Iran có tân Tổng thống
Ngày 6-7, Bộ Nội vụ Iran thông báo rằng cựu Bộ trưởng Y tế nước này - ông Masoud Pezeshkian đã giành chiến thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Iran, chính thức trở thành nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, theo hãng thông tấn Iran Press TV.
Từ bác sĩ phẫu thuật tới tổng thống Iran
Ông Pezeshkian sinh ngày 29-9-1954 tại TP Mahabad (tây bắc Iran), có cha là người Azerbaijan và mẹ là người Kurd.
Chính trị gia 70 tuổi này xuất thân là một bác sĩ, từng phục vụ trong chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980. Ông Pezeshkian sau đó trở thành bác sĩ phẫu thuật tim và làm hiệu trưởng ĐH Y khoa Tabriz (Iran). bi kịch xảy ra với ông Pezeshkian vào năm 1994 khi vợ và con gái của ông thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông. Vị bác sĩ không tái hôn mà một mình nuôi hai người con còn lại.
Ông Pezeshkian tham gia chính trường lần đầu tiên với tư cách là thứ trưởng y tế và sau đó là bộ trưởng y tế dưới thời Tổng thống Iran Mohammad Khatami.
Năm 2006, ông Pezeshkian trở thành thành viên quốc hội Iran và đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch quốc hội Iran từ năm 2016 đến năm 2020. Ông Pezeshkian từng đăng ký làm ứng cử viên tổng thống vào năm 2013 nhưng rút lui sau đó. Đến năm 2021, chính trị gia này cố gắng tranh cử tổng thống lần nữa nhưng bị Hội đồng Giám hộ Iran loại khỏi danh sách ứng viên.
Trong số các ứng viên của cuộc đua tổng thống Iran lần này, ông Pezeshkian là người duy nhất không theo đường lối bảo thủ, vốn công khai ưu tiên các giá trị của Cộng hòa Hồi giáo Iran trên tất cả.
Chương trình nghị sự cởi mở
Trong khi vận động tranh cử tổng thống, ông Pezeshkian ủng hộ các cải cách xã hội và kinh tế hạn chế. Chính trị gia này cam kết sẽ nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cũng như dỡ bỏ lệnh trừng phạt từ phương Tây, đã và đang làm tê liệt nền kinh tế Iran, bằng cách cởi mở hơn trong với thế giới.
“Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tiếng nói của những người yếu thế trong xã hội được quan tâm. Chúng ta sẽ làm cho đói nghèo, phân biệt đối xử, chiến tranh, dối trá và tham nhũng biến mất khỏi đất nước này” - ông Pezeshkian nói trong một cuộc vận động tranh cử tuần này.
Ông Pezeshkian cam kết sẽ thu hẹp khoảng cách giữa người dân và chính phủ Iran.
Tờ The Washington Post dẫn nhận định của ông Mehrzad Boroujerdi, nhà phân tích về Iran tại ĐH Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ), rằng chiến thắng của ông Pezeshkian đã cho thấy ông có thể thu hút được sự ủng hộ từ các cử tri có quan điểm khác nhau trong xã hội Iran, bao gồm cả những người theo chủ nghĩa cải cách và những người theo chủ nghĩa bảo thủ.
Theo tờ Financial Times, chiến thắng của ông Pezeshkian là một bước ngoặt đáng chú ý đối với phe cải cách khi phe này không có đại diện nào thắng cử tổng thống Iran trong hai thập niên qua.
Thách thức chờ đợi tân tổng thống
Ông Masoud Pezeshkian vận động cử tranh cử tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 5-7. Ảnh AP
Dù là người theo đường lối cải cách nhưng các chuyên gia cho rằng ông Pezeshkian sẽ không cố gắng đảo lộn tình hình hiện tại ở Iran vì bất kỳ nỗ lực cải cách nào cũng có khả năng phải đối mặt với sự phản kháng mạnh mẽ từ những người theo đường lối cứng rắn.
“Những người bảo thủ sẽ cố gắng tạo ra trở ngại cho ông ấy ngay từ ngày đầu tiên. Ông ấy sẽ không có tuần trăng mật khi trở thành tổng thống. Họ có thể sẽ kìm hãm bất cứ điều gì ông Pezeshkian cố gắng làm” - nhà phân tích Boroujerdi nhận định.
Những người bảo thủ vẫn kiểm soát quốc hội Iran, thông qua luật pháp và bổ nhiệm bộ trưởng. Bên cạnh đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và các thực thể quyền lực khác cũng nắm giữ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia Tây Á này.
Nhà phân tích người Iran Saeed Laylaz cho rằng để tránh gây tranh cãi, tân tổng thống Iran “sẽ không động đến các khía cạnh chính trị” nhưng sẽ “cải thiện các khía cạnh xã hội và kinh tế”, và sẽ ủng hộ lãnh tụ tối cao Khamenei.
Bên cạnh đó, về đối ngoại, các nhà quan sát cũng cho rằng mục tiêu của tân tổng thống trong việc cải thiện quan hệ với phương Tây cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh Mỹ đang trong cuộc bầu cử tổng thống khó đoán định còn phương Tây vẫn giữ thái độ nghi ngại với Iran vì cho rằng Tehran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân cũng như chuyển giao vũ khí cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3691545