Mỹ nỗ lực ngăn cản chiến tranh Nga - Ukraine

22:00' 14-02-2022
Việc Mỹ chấp nhận rủi ro khi công bố những thông tin tình báo nhạy cảm là canh bạc nhằm ngăn cản Nga phát động chiến tranh với Ukraine.


    khung hoang ukraine anh 1

     

    Những tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tiếp tung ra thông tin chi tiết về hoạt động của lực lượng đặc biệt Nga quanh biên giới Ukraine.

    Không dừng lại, Mỹ tiết lộ Nga âm mưu sản xuất video giả đổ lỗi cho Ukraine tấn công trước, nhằm có cớ phát động chiến tranh, sau đó công khai các kế hoạch tiến quân của Moscow.

    Tới ngày 11/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ phát hiện dấu hiệu leo thang căng thẳng từ phía Nga, khẳng định thời điểm Moscow phát động chiến tranh đã rất gần.

    Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga, từ ngoại trưởng đến bộ trưởng Quốc phòng, nhiều lần khẳng định không có ý định tấn công Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho hay tuyên bố của ông Sullivan dựa trên tin tức tình báo đáng tin cậy, cho thấy chiến tranh sẽ nổ ra trong khoảng thời gian sau khi Olympic mùa đông kết thúc.

    khung hoang ukraine anh 2

    Tàu chiến Nga được triển khai tại Biển Đen. Ảnh: AFP.

    Toan tính của Mỹ

    Nhiều quan chức đương nhiệm cũng như về hưu cho biết động thái công khai thông tin nhạy cảm trên quy mô lớn từ phía Washington thời gian qua là điều chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba thập niên 1960, theo New York Times.

    Việc Washington công khai thông tin tình báo một phần bởi Mỹ không có ý định triển khai quân tới Ukraine nhằm tránh xung đột trực diện với Nga, như Tổng thống Biden đã nhiều lần khẳng định.

    Tin tức được Mỹ công bố ngay sau khi được thu thập và đánh giá, phần lớn đến từ nguồn tin tình báo giá trị.

    Chính quyền Biden hy vọng việc tiết lộ kế hoạch của Moscow sẽ làm gián đoạn những bước phiêu lưu quân sự tiếp theo, mua thêm thời gian cho các giải pháp ngoại giao, hay thậm chí khiến Điện Kremlin phải cân nhắc lại về những thiệt hại kinh tế, nhân mạng, chính trị nếu phát động chiến tranh.

    Trong các phát ngôn chính thức, giới chức Mỹ cho biết mục tiêu thực tế lúc này là khiến Moscow không thể tìm ra lý do để biện minh cho cuộc chiến.

    Nhờ đó, Nga sẽ tự hủy hoại uy tín trên trường quốc tế nếu nổ súng, đồng thời phương Tây có thể tập hợp sự ủng hộ mạnh mẽ hơn chống lại hành vi gây hấn của Moscow.

    Dưới tác động của Nhà Trắng, các cơ quan tình báo Mỹ giải mật các thông tin nhạy cảm. Những thông tin này sau đó được báo cáo tới Quốc hội, chia sẻ cho báo giới, và được Lầu Năm Góc cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ thảo luận công khai.

    khung hoang ukraine anh 3

    Tên lửa Iskander của Nga triển khai tới Belarus. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

    Trước khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng từng liên tiếp tung ra nhiều thông tin tình báo, như các cuộc hội thoại của quan chức quân sự Iraq, ảnh phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Baghdad, tạo cớ để phát động chiến tranh.

    Những thông tin tình báo này sau đó được chứng minh là không chính xác, do đánh giá sai lầm của tình báo Mỹ, cũng như vì giới chức an ninh Mỹ khi đó chỉ muốn có cớ để khởi động cuộc chiến lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.

    Giới chức Mỹ cho biết tình thế lúc này rất khác so với năm 2003. Thông tin tình báo Mỹ thu được bao gồm ảnh vệ tinh chất lượng cao mà công nghệ của 20 năm trước không cho phép.

    Ngoài ra, cáo buộc Nga âm mưu sản xuất video giả mạo cũng phù hợp với chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch trên các mạng xã hội từ phía Moscow, nhằm tạo ra cái cớ để tấn công Ukraine. Từ tháng 12/2021, truyền thông Nga cáo buộc Ukraine đang lên kế hoạch tấn công người nói tiếng Nga.

    "Với Iraq, tình báo được sử dụng từ mục tiêu phát động chiến tranh. Lúc này, chúng ta muốn ngăn chặn cuộc chiến", Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan nói.

    Bài học từ Crimea

    Trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, giới chức tình báo Mỹ đã ngăn cản chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama công khai thông tin mà Washington thu được.

    Kết quả là Nga sáp nhập Crimea trước sự ngỡ ngàng của cộng đồng quốc tế.

    Chính quyền Biden có lẽ đã rút kinh nghiệm từ sai lầm năm xưa. Quyết định công bố hàng loạt thông tin tình báo vừa qua cho thấy vai trò của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) Arvil Haines, sẵn sàng giải mật thông tin nhằm ngăn cản kế hoạch của Moscow.

    "Mỹ đã học được nhiều, đặc biệt từ sau 2014, về cái cách Nga sử dụng thông tin như một cấu phần của tổng thể bộ máy an ninh quân sự. Chúng ta đã biết cách ngăn cản tác động của Nga trên mặt trận thông tin", Emily Horne, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

    Giới chức tình báo cho biết Mỹ cần công khai thông tin giúp thế giới hiểu rõ hơn về các hoạt động quân sự của Nga, miễn là có thể bảo vệ nguồn tin và cách thức thông tin được thu thập.

    "Những thông tin được công bố có thể khiến Điện Kremlin phát hoảng. Quan trọng hơn, các lựa chọn hành động của Moscow sẽ hạn chế hơn, họ có thể phải nghĩ lại", Beth Sanner, cựu quan chức tình báo dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nói.

    khung hoang ukraine anh 4

    Người Ukraine biểu tình phản đối Nga ở thủ đô Kiev. Ảnh: AP.

    Theo Reuters, chính quyền Ukraine tỏ ra không hài lòng trước những chi tiết quá nhạy cảm mà Mỹ tung ra. Hôm 12/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói phương Tây công bố "quá nhiều thông tin", tạo ra sự sợ hãi không cần thiết.

    Đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào liên quan cáo buộc Nga âm mưu sản xuất video giả để có cớ phát động chiến tranh.

    Giới chức Mỹ nói việc cung cấp thông tin quá chi tiết có thể khiến toàn bộ mạng lưới tình báo bị lộ. Chính bởi Washington không đưa ra bằng chứng cụ thể, Moscow có thể phản bác và phản công Mỹ trong cuộc chiến thông tin.

    Những lo ngại của giới chức tình báo Mỹ cho thấy hạn chế mà Washington gặp phải trong chiến tranh thông tin với Moscow, khi mà Nhà Trắng luôn bị giới truyền thông và Quốc hội dõi theo bằng con mắt nghiêm khắc - điều mà Điện Kremlin không phải đối mặt.

    Chiến tranh thông tin

    Sử dụng thông tin sai lệch để che giấu hành động thực sự là cách của Moscow để đạt được mục tiêu trong những hoạt động quân sự thời gian qua.

    Tháng 2/2014, những phần tử vũ trang không rõ danh tính chiếm quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ ở Crimea, sau đó dàn dựng trưng cầu dân ý tách Crimea khỏi Ukraine. Moscow nói những người này là lực lượng nổi dậy thân Nga.

    Chỉ sau khi Crimea bị Moscow sáp nhập, lực lượng vũ trang này được xác minh là binh sĩ quân đội Nga.

    Điện Kremlin đã bắt đầu chiến dịch tuyên truyền toàn diện chống Kiev và phương Tây từ cuối năm 2021. Moscow cáo buộc Ukraine âm mưu diệt chủng người nói tiếng Nga.

    Giới chức Nga cáo buộc Kiev và Washington âm mưu can thiệp quân sự, thậm chí tái chiếm vùng lãnh thổ mà phe ly khai đang kiểm soát ở miền Đông Ukraine.

    Đầu tháng 12/2021, khi Mỹ tiết lộ thông tin tình báo cho thấy Nga dự kiến triển khai 175.000 quân để phát động chiến tranh với Ukraine, Moscow đáp trả với cáo buộc 120 nhà thầu quốc phòng Mỹ đưa vũ khí hóa học vào miền Đông Ukraine, theo AFP.

    khung hoang ukraine anh 5

    Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Arvil Haines và Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times.

    Trong khi cáo buộc của Mỹ đi kèm bằng chứng là ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Nga ồ ạt đổ về biên giới Ukraine, Moscow không thể đưa ra bằng chứng cho cáo buộc vũ khí hóa học của mình.

    Trước khi Mỹ công khai thông tin về kế hoạch phiêu lưu quân sự của Nga, Giám đốc DNI Haines đã bắt đầu chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh NATO từ tháng tháng 11/2021.

    Chính quyền ông Biden quyết tâm không lặp lại sai lầm năm 2014, khi NATO hoàn toàn ngỡ ngàng trước việc Nga chiếm Crimea và không kịp trở tay.

    Các cựu quan chức chính quyền Obama thừa nhận họ bối rối khi các cơ quan tình báo không cho phép Nhà Trắng chia với NATO thông tin mà Mỹ nắm được, về kế hoạch của Nga sáp nhập Crimea và kích động ly khai ở Đông Ukraine.

    "Tôi trăn trở mãi với suy nghĩ rằng sẽ có lợi hơn biết bao nếu Mỹ nói với thế giới những gì chúng ta biết", Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Moscow, nói về thời gian Nga sáp nhập Crimea.

    Cuộc chiến thông tin lúc này diễn ra trong kỷ nguyên mới, công nghệ cho phép các loại thuyết âm mưu lan truyền nhanh hơn, rộng hơn trước. Trong khi đó, niềm tin của người Mỹ vào chính phủ đang xói mòn. Điều này đồng nghĩa mọi nỗ lực đón đầu Nga đều bị hoài nghi.

    "Người dân sẽ đòi hỏi có bằng chứng, băng ghi hình, ghi âm. Nguy hiểm ở chỗ chúng ta có nguy cơ bị lộ nguồn tin và cách thức thu thập thông tin", Glenn Gerstell, cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.

    "Nếu Nga tìm ra nguồn tin (của Mỹ), thay đổi cách thức truyền tin hoặc khóa chặt hệ thống thông tin, Mỹ sẽ bị bịt mắt ngay thời điểm quan trọng nhất", cựu quan chức tình báo Sanner nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/my-tung-chien-thuat-lam-roi-loan-tinh-toan-cua-ong-putin-post1295830.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ