Mẹ cần lưu ý điều gì khi cho trẻ sơ sinh nằm máy lạnh
Trẻ nhỏ có nên nằm phòng điều hòa, nhiệt độ như thế nào là phù hợp, liệu bé có bị mắc bệnh hô hấp khi nằm điều hòa hay không... là những vấn đề muôn thuở mà bất cứ người mẹ nào cũng quan tâm. Như chúng ta đã biết, cơ chế điều hòa thân nhiệt ở trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh như người trưởng thành. Chính vì lí do này nên bé dễ bị rơi vào tình trạng quá nóng và có thể mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao như phát ban, mất nước, kiệt sức vì nóng, say nắng.
Thời tiết đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng ở miền Bắc khiến điều hoà trở thành "vật bất ly thân" đối với nhiều gia đình. Nhưng với những mẹ mới sinh em bé hoặc nhà có trẻ nhỏ mới vài tháng tuổi, không ít người băn khoăn không biết có nên sử dụng điều hòa thường xuyên hay không? Mới đây, một bà mẹ chia sẻ cô vừa sinh con được 2 ngày, trời thì nóng, nhiệt độ nơi cô sống lên cao đến 38 độ C, muốn cho con dùng điều hòa cho đỡ nóng nhưng ông bà lại ngăn cản vì sợ con bé sẽ dễ bị ốm.
Mặc quần áo dài để đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh khi nằm điều hòa (Ảnh minh họa).
Theo chuyên gia Nhi khoa, bác sĩ Saroja Balan (Ấn Độ), việc cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa (kể cả là trẻ mới vài ngày tuổi), trong thời tiết nắng nóng gay gắt là cần thiết và an toàn, miễn là biết cách dùng đúng và có biện pháp phòng ngừa phù hợp chứ không nhất thiết phải phản bác và phủ nhận một cách tiêu cực những lợi ích của điều hòa.
Bác sĩ lí giải trẻ được ở trong môi trường thoáng mát sẽ an toàn hơn là môi trường nóng, không khí đặc quánh khó lưu thông. Ngoài ra, phòng thông thoáng và được làm mát đúng cách sẽ giúp bé ngủ thoải mái, giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là hội chứng SIDS.
Mẹ nên tuân thủ các lưu ý sau đây để đảm bảo sức khỏe cho bé khi sử dụng điều hòa trong những ngày nắng nóng:
Duy trì nhiệt độ phòng hợp lý khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa
Mẹ chỉ nên cho bé nằm điều hòa trong thời gian vừa phải và không nên để nhiệt độ trong phòng và bên ngoài chênh lệch quá nhiều (Ảnh minh họa)
Bác sĩ khuyên mẹ nên duy trì nhiệt độ phòng trong khoảng 23-26 độ C. Không thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu sử dụng máy làm mát, mẹ hãy mở hé cửa sổ hoặc cửa chính để giúp luồng không khí lưu thông tốt hơn, đặc biệt là trong thời tiết ẩm ướt gió mùa. Một số chuyên gia khuyên mẹ nên sử dụng quạt hoặc điều hòa thay vì máy làm mát trong thời tiết ẩm ướt.
Mẹ chỉ nên cho bé nằm điều hòa trong thời gian vừa phải và không nên để nhiệt độ trong phòng và bên ngoài chênh lệch quá nhiều, tốt nhất không nên chênh nhau trên 10 độ C. Trước khi cho bé ra ngoài, các mẹ nên mở cửa phòng khoảng 15-20 phút để bé quen dần với không khí nóng bên ngoài tránh bị sốc nhiệt.
Không để hơi lạnh điều hòa thổi thẳng vào người bé
Khi sử dụng điều hòa, mẹ cần tránh để bé nằm ở nơi mà hơi lạnh thổi ra từ điều hòa chĩa thẳng vào người của bé. Mẹ lưu ý mặc quần áo dài, mang tất chân mỏng cho bé để tránh bị nhiễm lạnh.
Khi trẻ ngủ, các mẹ đặc biệt chú ý che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Có thể cho bé sử dụng túi ngủ mỏng hoặc khăn quấn loại dùng cho mùa hè để bé ngủ ngon hơn trong phòng điều hòa.
Vệ sinh điều hòa thường xuyên
Mẹ cần chú ý khâu bảo dưỡng, vệ sinh cho thiết bị điều hòa, nhất là bộ lọc, để hạn chế nguy cơ nấm mốc, mầm bệnh, vi khuẩn lưu trú hoặc sinh sôi, phát tán ra không khí mỗi khi sử dụng. Nếu không, điều hòa lại trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho bé.
Những gia đình có trẻ sơ sinh cần đặc biệt lưu ý vấn đề này, nếu đảm bảo những nguyên tắc sử dụng điều hòa trên mà không vệ sinh điều hòa sạch sẽ thì cũng không đảm bảo môi trường an toàn cho bé khi sử dụng điều hòa. Các chuyên gia khuyên trước khi trẻ chào đời hoặc đầu mỗi mùa nóng, các gia đình nên vệ sinh điều hòa thật sạch sẽ rồi mới sử dụng.
Phòng bật điều hòa thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, cần mở cửa phòng cho thoáng khí.
Giữ ẩm cho bé
Khi sử dụng điều hòa, cơ thể bé dễ bị mất nước, khô da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh về đường hô hấp. Mẹ cần tăng cường cho trẻ bú mẹ để tránh làm trẻ mất nước do ở trong phòng điều hòa.
Nên sử dụng máy tạo ẩm trong phòng sử dụng điều hòa.
Nên nhỏ mũi thường xuyên cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết trong cơ thể, tránh khô mũi bởi điều hòa có thể làm mát cơ thể nhưng lại gây khô da và mũi của trẻ. Khi bật điều hòa, có thể dùng thêm máy làm ẩm không khí để hạn chế hiện tượng khô da, mũi, họng ở trẻ sơ sinh.
Nếu trời không quá nóng thì không cần cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa
Trên thực tế, mẹ không cần phải bật điều hòa cho bé mọi lúc mọi nơi nếu trời không quá nóng. Một số mẹ có xu hướng thích bật quạt trần để làm mát và thoải mái cho bé.
Đối với hệ thống cửa kính, mẹ có thể che lại hoặc lắp rèm để tránh ánh nắng xuyên vào phòng. Mẹ có thể lắp đồng nhất thiết bị điều hòa cho cả căn nhà để có thể di chuyển bé dễ dàng và không làm thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Một số mẹ còn gợi ý nên bật thêm một chiếc quạt nhỏ và cho xoay đi xoay lại giúp phòng của bé thông thoáng hơn khi vẫn sử dụng điều hòa.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/bac-si-nhi-giai-dap-thac-mac-muon-thuo-cua-cac-me-bim-sua-co-nen-cho-tre-so-sinh-nam-dieu-hoa-20190708214649456.chn