Lãnh đạo thế giới tìm cách thích ứng với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump
Sau thắng lợi bầu cử hồi đầu tháng, ông Donald Trump sẽ nhậm chức vào đầu năm 2025, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Những tuyên bố ông đưa ra trong quá trình tranh cử cho thấy nước Mỹ trong 4 năm tới sẽ khó đoán, xa cách và duy trì quan hệ kiểu "có đi có lại" với các đồng minh, đối tác.
"Ông Trump luôn chỉ trích các nước bạn bè, đối tác và đồng minh hưởng lợi từ sự đảm bảo an ninh của Mỹ, đánh cắp việc làm từ Mỹ", James M. Lindsay, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ, tại viện chính sách Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở Washington, nói với Vox.
Phe ủng hộ lẫn chỉ trích ông Trump đều cho rằng vị thế của Mỹ trong các vấn đề quan trọng của thế giới sẽ thay đổi rất lớn khi tân tổng thống nắm quyền. Ông Trump từng tuyên bố chấm dứt chiến sự Ukraine trong 24 giờ, mang lại hòa bình cho Trung Đông, kiềm tỏa các đối thủ, áp thuế đối tác thương mại, xét lại quan hệ với các liên minh quân sự như NATO.
Hiện chưa rõ ông sẽ hướng đến những mục tiêu trên bằng cách nào, nhưng nó đã gây ra nhiều lo lắng và các lãnh đạo trên thế giới đều đang nỗ lực tìm phương cách thích ứng với chính quyền mới ở Mỹ.
Ông Donald Trump phát biểu tại sự kiện ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 4/11. Ảnh: AP
Trong đêm 5/11, khi kết quả kiểm phiếu dần nghiêng về phía Trump, hàng loạt lãnh đạo thế giới gấp rút tìm cách "lấy lòng" ông. Một số thậm chí còn chúc mừng trên mạng xã hội X trước khi truyền thông Mỹ xướng tên người chiến thắng. Họ tiếp tục gọi điện, gửi điện mừng sau khi ông Trump hội đủ số phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử.
Điện Elysee khi ra thông báo về cuộc điện đàm chúc mừng giữa ông Macron và ông Trump, không quên mô tả Tổng thống Pháp "nằm trong số nguyên thủ quốc gia đầu tiên" tiếp cận ông Trump. Quan hệ giữa ông Trump và ông Macron vốn không mấy suôn sẻ trong giai đoạn 2017-2021.
"Hai lãnh đạo đã có cuộc trao đổi rất nồng ấm, dựa trên quan hệ mạnh mẽ vốn có giữa hai người", theo Điện Elysee.
Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman điện đàm với ông Trump ngày 6/11 để "tái khẳng định mối quan hệ lịch sử giữa hai nước".
Dưới thời ông Trump, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng kết luận Thái tử Mohammed bin Salman đã ra lệnh sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Arab Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018. Khi đó, Trump nói CIA "chưa có gì chắc chắn" còn Ankara cáo buộc ông Trump "nhắm mắt làm ngơ".
Ngoài chúc mừng, các lãnh đạo thế giới cũng đang gấp rút chuẩn bị cho những điều khó lường có thể xảy ra trong nhiệm kỳ ông Trump lãnh đạo nước Mỹ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khôi phục một ủy ban nội các đặc biệt về quan hệ Canada - Mỹ để giải quyết những lo ngại liên quan đến quan hệ song phương. Ông cũng cử các phái đoàn đến Mỹ để gặp loạt nghị sĩ Cộng hòa với kỳ vọng có thể kìm chế ông Trump về vấn đề thuế quan. Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 10-20% đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ, trong đó có Canada.
Cựu thủ tướng Kevin Rudd, hiện là Đại sứ Australia tại Washington, đã xóa dòng tweet chỉ trích ông Trump "là tổng thống phá hoại nhất lịch sử Mỹ". Động thái này được cho là để tránh gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương, bởi Australia là thành viên các nhóm an ninh khu vực có Mỹ tham gia là AUKUS và Bộ Tứ.
Đội ngũ trợ lý của các lãnh đạo thế giới cũng gấp rút tìm cách sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Mỹ, CNN dẫn các nguồn thạo tin. Họ sẵn sàng thực hiện mọi lựa chọn, bao gồm cả bay đến New York hoặc dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida. Nhiều người muốn gặp Trump trước khi ông nhậm chức.
Những nỗ lực như vậy dường như chưa mang lại kết quả nào. Những bên gửi thông điệp chúc mừng cho Trump vẫn đang chờ phía Tổng thống đắc cử Mỹ phản hồi. Họ cũng tìm cách liên hệ với những người thân cận với ông Trump, các nguồn thạo tin nói.
Một nhà ngoại giao nói các lãnh đạo thế giới dường như đã hiểu ông Trump hơn so với năm 2016, phần nào lý giải tại sao Tổng thống đắc cử nhận hàng loạt lời chúc mừng ngay cả khi cuộc đua chưa ngã ngũ.
Theo nhà ngoại giao này, các lãnh đạo thế giới đang làm theo những gì thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng thực hiện, và tránh cách tiếp cận trực diện như thủ tướng Đức Angela Merkel khi đó.
Năm 2016, ngay khi Trump đắc cử, thủ tướng Abe đã gấp rút bay đến New York để gặp ông tại Tháp Trump, mang theo một bộ gậy chơi golf mạ vàng làm quà chúc mừng. Ông Trump nổi tiếng là người thích chơi golf và sở hữu rất nhiều sân golf nằm trong các khu nghỉ dưỡng của gia đình ông. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Trump chỉ hai lần chơi golf bên ngoài các sân của ông, và đều là chơi với ông Abe.
Đây được gọi là "ngoại giao sân golf" của ông Abe, giúp ông củng cố mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Trump để phục vụ lợi ích quốc gia. Năm 2020, ông Trump đã gọi ông Abe là "thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản".
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đang chọn cách tiếp cận này. Một quan chức Hàn Quốc nói ông Yoon luyện đánh golf trở lại sau 8 năm để chuẩn bị cho các cuộc gặp với ông Trump. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin ông Yoon đã tới sân golf từ vài ngày trước cuộc bầu cử Mỹ hôm 5/11.
Ông Donald Trump chơi golf tại Câu lạc bộ Golf Trump National ở Bedminster, bang New Jersey hồi tháng 8/2023. Ảnh: AFP
NATO và Ukraine dường như là các bên có nhiều lo ngại nhất nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng, theo cựu tư lệnh NATO Philip Breedlove.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng nhiều lần dọa rút Mỹ khỏi NATO, không bảo vệ các nước thành viên nếu họ không chi tiêu quốc phòng tương đương 2% GDP. Những chỉ trích chưa dẫn đến việc Mỹ giảm hiện diện quân sự ở châu Âu, nhưng cũng đã thúc đẩy nhiều thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, phần nào giúp tránh bị nhắm mục tiêu. Các đồng minh châu Âu cũng củng cố năng lực phòng thủ, thay vì dựa vào Mỹ.
Tân tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết ông đã gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ trong tối 6/11. "Sự lãnh đạo của ông ấy sẽ là chìa khóa để giữ cho liên minh quân sự của chúng ta vững mạnh", ông Rutte nói.
Trong khi đó, vài giờ sau khi ông Trump thắng cử, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Đức đã họp để thảo luận về cách ứng phó với tác động tiềm tàng trong nhiệm kỳ mới của Trump.
Đáng ngại hơn là tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ của ông Trump, theo ông Breedlove. "Mục tiêu này là cao cả, nhưng chấm dứt chiến sự với các điều khoản đúng đắn là một chuyện, chấp nhận đầu hàng lại là chuyện khác".
Ông Breedlove từng cảnh báo nếu chiến sự Nga - Ukraine kết thúc với việc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ, điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới gặp ông Trump tại New York từ tháng 9 nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ Kiev là vì lợi ích kinh tế của Washington. Ông Zelensky cho rằng những khoản hỗ trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine sau cùng sẽ mang lại lợi ích cho chính các nhà thầu của Washington.
Các quan chức Ukraine cũng tiếp cận với các đồng minh đảng Cộng hòa ở Washington để thiết lập các cấu trúc viện trợ quân sự mới.
"Chúng ta nên chọn lập trường chủ động", chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko nói. "Điều này là đặc biệt quan trọng và cấp bách trong khi ông Trump đang định hình chính quyền và đội ngũ đối ngoại, và quốc hội Mỹ dần hoàn chỉnh".
Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp nhau tại New York hồi tháng 9. Ảnh: Reuters
Hiện chưa rõ các nước đối thủ của Mỹ chuẩn bị thế nào để vạch chiến lược thích ứng với ông Trump trong 4 năm tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không trực tiếp gọi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Trump. Trong khi đó, nếu ông Trump có nhận được "thư tốt đẹp" từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như trong nhiệm kỳ đầu, hai bên nhiều khả năng cũng sẽ không công khai nội dung.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cach-lanh-dao-the-gioi-chuan-bi-thich-ung-voi-nhiem-ky-cua-ong-trump-4815387.html