Ấn Độ leo thang căng thẳng tôn giáo
Muskan Khan, theo đạo Hồi, đang trên đường đi nộp bài tập cho giáo viên ở thành phố Mandya thì bị một nhóm đàn ông theo đạo Hindu quấy rối. Nhóm này choàng khăn quàng cổ màu hoa nghệ tây, màu tượng trưng cho đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền ở Ấn Độ.
Họ huýt sáo khi cô đi ngang qua sân trường, yêu cầu Khan cởi hijab, khăn trùm đầu và vai của phụ nữ Hồi giáo, nhưng cô hét lên "Allahu Akbar" (Thánh Alla vĩ đại) và giơ nắm đấm lên trời. Cuộc đối đầu cho thấy căng thẳng tôn giáo đang leo thang ở Karnataka từ khi một nhóm nữ sinh biểu tình bên ngoài trường công hồi tháng một, sau khi bị từ chối cho vào lớp vì choàng hijab.
Các nhà hoạt động cho rằng lùm xùm quanh hijab cho thấy xu hướng cộng đồng người Hồi giáo thiểu số đang ngày càng bị nhắm mục tiêu từ khi đảng BJP của Thủ tướng Narenda Modi lên cầm quyền gần 8 năm trước.
Họ lập luận rằng động thái chối bỏ quyền quàng khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo "tượng trưng cho thái độ từ chối tự do tôn giáo của chính phủ", đi ngược lại quy định trong Hiến pháp.
"Đây là nỗ lực mà BJP đang thực hiện để đồng nhất văn hóa Ấn Độ, biến đất nước thành quốc gia chỉ theo đạo Hindu", Afreen Fatima, 23 tuổi, nhà hoạt động theo Hồi giáo, người tham gia các phong trào biểu tình ủng hộ sinh viên ở quê hương Allahabad, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, nói.
"Phụ nữ Hồi giáo bị cô lập ở Ấn Độ. Tình hình ngày một tệ hơn", cô nói.
Cuộc biểu tình nhỏ ở Karnataka đã gây nhiều chú ý và lan rộng sang những thành phố khác. Nhiều sinh viên ở thủ đô New Delhi xuống đường biểu tình trong tháng này, mang theo băng rôn và hô khẩu hiệu phản đối lệnh cấm. Hàng trăm cuộc biểu tình khác nổ ra tại Kolkata và Hyderabad.
Bang Karnataka hôm 8/2 ra lệnh đóng cửa tất cả trường trung học và đại học trong ba ngày, khi căng thẳng tôn giáo leo thang. Hôm 9/2, chính quyền thành phố Bengaluru, thủ phủ của bang, cấm biểu tình ngoài trường học trong hai tuần.
Với nhiều phụ nữ Hồi giáo, khăn trùm đầu là một phần không thể thiếu trong đức tin. Nó được coi là nguồn gốc gây tranh cãi ở một số quốc gia phương Tây, nhưng tại Ấn Độ, nó chưa bao giờ bị cấm, cũng không bị hạn chế ở nơi công cộng.
B.C.Nagesh, quan chức giáo dục bang Karnataka, ủng hộ cấm khăn trùm đầu trong trường học. "Chính quyền khẳng định trường học không phải nơi để thực hành tôn giáo", ông nói.
Theo luật sư Mohammed Tahir, người đại diện cho nhóm phản đối lệnh cấm trước tòa, Karnataka là "điểm nóng" của hệ tư tưởng Hindutva (biến Ấn Độ thành vùng đất của những người theo đạo Hindu) được nhiều nhóm cực hữu ủng hộ.
Karnataka cấm buôn bán và giết mổ bò, loài động vật linh thiêng với người Hindu. Bang cũng đưa ra một dự luật chống cải đạo gây tranh cãi, khiến những người khác tôn giáo khó kết hôn hơn, hay gây khó khăn cho người muốn chuyển sang Hồi giáo hoặc Cơ đốc giáo.
Theo Tahir, căng thẳng tôn giáo có thể sẽ gia tăng trước thềm cuộc bầu cử quan trọng của bang vào năm tới. "Những vấn đề như cấm khăn trùm đầu rất dễ gây phân cực trong cộng đồng cử tri", ông nói.
Trong tuyên bố hôm 8/2, diễn đàn Những người Hồi giáo Ấn Độ vì Dân chủ Thế tục (IMSD) chỉ trích "nỗ lực của các lực lượng Hindutva và chính quyền theo đảng BJP của bang Karnataka" đẩy các trường học và đại học vào cuộc chiến tôn giáo của bang.
Giới chức bang không phản hồi yêu cầu bình luận của CNN.
Lệnh cấm hijab diễn ra sau chuỗi các vụ tấn công trực tuyến nhằm vào phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ. Hồi tháng một, chính phủ Ấn Độ mở cuộc điều tra nhắm vào trang web rao bán phụ nữ Hồi giáo. Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một năm xuất hiện trang đấu giá trực tuyến phụ nữ kiểu này, gây phẫn nộ trên cả nước.
Fatima, người bị đưa lên đấu giá trên ứng dụng trực tuyến, cho hay "họ tấn công chúng tôi trên mạng và giờ đang nhắm trực tiếp vào thực hành tôn giáo của chúng tôi, bắt đầu từ một trường đại học và dần lan rộng. Tôi tin rằng cuộc tấn công sẽ không dừng ở đó".
Malala Yousafzai, nhà hoạt động nữ quyền người Pakistan từng đoạt giải Nobel Hòa bình, gọi lệnh cấm hijab là "kinh hoàng". "Nạn coi thường phụ nữ vì trang phục họ mặc vẫn tồn tại. Lãnh đạo Ấn Độ phải chấm dứt thái độ gạt bỏ phụ nữ Hồi giáo ra ngoài lề", cô nói.
V P Sanu, chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Toàn Ấn Độ, chỉ trích lệnh cấm hijab, cho rằng nó bị lợi dụng "làm lý do từ chối quyền được tiếp cận giáo dục của phụ nữ Hồi giáo".
Người Hồi giáo Ấn Độ ở New Delhi phản đối lệnh cấm hijab hôm 10/2. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Modi đề cập ngắn gọn tới phụ nữ Hồi giáo trong bài phát biểu ở Uttar Pradesh hôm 10/2 khi bang này bắt đầu các cuộc bầu cử địa phương. Ông khẳng định chính phủ luôn "sát cánh với mọi nạn nhân là phụ nữ Hồi giáo".
Ông không nhắc tới lệnh cấm hijab, nhưng cho hay chính phủ trao quyền "tự do" cho phụ nữ Hồi giáo bằng cách loại bỏ các tập tục Hồi giáo gây tranh cãi như ly hôn tức thì, quy định trong đạo Hồi cho phép người chồng ly hôn vợ chỉ bằng cách nói ba lần từ "talaq". Chính phủ Ấn Độ đã cấm tập tục này từ năm 2019.
Khan, nữ sinh đã đối đầu với những người đàn ông theo đạo Hindu quấy rối mình, khẳng định cô đang bảo vệ quyền tôn giáo.
"Mọi tôn giáo đều tự do, Ấn Độ là một khối thống nhất, cho phép mọi tôn giáo hoạt động", cô nói hôm 9/2. "Họ theo văn hóa của họ, còn tôi theo văn hóa của tôi. Họ nên để chúng tôi tuân theo văn hóa của mình và không gây bất kỳ trở ngại nào".
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/an-do-cang-thang-vi-trang-phuc-hoi-giao-4426202.html