Dấu hiệu nhận biết bé bị cận thị và cách phòng bệnh cho con trẻ

20:00' 27-06-2022
Cận thị là bệnh lý ngày càng phổ biến ở trẻ tuổi đi học. Vào mùa hè, khi trẻ nghỉ học ở nhà, dễ tiếp cận với TV, máy tính, nỗi lo của phụ huynh về nguy cơ con bị cận thị càng lớn. Vậy làm thế nào để phòng tránh cận thị cho trẻ? 


    Ngày nay, tỷ lệ cận thị ở trẻ em đang tăng do điều kiện sống, học tập, vui chơi khiến mắt trẻ thường xuyên phải nhìn gần, trong không gian chật hẹp. Theo các thống kê, lứa tuổi mắc cận thị nhiều nhất là 11- 16. Bệnh thường  được phát hiện khi trẻ bước vào lớp đầu cấp, chẳng hạn như lớp 6, lớp 10 - thời điểm gia đình và nhà trường thường khám tầm soát cho trẻ.

    Cận thị là gì? 

    Cận thị (Myopia, Nearsightedness) là tật khúc xạ thường gặp nhất ở mắt, hay gặp ở học sinh và người lao động trẻ.

    Khi bị cận thị, hình ảnh sẽ được hội tụ trước võng mạc thay vì hội tụ ở võng mạc như mắt bình thường. 

    Những cách phòng chống cận thị ở trẻ em - VNKid - Đồng hành cùng trẻ em Việt

    Cận thị gây khó khăn cho trẻ trong học tập, vui chơi. (Ảnh minh họa)

    Các chuyên gia về mắt cho biết, hệ thống thị giác của con người được cấu tạo để thực hiện các chức năng nhìn xa là chủ yếu. Khi nhìn gần quá mức, mắt luôn phải điều tiết mệt mỏi và dẫn đến hiện tượng thích nghi với nhìn gần, gây gia tăng độ cận thị, làm suy giảm khả năng nhìn xa của mắt.

    Nếu không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tật cận thị sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến lác và nhược thị. Với trẻ em, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ bởi 80% lượng thông tin mà não thu nhận được là qua mắt.

    Nguyên nhân gây cận thị

    Có hai nguyên nhân chính dẫn đến cận thị: 

    Cận thị do di truyền

    Nhiều trẻ bị  cận thị do yếu tố di truyền. Cha mẹ cận thị thì con cũng có thể bị cận thị. Đặc điểm của cận thị do di truyền là độ cận cao và dễ tăng nhanh, cả khi đã ở tuổi trưởng thành, có nhiều biến chứng nguy hiểm... khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân kém dù được điều trị.

    Cận thị do mắc phải

    Tình trạng này thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em ở độ tuổi 10 - 16 trong quá trình phát triển của nhãn cầu mắt. Bệnh phát triển phần lớn do trẻ học tập, nhìn gần nhiều và trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý. 

    Đặc điểm của cận thị mắc phải là mức độ cận nhẹ, bệnh tiến triển chậm, ít tăng độ, độ cận thường ổn định đến tuổi trưởng thành, ít bị biến chứng nếu bảo vệ tốt.

    Dấu hiệu trẻ cận thị

    Phụ huynh nên thường xuyên quan tâm, quan sát con để sớm phát hiện những dấu hiệu trẻ cận thị, từ đó đưa đi khám sớm và điều chỉnh kịp thời: 

    - Khi xem TV hay học ở lớp, trẻ phải chạy lại gần mới nhìn thấy, hoặc trẻ thường phải chép bài của bạn.

    - Trẻ hay nheo mắt, nghiêng đầu khi xem TV hoặc nhìn một vật ở xa.

    - Trẻ hay dụi mặt dù không buồn ngủ.

    - Trẻ nhắm một mắt khi đọc sách hoặc xem TV.

    - Kết quả học tập của trẻ giảm sút, hay chép đề bài hoặc viết chữ sai.

    - Trẻ hay kêu chói mắt, sợ ánh sáng.

    - Trẻ hay than mỏi mắt nhức đầu, hay chảy nước mắt.

    - Trẻ thích các hoạt động phải nhìn nhiều như vẽ hình, tô màu hay tập đọc hoặc các hoạt động phải nhìn xa như ném bóng...

    Trẻ có các biểu hiện trên cần được đưa đến khám tại các bệnh viện chuyên về nhãn khoa, hoặc các khoa mắt có bộ phận khúc xạ. Với những trẻ đã được chẩn đoán cận thị, cần tái khám 6 tháng một lần, bởi mắt trẻ còn thay đổi và nhiều khả năng phải thay kính.

    Bệnh cận thị ở trẻ phòng tránh thế nào cho hiệu quả? 

    Cho trẻ hoạt động ngoài trời nhiều

    Các nghiên cứu cho thấy, những trẻ nhỏ có nhiều thời gian chơi đùa ngoài trời thì ít có nguy cơ mắc cận thị hơn so với trẻ thường ở trong nhà.

    Theo một khảo sát tại Đan Mạch, trong nhóm trẻ ít tiếp xúc với ánh mặt trời nhất, độ dài trục mắt trung bình là 0,19mm, so với 0,12mm ở nhóm trẻ tiếp xúc ánh sáng mặt trời nhiều nhất. Chỉ số này càng lớn, nghĩa là tật cận thị càng nặng. Các tác giả kết luận rằng tiếp xúc với ánh mặt trời giúp trẻ tránh được tật cận thị. 

    Ngoài việc cho trẻ chơi ngoài trời nhiều, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, một số cách sau đây cũng góp phần giúp bảo vệ đôi mắt trẻ: 

    Cho mắt được nghỉ ngơi từng đợt

    Động tác đơn giản này giúp mắt được thư giãn. Cứ làm việc hoặc học tập khoảng 20 phút thì cho mắt nghỉ và nhìn ra xa 1-2 phút hoặc nhắm mắt lại khoảng 30 giây đến một phút. Nếu trong quá trình học hay làm việc mà cảm giác bị mờ nhoè, cần cho mắt nghỉ lâu và thường xuyên hơn. 

    Nên nhắc trẻ thường xuyên chớp mắt, giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng khi lớp nước mắt được trải đều trên bề mặt mắt. 

    Tránh để mắt làm việc liên tục quá 45 phút. Trẻ nên được nghỉ giữa giờ và ra ngoài chơi vui chơi thay vì ở trong nhà, trong lớp đọc truyện, chơi game. 

    Bố trí đủ sáng trong phòng

    Phòng học, nơi sinh hoạt của trẻ cần được chiếu đủ sáng, tốt nhất là bằng ánh sáng tự nhiên. Sử dụng hệ thống đèn thì nên chiếu sáng ở nhiều góc độ, tránh việc học, đọc bị khuất bóng do thiếu đèn.

    Hướng dẫn trẻ đọc và viết ở khoảng cách phù hợp

    Khoảng cách đọc sách và viết với học sinh lớn là 30-40cm. Học sinh nhỏ tuổi đọc cách khoảng 25cm. Việc đọc hoặc viết quá gần sẽ làm hệ thống thị giác phải cố gắng điều tiết, dễ mỏi mệt và gia tăng độ cận thị.

    Đảm bảo tư thế đúng

    Hướng dẫn trẻ có tư thế thẳng lưng và cổ để vừa tránh gù vẹo cột sống và tốt cho mắt. Tránh nằm đọc sách vì có thể khiến mắt khó khăn khi quy tụ, điều tiết, từ đó gây mỏi và nhức mắt. Không cho trẻ đọc sách khi đi tàu xe vì khoảng cách đọc bị thay đổi liên tục khi rung lắc rất có hại cho mắt.

    Hạn chế thời gian xem màn hình điện tử

    Tùy theo độ tuổi, nên giới hạn thời gian xem TV, điện thoại, máy tính cho trẻ, tối đa là một tiếng mỗi ngày. Nên đặt TV ở vị trí phù hợp để tránh cho trẻ nhìn quá gần, khoảng cách ít nhất gấp 4 lần đường chéo của màn hình TV. Không cho trẻ xem TV, điện thoại trong bóng tối. 

    Cho trẻ khám mắt định kỳ

    Đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt theo định kỳ khoảng 6 tháng một lần để phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời các tật khúc xạ. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn thêm cách bảo vệ đôi mắt cho trẻ. 

    Đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho cơ thể và thị lực

    Dinh dưỡng tốt góp phần giúp duy trì thị lực tốt. Các thực phẩm có màu rực rỡ thường chứa nhiều loại Vitamin như: A, E, C, B… tốt cho mắt. Bữa ăn gia đình nên thường xuyên có các món bổ dưỡng cho mắt như: Lòng đỏ trứng, quả bơ, cà rốt, trái cây họ cam quýt, khoai lang, bí đỏ, cá hồi và các loại cá béo...

     



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Braybrook College Vùng: Braybrook. Phone: 9312 2900
Xem thêm

Trường có ó uy tín về chất lượng đào tạo học sinh.


Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/dau-hieu-tre-bi-can-thi-la-gi-lam-the-nao-de-phong-benh-can-thi-cho-tre-em-c131a522496.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ