Khi bị tiêu chảy, mẹ bầu cần phải làm gì?
Bất cứ ai cũng có thể bị tiêu chảy, trong đó có cả phụ nữ mang thai. Bà bầu đi ngoài nhiều lần trong ngày và kéo dài có thể dẫn đến mất nước, suy dinh dưỡng, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị tiêu chảy
- Nội tiết tố thay đổi: Nội tiết tố thay đổi có thể khiến hệ thống tiêu hóa hoạt động chậm lại, từ đó gây ra táo bón. Ngược lại, nội tiết tố cũng có thể tăng tốc hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu chảy khi mang thai.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Khi mang thai, nhiều chị em sẽ thay đổi chế độ ăn uống sao cho hợp lý và khỏe mạnh hơn. Sự thay đổi đột ngột này có thể khiến dạ dày khó chịu và gây ra tiêu chảy.
- Nhạy cảm với loại thực phẩm mới: Nhạy cảm với thực phẩm có thể là một trong nhiều thay đổi mà bà bầu sẽ trải qua. Lúc này, một số loại thực phẩm sẽ khiến bà bầu bị đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy, mặc dù trước khi mang thai họ không hề gặp phải trình trạng này khi ăn chúng.
- Bổ sung vitamin: Bổ sung vitamin trong thai kỳ rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, những vitamin này cũng có thể là nguyên nhân khiến bà bầu bị đau dạ dày, dẫn dến tiêu chảy.
- Ngộ độc thực phẩm hoặc mắc phải một số bệnh lý như nhiễm trùng ruột, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, bệnh celiac, viêm loét đại tràng, vi khuẩn trong đường ruột phát triển quá mức,... cũng là những nguyên nhân khiến bà bầu bị tiêu chảy.
- Chuẩn bị chuyển dạ: Tần suất bà bầu bị tiêu chảy tháng cuối thường tăng lên. Đó có thể là do cơ thể đang chuẩn bị cho cơn chuyển dạ sắp tới. Tuy nhiên, tiêu chảy trong tam cá nguyệt thứ 3 không có nghĩa là ngày “vượt cạn” sắp đến, nên bà bầu không cần quá hoang mang khi tần suất bị tiêu chảy tăng lên trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Tiêu chảy khi mang thai khiến bà bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Ảnh minh họa
Các mẹo chữa tiêu chảy cho bà bầu
1. Bù nước và điện giải
Hầu hết các trường hợp bà bầu đi ngoài nhiều lần trong ngày sẽ tự hết trong một vài ngày. Tuy nhiên, khi bị tiêu chảy, mẹ bầu nên uống nhiều nước, ăn trái cây hoặc uống oresol để bù lượng nước và các chất điện giải mà cơ thể mẹ đã mất.
2. Luôn kiểm tra thuốc
Một số loại thuốc có thể gây tiêu chảy khi mang thai nên nếu mẹ có dùng thì hãy đọc kỹ tác dụng phụ của thuốc đó. Ngoài ra, mẹ bầu không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc trị tiêu chảy nào bởi tình trạng này có thể tự hết. Nếu tiêu chảy không tự hết sau 2-3 ngày, mẹ bầu nên tìm tới sự tư vấn của bác sĩ.
3. Tránh một số loại thực phẩm khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn
Một số thực phẩm có thể làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy là thực phẩm cay, chiên xào, dầu mỡ, chất béo cao, nhiều chất ngọt, sữa và các sản phẩm từ sữa. Do đó, khi bị tiêu chảy, mẹ bầu nên tránh xa những loại thực phẩm này.
4. Thực hiện chế độ ăn BRAT & CRAM
Chế độ ăn BRAT (Bananas, Rice, Apple sauce and Toast: chuối, gạo, nước sốt táo và bánh mì nướng) có thể làm dịu hệ thống tiêu hóa, giúp đẩy lùi tình trạng tiêu chảy. Trong khi đó, chế độ ăn uống CRAM bao gồm (cereal, rice, apple sauce and milk: ngũ cốc, gạo, nước sốt táo và sữa) cũng mang lại tác dụng tương tự, những những thực phẩm này tương đối tốt hơn vì chúng cung cấp hàm lượng protein tốt hơn.
Nếu bà bầu đi ngoài nhiều lần trong ngày và tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày hoặc đi kèm một số dấu hiệu khác như phân có lẫn máu hoặc mủ, sốt trên 39 độ, nôn thường xuyên, đau dữ dội ở trực tràng hoặc bụng, có các triệu chứng mất nước (đau đầu, chóng mặt, môi khô, ít đi tiểu hơn,...) thì bà bầu nên tới bệnh viện thăm khám để có phương pháp điều trị thích hợp.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/mang-thai/ba-bau-di-ngoai-nhieu-lan-trong-ngay-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-c383a422581.html