Lý do thế giới lên án đạn chùm

02:00' 12-07-2023
Nhiều đạn con trong đạn chùm không nổ khi chạm đất, đe dọa dân thường hàng chục năm sau chiến tranh, khiến vũ khí này gây tranh cãi.


    Lầu Năm Góc hôm 7/7 công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 cho Ukraine, trong đó có Đạn Thông thường Đa dụng Cải tiến (DPICM) được đánh giá là "hiệu quả cao và đáng tin cậy". Tuy nhiên, quyết định này vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận Mỹ cũng như một số nước châu Âu, do nguy cơ gây sát thương quá lớn trong và sau chiến sự của đạn chùm.

    DPICM là thuật ngữ chỉ chung nhiều loại đạn pháo và rocket mang đạn con, với thiết kế tương đồng nhau. Đây là loại đạn chùm được Mỹ phát triển và chế tạo trong thập niên 1970-1990, thường dùng để chống lại tăng thiết giáp và tiêu diệt bộ binh đối phương.

    Binh sĩ Ukraine thu nhặt những quả đạn con chưa nổ từ đạn chùm. Ảnh: Reuters

    Binh sĩ Ukraine thu nhặt những quả đạn con chưa nổ từ đạn chùm. Ảnh: Reuters

    Trong khi bom chùm được thả từ máy bay, đạn chùm thường được phóng từ pháo hoặc rocket. Chúng có kích thước lớn, nhưng không sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu.

    Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện tích tương đương vài sân bóng đá, đạt hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.

    Ngòi nổ của đạn con thường được kích hoạt trong khi rơi, cho phép nó phát nổ trên không trung hoặc trên mặt đất. Mỗi quả đạn con của DPICM được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT), bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ.

    Điều này khiến bất cứ ai đứng trong khu vực phát nổ của đạn chùm, dù là binh sĩ hay dân thường, đều có khả năng thiệt mạng hoặc chịu thương tật nặng. Theo Cơ quan Giám sát Đạn chùm, tổng cộng 34 quốc gia đã phát triển hoặc sản xuất hơn 200 loại đạn chùm khác nhau.

    Một quả bom chùm chưa phát nổ được quân đội Israel ném xuống Lebanon hồi năm 2006. Ảnh: AP

    Một quả bom chùm chưa phát nổ được quân đội Israel ném xuống Lebanon hồi năm 2006. Ảnh: AP

    Khi một quân đội quyết định sử dụng đạn chùm, điều đó đồng nghĩa tính chính xác của vũ khí không còn được coi trọng bằng khả năng sát thương trên quy mô lớn.

    Giới chuyên gia phương Tây nhận định đạn chùm có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả hơn với mạng lưới hầm hào và bãi mìn dày đặc của Nga, vốn đang gây thiệt hại nặng nề và cản bước chiến dịch phản công được chờ đợi từ lâu của Kiev.

    "Hầm hào là phương án đối phó hiệu quả với đạn nổ mảnh thông thường của pháo binh, buộc phe tấn công dùng lượng lớn đạn pháo để bắn phá mà không thu được hiệu quả cao. Ngược lại, đạn chùm có thể bao phủ diện tích rộng trong thời gian ngắn, sử dụng tổng số đạn ít hơn nhiều. Các đạn con cũng có thể rơi thẳng xuống chiến hào và gây thương vong nặng cho bộ binh phòng thủ", chuyên gia Joseph Trevithick viết trên chuyên trang quân sự Warzone của Mỹ.

    Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa các chỉ huy quân sự cũng ít lưu tâm hơn tới hậu quả lâu dài của đạn chùm. Một số quả đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và rơi xuống đất hoặc vướng vào các lùm cây, nằm rải rác trên khu vực rộng lớn mà không có bất cứ bản đồ đánh dấu nào.

    Những đạn con này vẫn giữ nguyên cơ chế kích hoạt và có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm. Điều này gây ra nguy cơ đặc biệt lớn với trẻ em, vốn không có kiến thức về các loại vũ khí quân sự.

    Báo cáo của Reuters ước tính 60% thương vong do đạn chùm xảy ra khi người dân sinh hoạt thường ngày. Một phần ba tổng số nạn nhân của bom, đạn chùm là trẻ em do chúng thường nhầm đạn con với đồ chơi.

    Đây là lý do nhóm các nước tham gia xây dựng Tiến trình Oslo cấm đạn chùm sử dụng thuật ngữ "nguy cơ không thể chấp nhận được" để mô tả về hậu quả của loại đạn này.

    "Nguy cơ không thể chấp nhận được" của đạn chùm đến từ khu vực ảnh hưởng rất lớn của nó, cũng như nhiều loại đạn con được tích hợp vào một quả đạn mẹ, khiến nỗ lực tìm kiếm, rà phá những quả đạn chưa nổ gặp khó khăn rất lớn.

    Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) ước tính tỷ lệ đạn con không nổ trong những xung đột quân sự gần đây có thể lên tới 40%.

    Mỹ thả khoảng 260 triệu quả đạn con xuống Lào trong giai đoạn 1964-1973. Báo cáo của Reuters cho thấy chưa đầy 400.000 quả đạn trong số này, tương đương 0,47%, được rà phá thành công và ít nhất 11.000 người đã thiệt mạng.

    Nhiều nhóm nhân quyền cho rằng sử dụng đạn chùm nhằm vào khu vực đông dân cư là vi phạm các quy định nhân đạo quốc tế, vì chúng được thiết kế để phá hủy diện rộng, không phân biệt giữa mục tiêu quân sự và dân sự.

    Cách thức hoạt động của đạn chùm. Bấm vào ảnh để xem chi tiết

    Cách thức hoạt động của đạn chùm.

    Bom, đạn chùm được sử dụng lần đầu trong Thế chiến II. Ít nhất 15 nước đã triển khai loại vũ khí này những năm sau chiến tranh, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Eritrea, Ethiopia, Issrael, Hà Lan và Morocco.

    Trước mức độ nguy hiểm của loại vũ khí này, hơn 120 quốc gia đã ký Công ước về Bom, Đạn chùm (CCM), trong đó cấm sản xuất, tích trữ, sử dụng và chuyển giao chúng. Khoảng 99% kho bom, đạn chùm trên thế giới đã được tiêu hủy từ khi CCM có hiệu lực vào năm 2008. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraine đều từ chối tham gia công ước.

    Các tổ chức nhân quyền cho biết cả Nga và Ukraine từng sử dụng bom, đạn chùm trong suốt 17 tháng chiến sự. Tỷ lệ đạn con không nổ của Nga được cho là 40%, trong khi của Ukraine là 20%, theo Sarah Yager, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) trụ sở tại Washington.

    Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 6/7 cho biết có "nhiều biến thể" đạn chùm và Washington sẽ không cung cấp cho Ukraine những loại có tỷ lệ đạn con không nổ trên 2,35%, mà chọn tỷ lệ thấp nhất có thể.

    Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho rằng Lầu Năm Góc không minh bạch về dữ liệu tỷ lệ không nổ của đạn con. ICRC cho hay tỷ lệ này thường trên 10%.

    "Việc sử dụng đạn chùm quy mô lớn sẽ khiến nhiều khu vực hứng chịu hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu quả đạn con chưa nổ có thể kích hoạt bất cứ lúc nào", cơ quan này cảnh báo.

    Quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine đã gây tranh cãi ngay trong nội bộ Mỹ. Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, thành viên đảng Cộng hòa, ủng hộ động thái này, cho rằng Ukraine "đang đề nghị được chuyển giao loại vũ khí mà chính Nga đã sử dụng".

    "Đạn chùm sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong chiến dịch phản công của họ và tôi hài lòng khi chính quyền Tổng thống Biden cuối cùng đã đồng ý với yêu cầu này", McCaul nói.

    Trong khi đó, một số thành viên đảng Dân chủ lại lên tiếng phản đối. "Đạn chùm không nên được sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào", nghị sĩ Barbara Lee nói. "Tôi cho rằng Tổng thống Biden đã làm tốt trong việc quản lý cuộc chiến này, nhưng quyết định cung cấp đạn chùm không nên được đưa ra".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-dan-chum-gay-tranh-cai-4627122.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ