Em bé sơ sinh hoại tử ruột, nghi do bố pha sữa quá nhiều vì lo con đói
Bé sinh non bị hoại tử ruột, nghi do người bố pha quá nhiều sữa bột
Pha sữa bột là kỹ năng cơ bản nhất và đơn giản nhất mà mọi cha mẹ cần phải biết. Tuy nhiên thực tế không phải bất cứ cha mẹ nào cũng nắm rõ cách pha sữa cho con. Một tổ chức đã từng thực hiện một cuộc khảo sát, chỉ có 20% những người mới làm cha mẹ quen với việc pha sữa bột, gần 30% còn lúng túng và 50% hoàn toàn phụ thuộc vào người giúp việc và người già.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng việc pha sữa bột chỉ đơn giản là cho bột vào nước rồi lắc qua lại là xong. Thực tế đã chứng minh rằng việc xem nhẹ quá trình pha sữa bột, quá tùy tiện có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe.
Đứa trẻ sinh non mới được nửa tháng tuổi đã bị viêm ruột hoại tử.
Cách đây ít lâu, một em bé mới sinh được nửa tháng tuổi ở Ôn Châu, Trung Quốc được chẩn đoán mắc chứng hoại tử ruột, nghi ngờ do cách pha sữa bột không đúng cách của người cha. Lý do là vì người cha thấy lượng sữa bột pha hàng ngày ít quá nên quyết định cho thêm một thìa sữa bột vào sữa của con.
"Mỗi lần pha sữa bột cho con, tôi đều cố ý thêm vài thìa nữa, hy vọng con sẽ được ăn no", người cha chia sẻ. Mặc dù ý định của người cha là tốt nhưng lại bỏ qua nhu cầu sữa của trẻ. Đến khi thấy bé có các biểu hiện như chướng bụng, nôn trớ, bụng cứng mới đưa đến bệnh viện khám thì phát hiện 35cm ruột non đã chuyển sang màu đen. Đứa trẻ đã bị viêm ruột hoại tử.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non như ruột và hệ miễn dịch chưa trưởng thành, hàng rào niêm mạc ruột và vi tuần hoàn bị suy giảm, tuần hoàn không ổn định, phản ứng viêm,...
Nghi ngờ nguyên nhân có thể do người cha pha sữa quá đậm đặc trong khi con sinh non, cơ thể còn yếu. (Ảnh minh họa)
Cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học uy tín nào chỉ ra rằng nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là do uống sữa pha quá đậm đặc. Nhưng do trẻ sinh non, khả năng tiêu hóa và hấp thụ sữa công thức còn yếu, nếu pha sữa không đúng liều lượng, công thức theo hướng dẫn của bác sĩ có thể khiến carbohydrate và lipid không được tiêu hóa hết nên có thể sẽ bị vi khuẩn đường ruột lên men tạo ra các chất khử, axit hữu cơ, axit béo chuỗi ngắn, carbon dioxide, hydro và các sản phẩm khác. Những chất này có thể gây tổn thương niêm mạc của em bé, có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh.
Pha sữa bột cho trẻ dù thừa hay thiếu đều nguy hiểm
Nhiều cha mẹ thường nghĩ pha sữa bột quá đơn giản nhưng chính điều này lại quyết định đến sức khỏe của con trẻ. Pha sữa cho trẻ dù thừa hay thiếu một thìa cũng đều không được. Nếu bạn nhìn vào hướng dẫn ở nhãn dán trên sữa bột sẽ thấy mỗi hộp sữa đều có ghi rõ tỉ lệ sữa công thức, số thìa tương ứng với số tháng tuổi của trẻ, ngoài ra còn có các loại thìa đo đặc biệt để kiểm soát tỷ lệ.
Đối với trẻ nhỏ, thêm một thìa sữa bột là một vấn đề lớn. Tất cả các cơ quan của trẻ sơ sinh đều rất mỏng manh, và ruột của trẻ có khả năng chịu áp lực thẩm thấu vẫn còn hạn chế.
Nếu bạn cho con uống quá nhiều sữa bột sẽ làm mất cân bằng áp suất thẩm thấu của hệ tiêu hóa, và cuối cùng là viêm ruột hoại tử cấp tính, cũng như các nguy cơ khác:
- Gây gánh nặng cho thận của em bé
- Dẫn đến cho ăn quá nhiều
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa
- Ảnh hưởng đến đường máu của bé
- Ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ nước của bé
Nếu việc uống thừa sữa bột trong thời gian dài còn có thể gây sốt, có máu trong phân và các triệu chứng khác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Pha sữa bột cho trẻ cần đúng tỷ lệ, không được thừa hay thiếu. (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, pha sữa bột quá loãng cũng sẽ không tốt. Từ 0 đến 1 tuổi, sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ, sữa quá loãng sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Hơn nữa sữa quá loãng tức là phần sữa bột ít hơn phần nước, uống quá nhiều nước cũng khiến nước không đào thải được qua thận, dẫn tới tình trạng thường gọi là nhiễm độc nước ở trẻ.
Vì vậy, hãy làm mọi thứ theo quy tắc và đừng bỏ qua hướng dẫn trên hộp sữa.
Một số điều cần lưu ý khi pha sữa bột cho trẻ
Pha sữa bột nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất đó là một công việc đòi hỏi phải chính xác. Bạn cần phải lưu ý những điều sau:
- Trình tự pha sữa bột là cho nước vào trước sau đó đổ sữa bột vào. Tránh cho sữa bột vào trước rồi mới pha nước vì có thể làm lượng nước không chính xác, nếu cho lượng nước ít thì nồng độ sữa bột sẽ cao hơn, không tốt cho bé. Và nếu bạn cho sữa bột vào trước rồi mới đổ nước vào thì sữa bột sẽ dễ bị vón cục và không dễ tan.
- Lấy chuẩn lượng sữa bột. Lấy lượng bột bằng đúng thể tích thìa, không múc đầy tràn và cũng không múc thiếu.
- Sau khi cho sữa bột vào nước, xoay bình sữa theo chiều ngang. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng lắc mạnh bình sữa lên xuống sẽ giúp bột hòa tan. Mặc dù cách làm này sẽ làm tan hoàn toàn nhưng cũng sẽ làm tăng bọt trong sữa, sau khi uống, trẻ dễ bị nấc, trào sữa, đầy hơi và các vấn đề khác.
Cách đúng là bạn nên cầm bình sữa trẻ em trong lòng bàn tay và vặn trái phải, giống như xoa tay khi bị lạnh vào mùa đông.
- Không thêm bất kỳ thành phần nào vào sữa bột.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/em-be-nua-thang-tuoi-bi-hoai-tu-ruot-nghi-do-bo-them-1-thia-sua-bot-khi-pha-sua-c131a451240.html