Kháng thể từ tiêm vaccine Pfizer ở người cao tuổi giảm mạnh sau nửa năm
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Bệnh viện Đại học Clinic, Viện Nghiên cứu Y tế INCLIVA, Valencia, Tây Ban Nha, thực hiện, công bố trên medRxiv và đang chờ phản biện. Nhóm tác giả đánh giá phản ứng kháng thể, chức năng của tế bào T sau 6 tháng tiêm vaccine Pfizer.
Các tác giả đã phân tích dữ liệu trên 46 người cao tuổi ở viện dưỡng lão. Trong đó, độ tuổi trung bình là 89, 44 người là nữ. Những người tham gia được lấy mẫu máu sau 179-195 ngày (trên dưới 6 tháng) tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer. Kháng thể từ vaccine Pfizer của họ được so sánh với thời điểm 17,5 ngày sau tiêm vaccine mũi thứ 2.
Nhóm nghiên cứu đo nồng độ của immunoglobulin G (IgG) và IgM - hai kháng thể chống lại protein đột biến SARS-CoV-2 (S), nucleocapsid (N). Trong số tình nguyện viên trên, 33 người có kết quả dương tính với nCoV khi xét nghiệm rRT-PCR. 10 người có kháng thể đặc hiệu N, 45 người có kháng thể đặc hiệu S.
Nghiên cứu phát hiện các kháng thể giảm 5 lần (chỉ còn 20%) so với thời điểm ban đầu. Sự suy giảm phổ biến nhất ở người chưa từng mắc Covid-19, cao hơn nhiều lần so với các F0 đã khỏi bệnh.
Dữ liệu về tế bào T interferon-γ (IFN-γ) đặc hiệu lần lượt ghi nhận là 82,6% (thời điểm đầu của nghiên cứu) và giảm xuống còn 73,9% (sau 6 tháng). Con số này ở tế bào T IFN-γ CD8+ giảm từ 72% xuống 52,1% sau thời gian tương tự.
Nhóm tác giả phát hiện hai tế bào trên có độ bền thấp, khiến các xét nghiệm kháng thể không thể phát hiện trong 16/33 F0. Trong khi đó, tế bào T CD4+ có sự gia tăng từ 26% ở thời điểm đầu lên 65,2% sau 6 tháng tiêm hai mũi vaccine Pfizer.
Kết quả cũng có sự khác nhau giữa những người chưa từng mắc Covid-19 và hồi phục sau khi nhiễm nCoV. Với những người đã hồi phục, khả năng có tế bào CD8+ và CD4+ cao hơn. Trong khi đó, CD8+ giảm đáng kể theo thời gian ở cả hai nhóm nghiên cứu - điều này ngược lại với CD4+.
Nhóm tác giả Tây Ban Nha phát hiện sau 6 tháng, mức độ kháng thể tạo ra nhờ vaccine Pfizer chỉ còn 20% ở những người cao tuổi. Ảnh: Shutter Stock. |
Từ những dữ liệu này, nhóm tác giả kết luận người cao tuổi sau tiêm hai mũi Pfizer có sự suy giảm đáng kể theo thời gian, chỉ còn bằng 1/5 so với thời điểm ban đầu. Do đó, họ càng củng cố đề xuất tiêm vaccine Covid-19 liều tăng cường (mũi 3) cho những người cao tuổi. Liều này cần được trì hoãn tối đa 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 hoặc khỏi Covid-19.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có hạn chế là kích thước mẫu nhỏ, thiếu nhóm đối chứng phù hợp. Do đó, các phản biện cho rằng công trình cần mở rộng để bảo vệ quan điểm nói trên.
Hiện tại, Cố vấn Chiến lược về Tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nhóm nên được tiêm một liều bổ sung là những người bị suy giảm miễn dịch ở mức trung bình và nghiêm trọng. Bởi những người này ít có khả năng đáp ứng đủ nếu chỉ tiêm chủng theo mức tiêu chuẩn và họ cũng có nguy cơ cao trở thành ca bệnh nặng Covid-19.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện cho phép tiêm liều thứ ba của vaccine mRNA (Pfizer-BioNTech và Moderna) cho một số người có hệ miễn dịch suy yếu.
Tế bào IFNγ là cytokine quan trọng với khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi chống lại virus, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và protozoal.
Trong khi đó, tế bào T CD8+ có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào bất thường như tế bào nhiễm virus, ung thư. Nó còn tiết ra các cytokine như IFN-γ và TNF-α giúp hoạt hóa những tế bào miễn dịch khác tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch.
Số lượng tế bào CD4+ cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Đây là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể giúp bạn chống lại các mầm bệnh, bao gồm nhiễm khuẩn và siêu vi.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/khang-the-o-nguoi-cao-tuoi-giam-manh-sau-nua-nam-tiem-vaccine-pfizer-post1270340.html