Loại côn trùng trẻ ăn chống còi xương, người lớn ăn giúp cải thiện gan nhiễm mỡ
Từ trước tới nay, nhiều người biết tới con tằm với chức năng ươm tơ để dệt lụa. Thế nhưng, ở Phú Thọ, có một loại tằm được nuôi để lấy thịt và bán ra thị trường với giá đắt đỏ, đó là tằm ăn lá sắn. Nhìn bề ngoài, chúng lúc nhúc có gai chi chít trông đáng sợ, nhiều người nhìn lần đầu sẽ thấy sợ hãi nhưng thực chất nó là đặc sản nổi tiếng thơm ngon và "đại bổ". Vì vậy loại đặc sản này được nhiều người ráo riết tìm mua với giá dao động 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Loại côn trùng trẻ ăn chống còi xương, người lớn ăn giúp cải thiện gan nhiễm mỡ
Nhộng tằm là loại côn trùng được dùng làm thức ăn phổ biến ở nước ta vì chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, 13g protein, 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin A, B1, B2, PP, C và các axit amin thiết yếu, cùng các chất khoáng như canxi, photpho mang đến nhiều lợi ích rất tốt cho sức khỏe.
Theo Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong Đông y, nhộng tằm có vị ngọt mặn, tình bình có công dụng ích tỳ bổ hư, trừ phiền giải khát.
Nhộng tằm là thực phẩm tốt cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Theo dược lý học hiện đại, nhộng có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện chức năng gan, trong đó có bệnh gan nhiễm mỡ. “Thông thường, nhộng được dùng dưới dạng các món ăn hoặc tán bột uống”, bác sĩ Khánh Toàn chia sẻ.
Phòng chống còi xương
Nhờ chứa hàm lượng canxi và phốt pho cao nên nhộng tằm rất tốt cho hệ xương của trẻ. Chúng hỗ trợ làm tăng mật độ xương, giúp phát triển chiều cao, chống còi xương, suy dinh dưỡng. Đặc biệt ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như loãng xương, mất xương…
Tăng cường chức năng hệ tiêu hóa
Nhộng tằm có tác dụng nhuận tràng, cải thiện hệ tiêu hóa giúp trẻ hạn chế được tình trạng táo bón. Khi hệ tiêu hóa hoạt động ổn định trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, từ đó phát triển thể chất một cách thuận lợi.
Tăng cường sức khỏe tổng thể
Trong nhộng tằm còn chứa nhiều loại vitamin thiết yếu như vitamin A, C, các axit amin như valin, tyrosine, tryptophan… Vì thế ăn nhộng tằm sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp trẻ phát triển trọn tiềm năng.
Nhộng tằm nếu bị "ngậm" hóa chất sẽ rất dễ gây ngộ độc cho người ăn.
Lưu ý khi ăn nhộng tằm
BS.CKI Lưu Xuân Đăng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết nhộng tằm là thực phẩm ăn ngon, bổ dưỡng nhưng khi ăn chúng ta cần chú ý để phòng tránh bị dị ứng và ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ Đăng, thời gian qua có nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn nhộng tằm. Trong đó, có nhiều bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng khó thở, buồn nôn, may mắn được được đưa đi cấp cứu kịp.
Bác sĩ Đăng cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc nhộng tằm có nhiều. “Có thể do ăn phải nhộng để lâu đã bị ôi hỏng, chất đạm trong thực phẩm đã bị phân hoá không còn giá trị dinh dưỡng nữa và trở nên độc. Có khi nhộng đã bị “ngậm” hoá chất cho nhộng căng, trông ngon mắt hơn, dễ bán. Cũng có thể do một số người bị phản vệ với các peptit có trong nhộng tằm, cũng có thể do dị ứng với chất natri sunfit mà người bán nhộng dùng để bảo quản thực phẩm”, bác sĩ Đăng chia sẻ.
Bác sĩ Đăng khuyến cáo, để ăn nhộng tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng khi mua nhộng tằm về chế biến thức ăn cần chú ý chọn loại nhộng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, nếu nghi ngờ thấy sản phẩm để lâu, đã ôi hỏng, không có nguồn gốc thì không nên mua. “Những người có cơ địa hay bị dị ứng càng cần thận trọng với loại thức ăn này, tốt nhất là không ăn đề phòng dị ứng nhộng tằm và các chất bảo quản”, bác sĩ Đăng chia sẻ.
Bác sĩ Đăng khuyến cáo, trong trường hợp ăn nhộng xong thấy biểu hiện triệu chứng ban đầu là khó thở, buồn nôn, mẩn ngứa toàn thân, đau bụng quằn quại, buồn nôn, người lạnh toát, huyết áp tụt thấp… cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp sớm.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/dac-san-noi-tieng-chi-co-o-phu-tho-nhin-so-hai-nhung-vo-cung-ngon-ngot-cai-thien-gan-nhiem-mo-chong-coi-xuong-cho-tre-c131a608187.html