Ukraine đặt kỳ vọng vào hội nghị hòa bình

18:00' 17-06-2024
Ukraine kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ sẽ gây đủ áp lực buộc Nga chấm dứt xung đột, song giới quan sát không lạc quan về điều này.


    Tổng thống Volodymyr Zelensky trong những tuần qua tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm thu hút thêm nhiều quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine sẽ diễn ra tại Thụy Sĩ ngày 15-16/6. Ukraine cho rằng càng nhiều nước tham dự hội nghị, áp lực với Nga nhằm chấm dứt xung đột sẽ càng gia tăng.

    Ukraine và Nga đang mắc kẹt trong cuộc chiến đẫm máu bùng phát kể từ tháng 2/2022. Nga được cho là đang giữ thế chủ động trên chiến trường, khi Ukraine phải lui về phòng thủ và hứng chịu nhiều tổn thất do nhiều tháng thiếu hụt đạn dược, vũ khí do phương Tây viện trợ.

    "Ukraine đề xuất hòa bình thông qua con đường ngoại giao", ông Zelensky nói tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2/6, thêm rằng ông mời đại diện các nước từ nhiều khu vực trên thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ để "người dân của họ tham gia vào vấn đề toàn cầu bằng cách đoàn kết chống lại chiến tranh".

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore ngày 2/6. Ảnh: AFP

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore ngày 2/6. Ảnh: AFP

    Khi xung đột bước sang năm thứ ba, ông Zelensky cũng hy vọng đưa vấn đề của Ukraine trở lại tâm điểm ngoại giao toàn cầu, sau nhiều tháng thế giới bị phân tâm vì xung đột ở Dải Gaza.

    Kiev được cho là đã gửi lời mời tới khoảng 160 quốc gia và tổ chức trên thế giới, nhưng không có Nga. Serhii Nykyforov, người phát ngôn của ông Zelensky, ngày 3/6 cho biết 107 quốc gia và tổ chức quốc tế xác nhận tham gia sự kiện sẽ diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock ở Lucerne, Thụy Sĩ.

    Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ ngày 10/6 xác nhận 90 quốc gia, tổ chức quốc tế sẽ dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Hiện chưa rõ vì sao số liệu của Ukraine và Thụy Sĩ có sự chênh lệch, nhưng giới quan sát cho rằng điều này cho thấy Kiev đã phần nào không thành công trong nỗ lực lôi kéo càng nhiều quốc gia càng tốt tới hội nghị.

    Nhà Trắng thông báo Phó tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ đại diện Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình về xung đột Ukraine, đồng nghĩa Tổng thống Joe Biden sẽ không đến sự kiện.

    Trung Quốc, đồng minh thân cận của Nga, cho biết nước này "khó có thể tham gia", do hội nghị không đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh rằng mọi cuộc đàm phán hòa bình đều phải có mặt cả Nga và Ukraine. Tổng thống Zelensky gần đây cáo buộc Trung Quốc "cản trở" các nước khác tham dự sự kiện, nhưng Bắc Kinh bác bỏ.

    Ukraine quyết định không mời Nga tham dự hội nghị tại Thụy Sĩ vì không tin tưởng Moskva, sau khi chứng kiến chiến dịch của Nga đã khiến hàng chục nghìn người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa ở nước này. Lực lượng Nga được cho đang kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine.

    Ukraine cho biết Nga có thể được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai để thảo luận về cách chấm dứt xung đột, song theo các điều khoản của Kiev.

    Nga trong khi đó cũng xem hội nghị là "lãng phí thời gian". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sự kiện này sẽ "không có ý nghĩa" nếu không có sự tham gia của Nga.

    Nykyforov cho hay các cuộc đàm phán tại hội nghị năm nay dựa trên kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky, trong đó ưu tiên ba chủ đề chính gồm an ninh lương thực, an toàn hạt nhân và trao trả tất cả tù binh.

    "Ba điểm này có tiềm năng đoàn kết các nước có quan điểm khác nhau", Nykyforov nói.

    Lãnh đạo Ukraine lần đầu công bố kế hoạch hòa bình 10 điểm tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022. Nó cũng bao gồm mục tiêu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi nước này, cũng như thành lập tòa án đặc biệt để truy tố tội ác chiến tranh.

    Nga cũng nhiều lần đề cập tới những yêu cầu tối thiểu của họ cho đàm phán hòa bình, gồm phi quân sự hóa và thiết lập cơ chế trung lập cho Ukraine, cũng như yêu cầu Kiev phải chấp nhận "thực tế mới" với các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập. Song với Kiev, những điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận đầu hàng.

    Nói về mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh, ông Zelensky nói "Nga chỉ có thể bị buộc phải rời Ukraine", chứ sẽ không tự nguyện rút quân.

    Theo quan điểm của Ukraine, các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa hai nước sẽ chỉ mang lại lợi thế cho Nga, quốc gia lớn hơn rất nhiều. Moskva cũng có thể tận dụng những cuộc đàm phán như vậy để đánh lạc hướng chú ý của phương Tây, trong khi họ đẩy mạnh chiến dịch trên chiến trường.

    Tuy nhiên, Nga cho rằng mình đang có lợi thế về mặt quân sự trên chiến trường. Với việc đạt được nhiều bước tiến trong những tuần gần đây ở mặt trận Kharkov và vùng Donbass, Moskva không tin rằng họ phải đàm phán hay nhượng bộ Kiev.

    Sergey Radchenko, giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins (SAIS), giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine vẫn là điều xa vời, bất chấp nhiều nỗ lực. "Người Nga rõ ràng vẫn hy vọng chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến này, trong khi Ukraine muốn tập hợp sự ủng hộ của phương Tây để trường kỳ đấu tranh với Nga", ông nói.

    Radchenko cũng không lạc quan về triển vọng thành công của hội nghị thượng đỉnh sắp tới khi Nga không tham gia.

    "Bất cứ thỏa thuận ngừng bắn hay hiệp ước hòa bình nào cũng sẽ phải có sự tham gia của Nga. Không có cách nào khác, bởi quá trình đàm phán thiếu một bên chủ chốt sẽ chỉ là nỗ lực tăng đoàn kết, chứ không phải cuộc đàm phán thực sự", ông nói.

    Giới chuyên gia tin rằng hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ sẽ là cơ hội để Ukraine và các nước phương Tây lôi kéo sự ủng hộ quốc tế lớn hơn với Kiev, từ đó tăng áp lực ngoại giao với Moskva. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao tham gia chuẩn bị sự kiện lo ngại hội nghị lần này có nguy cơ trở thành diễn đàn của phương Tây, nếu không có nhiều nước đang phát triển tham gia.

    "Tôi không nghĩ rằng khi gạt Nga sang một bên, mục tiêu tập hợp các nước ở châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ sẽ thành công", Radchenko cho hay.

    Khung cảnh đổ nát sau cuộc tập kích của Nga ở Kharkov, Ukraine ngày 5/5. Ảnh: Reuters

    Khung cảnh đổ nát sau cuộc tập kích của Nga ở Kharkov, Ukraine ngày 5/5. Ảnh: Reuters

    Giáo sư Radchenko nhấn mạnh muốn đạt được đột phá, đàm phán hòa bình sẽ phải được tổ chức giữa một nhóm nhỏ các nước liên quan theo quy trình, giai đoạn lâu dài, điều không diễn ra trong hội nghị lần này ở Thụy Sĩ. "Những gì chúng ta đang thấy là một sự kiện được quảng bá rầm rộ với số lượng lớn các bên tham gia", ông nói.

    Hội nghị hòa bình diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine. Trong bối cảnh lực lượng Nga đạt được nhiều bước tiến trong vài tuần gần đây, Tổng thống Zelensky rất cần một sự kiện lớn được tổ chức như ở Thụy Sĩ để cho thấy thế giới vẫn đứng về phía Ukraine, theo Bilahari Kausikan, cựu nhà ngoại giao Singapore.

    "Hội nghị hòa bình đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thể hiện ủng hộ chính trị và ngoại giao vào thời điểm Ukraine đang yếu thế trên chiến trường", thay vì tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho xung đột, Kausikan nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?
Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ky-vong-cua-ukraine-voi-hoi-nghi-hoa-binh-o-thuy-si-4754440.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ