Israel có thực sự bảo vệ thường dân vô tội ở Gaza?
Lực lượng đặc nhiệm Israel cuối tuần qua tiến hành cuộc đột kích táo bạo vào trại tị nạn Nuseirat ở Gaza, giải cứu thành công 4 con tin nước này đang bị Hamas giam. Tuy nhiên, chiến dịch cũng đã khiến ít nhất 274 người Palestine thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, theo thống kê của cơ quan y tế Dải Gaza.
Số thương vong trong cuộc giải cứu con tin của Israel đã làm dấy lên nhiều con hỏi về việc liệu Tel Aviv có thực sự nỗ lực bảo vệ thường dân vô tội trong cuộc chiến chống Hamas ở Gaza hay không.
Không rõ có bao nhiêu trong số thương vong trên là các thành viên Hamas hoặc bao nhiêu người thiệt mạng vì hỏa lực của Israel, song cơ quan y tế địa phương cho biết họ gồm nhiều phụ nữ và trẻ em.
Các nhân chứng cho biết họ bị sốc trước quy mô và mức độ của cuộc tấn công và cuộc đột kích đã tăng thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã bị tàn phá của Gaza.
4 con tin Israel mới được cứu bị Hamas giam trong các trại tị nạn đông người, giống như lời kể của những con tin được thả theo thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 11 năm ngoái. Liên quan tới cuộc đột kích này và các hoạt động khác trong 8 tháng chiến dịch, Israel nói rằng Hamas phải chịu trách nhiệm về thương vong dân thường vô tội vì đã giam giữ con tin và xây dựng cơ sở quân sự trong các khu vực dân sự.
"Mỗi người dân thiệt mạng trong cuộc chiến này đều là hệ quả hành động của Hamas", Peter Lerner, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nói.
Lực lượng cứu hộ cố gắng dập lửa sau cuộc đột kích vào trại tị nạn Nuseirat, Gaza ngày 8/6. Ảnh: Anadolu Agency
Tuy nhiên, các chuyên gia luật quốc tế cho rằng đây không thể là lời bào chữa cho những hành động gây tổn hại tới dân thường của Israel. Họ cho rằng Israel đáng lẽ phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể có để ngăn thiệt hại với người dân Gaza khi tiến hành chiến dịch đột kích.
Nguyên tắc cân bằng trong luật nhân đạo quốc tế không cho phép quân đội gây thương vong cho dân thường vượt quá mức so với lợi ích có thể đạt được từ các hoạt động quân sự.
"Bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình, dù đối thủ của bạn vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Thiệt hại có thể dự đoán với dân thường không tương xứng với mục tiêu giải cứu 4 con tin", Adil Haque, giáo sư luật tại Trường Luật Rutgers ở Mỹ, nói.
Mức độ nghiêm trọng của cuộc đột kích Nuseirat tiếp tục trở thành tâm điểm, khi các nhân chứng chia sẻ nhiều thông tin về ngày hôm đó.
Nasrallah Mutwawa, 30 tuổi, kể rằng em trai anh tên Omar ngày 8/6 đang ở nhà khi những tiếng súng đầu tiên của cuộc tập kích vang lên. Omar đã vội chạy ra ngoài giúp đỡ những người bị thương.
"Chúng tôi không biết rằng tình hình lại nguy hiểm như vậy", Nasrallah nói.
Khoảng một tiếng sau, khi tình hình tạm lắng, Nasrallah đi tìm em trai khắp nơi, nhưng chỉ thấy đôi dép của Omar. Anh sau đó phát hiện thi thể không nguyên vẹn của em trai bị thổi bay tới vị trí cách nhà khoảng 300 m.
Abdel Hamid Ghorab, nhân viên y tế 33 tuổi, đang làm ca cuối tuần tại phòng khám phụ sản al-Awda, hiện được tận dụng làm bệnh viện tạm thời, thì bom đạn Israel liên tục dội xuống với cường độ chưa từng thấy. Ghorab kể đã giúp di chuyển hơn 100 bệnh nhân bị thương nặng, trong đó có trẻ em, tới bệnh viện al-Aqsa lớn hơn.
IDF giải thích họ chỉ sử dụng hỏa lực mạnh sau khi một nhóm đặc nhiệm bị Hamas tấn công và một sĩ quan Israel thiệt mạng sau cuộc đấu súng với nhóm vũ trang.
"Trong mọi cuộc chiến, bạn đều có thể rơi vào tình huống lực lượng của mình bị mắc kẹt và việc tìm cách thoát khỏi tình huống đó không phải là tội ác chiến tranh", Pnina Sharvit Baruch, cựu cố vấn quân đội Israel về luật pháp quốc tế, nói.
Tuy nhiên, giáo sư Haque cho rằng các chỉ huy Israel rõ ràng đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. "Họ đã lên kế hoạch cho tình huống này và đã chuẩn bị sẵn lực lượng yểm trợ trên không cũng như dưới mặt đất. Kịch bản này không nằm ngoài dự đoán của họ", ông nói.
Người dân Palestine đi lại trên đống đổ nát tại trại tị nạn Nuseirat, miền trung Gaza sau chiến dịch của đặc nhiệm Israel ngày 8/6. Ảnh: AFP
IDF được cho là đã chọn thực hiện cuộc đột kích ban ngày để tối đa hóa yếu tố bất ngờ. Điều đó cũng đồng nghĩa những con đường chật hẹp ở Nuseirat có đông người qua lại hơn và nguy cơ gây thương vong lớn cũng cao hơn.
Khi Israel tiến hành cuộc tấn công ở miền nam Gaza, hàng nghìn gia đình đã chạy trốn tới miền trung, trong đó có Nuseirat, với hy vọng có nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, mọi nơi ở Gaza dường như đều không an toàn, theo các nhà quan sát.
"Con số thương vong đủ để đặt ra câu hỏi về việc liệu tên lửa có đang được sử dụng bừa bãi hay không. Song chúng ta cũng cần biết chính xác những gì đã xảy ra", Michael Sfard, luật sư Israel chuyên về luật nhân đạo quốc tế, nói.
Ông thêm rằng câu hỏi chính là liệu các mục tiêu đó có hợp pháp hay không, không lực có được sử dụng đúng với mục tiêu quân sự tiềm năng hay là bắn phá bừa bãi trong khu vực đông dân cư.
Các nhà phân tích cho rằng sẽ khó tìm ra câu trả lời cho tới khi chiến tranh kết thúc và những nhà điều tra tiếp cận được Gaza. Tuy nhiên, Israel đã phải chịu áp lực pháp lý ngày càng lớn vì những hành động của họ ở Gaza. Tháng trước, công tố viên trưởng của Tòa Hình sự Quốc tế tuyên bố đang xin lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.
Ông Netanyahu gọi quyết định này là "trò hề", cam kết nó sẽ không thể ngăn Israel tiến hành "cuộc chiến chính nghĩa" chống Hamas.
"Chúng tôi đã cố gắng tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã gửi email cho lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar để yêu cầu thả con tin", thiếu tướng David Tsur, cựu chỉ huy đơn vị Yamam đóng vai trò hàng đầu trong chiến dịch giải cứu con tin, cho hay, song thêm rằng "tiếc là chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào".
Thế khó sẽ gia tăng với Israel sau khi Ủy ban Điều tra Liên Hợp Quốc (COI) ngày 12/6 công bố hai báo cáo song song, gồm cuộc điều tra về việc Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023 và chiến dịch quân sự đáp trả của Tel Aviv.
Các cuộc điều tra trình bày đánh giá về giai đoạn đầu xung đột tới tháng 12/2023, cho thấy cả Israel và Hamas đều phạm tội ác chiến tranh như tra tấn, giết người, xúc phạm nhân phẩm, đối xử vô nhân đạo. Israel bị kết luận phạm thêm tội ác gồm sử dụng nạn đói như một phương thức chiến tranh, chặn nguồn cung thiết yếu cho người dân Gaza.
"Số thương vong dân sự lớn ở Dải Gaza và việc phá hủy quy mô lớn các vật thể, cơ sở hạ tầng dân sự là kết quả của một chiến lược mang mục đích gây thiệt hại tối đa, bất chấp nguyên tắc phân biệt rõ mục tiêu, đáp trả tương ứng", COI nhấn mạnh.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chien-dich-giai-cuu-con-tin-dam-mau-day-israel-vao-the-kho-4757032.html