. Đã đến lúc chính quyền ông Biden phải hành động như một đối tác cửa trên trong mối quan hệ này", Aljabri nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguy-co-do-vo-quan-he-my-arab-saudi-4522780.html