Hàng loạt quốc gia áp hạn chế đi lại vì chủng Omicron

13:00' 01-12-2021
Biến chủng Omicron cho thấy thế giới vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng dịch và thúc đẩy tiêm chủng, dù đã mệt mỏi với Covid-19.


    Omicron đến nay đã khiến hàng loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp nó vào hàng "biến chủng đáng lo ngại". Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hôm 27/11 rằng nước này chưa ghi nhận ca bệnh nào nhiễm biến chủng này. "Nhưng nhiều khả năng chúng ta sẽ phát hiện ra nó", tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho hay.

    Tiến sĩ Tulio de Oliveira tại Trường Y Nelson Mandela ở Durban, Nam Phi. Ông và các thành viên trong nhóm của mình là những người đã công bố phát hiện về biến chủng Omicron. Ảnh: NYTimes.

    Tiến sĩ Tulio de Oliveira tại Trường Y Nelson Mandela ở Durban, Nam Phi. Ông và các thành viên trong nhóm của mình là những người đã công bố phát hiện về biến chủng Omicron. Ảnh: NYTimes.

    "Chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực sử dụng các công cụ đang có, đó là tiêm chủng và tiêm vaccine tăng cường, cũng như đảm bảo rằng chúng ta sẽ đưa vaccine đến với phần còn lại của thế giới", ông hôm qua nói với CNN.

    "Chúng ta đồng thời cần chú ý đến những chiến lược phòng dịch như đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín với người chưa tiêm chủng và giữ khoảng cách, mặc dù người dân đã chán ngấy chúng", Collins lưu ý. "Tôi biết mọi người đã quá chán nghe những điều này. Nhưng virus không biết mệt và chúng đang biến đổi".

    Khi virus tiếp tục lây lan, các đột biến mới xuất hiện và những biến chủng mới ra đời là điều không thể tránh khỏi.

    Tiến sĩ Ashish Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown cho biết: "Chúng tôi đã thấy rất nhiều biến chủng xuất hiện trong vòng 5, 6 tháng qua và hầu hết chúng không gây tác động đáng kể. Nhưng biến chủng lần này có vẻ khác", tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, Mỹ, cho hay.

    Theo các nhà khoa học Nam Phi, biến chủng Omicron có số lượng đột biến cao bất thường, với hơn 30 đột biến chỉ riêng trong protein gai. Các protein hình gai là cấu trúc được virus sử dụng để xâm nhập vào những tế bào mà chúng tấn công.

    Bên cạnh đó, nó còn có "hơn 10" đột biến nằm trên vùng liên kết thụ thể, "liên kết với các tế bào trong họng, mũi và phổi", nhà dịch tễ học hàng đầu Mỹ Anthony Fauci giải thích. "Nói cách khác, cấu trúc của biến chủng mới cho thấy nó có thể có khả năng lây nhiễm mạnh".

    Khi xem xét các biến chủng khác, các chuyên gia nhận thấy thường phải mất vài tháng để những chủng đó trở thành chủng trội ở một khu vực. Omicron "rất nhanh chóng trở thành chủng trội tại một số khu vực ở Nam Phi, chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần, thay vì vài tháng", tiến sĩ Jha nói. "Hiện tại, số ca mắc ở Nam Phi khá thấp. Nhưng tốc độ diễn tiến thực sự không giống bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trước đây".

    Theo tiến sĩ Collin, hiện chưa rõ liệu chủng Omicron có dễ lây lan hơn chủng Delta hay không. "Chắc chắn có những dấu hiệu cho thấy nó lây lan nhanh chóng. Những chúng tôi chưa biết liệu nó có thể cạnh tranh với Delta hay không".

    Cũng chưa rõ liệu biến chủng Omicron có khiến bệnh trở nặng hơn hay không, ông lưu ý.

    Tiến sĩ, nhà dịch tễ học Celine Gounder, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, kết luận "điểm cốt yếu rút ra là vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về Omicron".

    Ngày càng nhiều quốc gia đã báo cáo về các ca nhiễm biến chủng Omicron. Theo giáo sư William Schaffner từ Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, "có vẻ Omicron sẽ xuất hiện khắp thế giới", buộc các nước phải tái áp đặt những biện pháp giảm thiểu lây nhiễm nghiêm ngặt.

    "Chúng ta sẽ bước vào giai đoạn người dân lại phải đeo khẩu trang nhiều hơn, giữ khoảng cách với nhau nhiều hơn, đối mặt nhiều hạn chế hơn, đồng thời phải có nghĩa vụ hơn đối với tiêm chủng", ông nhấn mạnh.

    Trong khi các nhà sản xuất đang thử nghiệm tác dụng của vaccine trước biến chủng Omicron, giới chuyên gia y tế khẳng định điều quan trọng nhất lúc này là bất kỳ ai đủ điều kiện nên lập tức đi tiêm chủng hoặc tiêm mũi tăng cường.

    "Điều tốt nhất mọi người có thể làm để bảo vệ mình ngay bây giờ là nếu chưa tiêm phòng, hãy đi tiêm", Gounder nói. "Nếu đây thực sự là một biến chủng có khả năng né miễn dịch, vẫn có lợi khi ta tiêm thêm một liều vaccine hoặc liều tăng cường".

    Người dân xếp hàng để lên chuyến bay rời khỏi Nam Phi tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, ngày 26/11. Ảnh: AP.

    Người dân xếp hàng để lên chuyến bay rời khỏi Nam Phi tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg, ngày 26/11. Ảnh: AP.

    Hãng Moderna lo ngại Omicron có thể là một thách thức. "Sự kết hợp của các đột biến cho thấy nguy cơ đáng kể khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc miễn dịch do vaccine tạo ra bị suy yếu trước virus", công ty cho biết hôm 26/11.

    Nhưng tiến sĩ Jha cho rằng biến chủng mới xuất hiện không có nghĩa "vaccine sẽ trở nên vô dụng hoàn toàn".

    "Câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ chỉ tạo ra những tác động nhỏ tới hiệu quả của vaccine hay sẽ gây ảnh hưởng lớn", ông lưu ý.

    Dù có hay không chủng Omicron, nhiều nơi trên thế giới hiện vẫn phải chật vật đối phó với biến chủng Delta. "Tôi nghĩ chúng ta cần chuẩn bị tinh thần rằng virus vẫn kiểm soát cuộc sống của chúng ta", Schaffner nói. "Ta cần đối phó với chúng một cách rất, rất nghiêm túc. Hãy thắt chặt dây an toàn".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chung-omicron-giong-hoi-chuong-canh-tinh-ve-covid-19-4395805.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ