Lý do Ukraine dốc toàn sức lực để cải thiện vị thế trên chiến trường
Vài tuần qua là thời điểm chứng kiến thay đổi mạnh mẽ trong xung đột Nga - Ukraine. Kiev dường như báo hiệu sẽ dốc toàn lực để cố gắng đạt kết quả có lợi nhất trên chiến trường, trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 có thể thay đổi số phận của họ.
Đầu tháng này, lực lượng Ukraine bất ngờ mở chiến dịch tấn công tỉnh Kursk của Nga và tới nay đã kiểm soát 100 ngôi làng, thị trấn với tổng diện tích 1.300 km2. Lực lượng Ukraine cũng đang tìm cách mở rộng mũi tiến công vào tỉnh Belgorod lân cận của Nga.
Cuộc tấn công bất ngờ đang trở thành chiến dịch dài hạn hơn, dù Kiev khẳng định mục tiêu của họ chỉ là thiết lập vùng đệm ở biên giới thay vì kiểm soát lãnh thổ Nga lâu dài. Trong cuộc họp báo ngày 27/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Moskva đã triển khai 30.000 quân tới khu vực, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được cuộc tấn công của Ukraine.
Trong những tháng qua, Ukraine cũng đã nhắm mục tiêu cơ sở hạ tầng trong lãnh thổ Nga, như sân bay, nhà máy lọc dầu, kho đạn. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tuần trước được cho là gần chạm đến Murmansk, căn cứ hải quân ở khu vực vòng Cực Bắc có nhiều tàu ngầm hạt nhân của Nga, theo quan chức địa phương.
UAV đêm 27/8 tập kích kho chứa dầu ở quận Kamensky, tỉnh Rostov, làm bùng phát hỏa hoạn. 10 ngày trước đó, kho dầu ở quận Proletarsk tại tỉnh Rostov cũng bị tấn công và đám cháy đến nay chưa được dập tắt hoàn toàn.
Lính Ukraine khai hỏa súng cối tại vùng Donetsk ngày 17/8. Ảnh: AFP
Phạm vi hoạt động khá rộng của UAV Ukraine dường như là điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin khó có thể tưởng tượng vào năm 2022, khi ông phát động cuộc chiến ở nước láng giềng, theo giới quan sát. Khói lửa từ các vụ tấn công đã không còn là điều hiếm thấy ở khu vực phía tây và nam nước Nga.
Tổng thống Zelensky tiết lộ Ukraine đã sở hữu vũ khí mới có thể gia tăng hiệu quả chiến đấu: tiêm kích F-16 mà các đồng minh NATO đã bàn giao. Bước thay đổi này được cho là sẽ giúp tăng sức mạnh không quân Ukraine trong những tháng tới, giúp khắc chế ưu thế lâu nay của Nga là kiểm soát bầu trời và tự do oanh tạc.
Trong khi ông Zelensky đang dồn hết sức cho cuộc chiến, ông Putin dường như không quá tập trung cho những gì diễn ra ở Kursk. Lực lượng Nga tiếp tục tăng cường sức ép tấn công ở mặt trận Donetsk, miền đông Ukraine. Hàng chục nghìn quân Nga đang áp sát thành phố Pokrovsk, đô thị chiến lược của Ukraine ở miền đông.
Ông Zelensky ngày 28/8 thừa nhận tình hình ở Pokrovsk rất khó khăn. Với tốc độ tiến công của Nga và khả năng chống chịu của Ukraine, thành phố Pokrovsk có thể bị Nga kiểm soát trong vài tuần nữa, theo các nhà phân tích.
Sau Pokrovsk, Ukraine không có thành trì nào lớn cần bảo vệ gần đó. Thành phố Dnipro quan trọng nằm ở phía bên kia vùng Zaporizhzhia, cách đó khoảng 2 giờ lái xe.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo trừ khi nước cờ Kursk thực sự khiến Nga phải căng mình chống đỡ đến mức làm suy yếu hoạt động ở Donetsk, Kiev vẫn cần tăng cường phòng thủ ở mặt trận miền đông, nếu không muốn Nga kiểm soát thêm lãnh thổ.
"Có vẻ như ông Zelensky sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó và tính toán rằng thiệt hại Ukraine có thể gây ra bằng các cuộc tấn công phá hủy cơ sở hạ tầng dầu mỏ, mục tiêu quân sự ở lãnh thổ Nga là điều cần thiết và cấp bách", Nick Paton Walsh, nhà phân tích của CNN, cho hay.
Hiện tại, ván cược ở Kursk ít nhất cũng đã mang về thắng lợi trước mắt cho Ukraine, khi giải quyết được hai vấn đề cấp bách, gồm ý chí của đồng minh NATO trong cung cấp vũ khí cho chiến dịch và tinh thần của những người lính trên chiến trường.
"Ông đánh giá rằng việc mất Pokrovsk có thể là điều không tránh khỏi và là sự hy sinh để Ukraine có thể theo đuổi mục tiêu gây thiệt hại lớn hơn cho Nga", Walsh nhận định.
Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trước truyền thông tại một địa điểm không xác định ở Ukraine ngày 4/8. Ảnh: AFP
Mối bận tâm tới chính trị Mỹ cũng được thể hiện rõ khi ông Zelensky tuần này cho biết sẽ trình bày kế hoạch để giành chiến thắng xung đột, có thể là các cuộc tấn công bằng UAV lớn hoặc sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ hỗ trợ, với Tổng thống Joe Biden cùng ứng viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang cạnh tranh gay gắt khi cuộc đua vào Nhà Trắng dần bước sang chặng cuối. Nếu ông Trump tái đắc cử, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ lập tức rút viện trợ cho Ukraine, buộc Kiev phải tìm cách chấm dứt xung đột theo các điều khoản của Nga.
Do đó, giới phân tích cho rằng bằng cách tiến hành chiến dịch tấn công Kursk và kiểm soát lãnh thổ, ông Zelensky muốn tạo đòn bẩy cho trường hợp Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Ngoài ra, cuộc tấn công cũng được tiến hành để chứng minh quân đội Ukraine không dễ bị đánh bại và cũng không thiếu khả năng tấn công. Điều này không chỉ nhằm tăng tinh thần chiến đấu mà còn để thuyết phục các đồng minh, trong đó có Mỹ. Dư luận Mỹ đã bắt đầu hoài nghi khả năng chiến thắng của Ukraine và cuộc tấn công Kursk được thực hiện nhằm thay đổi nhận thức đó.
Chiến thắng của bà Harris vào tháng 11 cũng sẽ được cho làm thay đổi động lực ủng hộ của Mỹ với Ukraine. Mỹ có thể siết chặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, vốn đã được nới lỏng do nhu cầu giữ giá năng lượng ở mức thấp trước cuộc bầu cử.
Nếu Harris đắc cử, Điện Kremlin cũng sẽ buộc phải đánh giá lại chính quyền mà họ đang đối đầu. Trump từng lập luận rằng ông Putin quyết định phát động chiến dịch ở Ukraine vì cho rằng Tổng thống Biden yếu đuối và thiếu quyết đoán sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Nhưng bây giờ, Nga sẽ phải đối đầu với một tổng thống mới và chính quyền hoàn toàn khác.
Uy tín của bà Harris với các liên minh quốc tế là điều không thể nghi ngờ. Bà từng phục vụ trong các ủy ban tình báo và an ninh nội địa, đi công du nhiều nơi với vai trò phó tổng thống Mỹ.
Philip H. Gordon, cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris, từng nói rằng ông tin "sẽ có những điều thực tế mà Mỹ có thể và nên làm để giảm xung đột".
"Khả năng Nhà Trắng của bà Harris ít nhất sẽ có bộ chính sách mới, đưa ra nguyên tắc phản ứng khác đối với lời kêu gọi giúp đỡ của Ukraine", David Hastings Dunn, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Birmingham, Anh, nói.
Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: Guardian
Giới quan sát tin rằng ông Zelensky nhận thấy hiện tại đang là thời cơ để Ukraine đặt cược, bởi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, mọi thứ có thể thay đổi rất chóng vánh.
"Trong những tuần tới, ông có thể sẵn sàng từ bỏ những vùng lãnh thổ rộng lớn dễ bị đánh chiếm, cũng như vượt qua mọi lằn ranh đỏ của Nga để theo đuổi mục tiêu giành lợi thế trước Moskva. Song ông cũng phải hy vọng Tổng thống Putin sẽ cảm thấy áp lực thực sự như vậy", Walsh nói.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/canh-bac-cua-ukraine-truoc-them-bau-cu-tong-thong-my-4786913.html