Dấu hiệu lủng củng trong nội bộ NATO
"Ông ấy đã chọc tức tôi. Điều này sẽ gây ra hậu quả ở cấp độ cá nhân", Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cuối tuần trước nói, thêm rằng ông đã viết "một thông điệp rất tức giận" gửi đến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Theo đề xuất của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, NATO tháng trước nhất trí thành lập vị trí đặc phái viên đảm nhiệm vai trò điều phối hoạt động của khối ở sườn phía nam. Chính phủ của bà Meloni khi đó cho biết Rome tin rằng một người Italy sẽ được bổ nhiệm vào vị trí mới này.
NATO chưa thông báo sẽ ai sẽ giữ chức vụ trên, song Bộ trưởng Crosetto khẳng định Tổng thư ký Stoltenberg đã đề cử một người Tây Ban Nha, nhấn mạnh ông coi đây "gần như là sự xúc phạm mang tính cá nhân".
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto tại Rome tháng 10/2023. Ảnh: AFP
"Hành động của ông ấy là sự phản bội nguyên tắc. Chính Italy đã phải đấu tranh để có thể thành lập vị trí đặc phái viên cho sườn nam", ông Crosetto nói, thêm rằng ông Stoltenberg trước đó không đồng ý thành lập vị trí này nên đã trừng phạt Italy. Đây là chỉ trích mạnh mẽ hiếm hoi của một quốc gia thành viên NATO nhằm vào quan chức đứng đầu liên minh.
Khi được hỏi về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Italy, văn phòng báo chí của NATO cho biết tổ chức này sẽ công bố việc bổ nhiệm "vào thời điểm thích hợp trong tương lai" và từ chối thông tin thêm. Tổng thư ký Stoltenberg chưa đưa ra bình luận.
NATO tháng trước chọn cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm người kế nhiệm ông Stoltenberg, người sẽ rời nhiệm sở vào ngày 1/10 sau một thập kỷ đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký NATO.
Khi được hỏi bản thân có mong đợi rằng vị trí đặc phái viên điều phối hoạt động của NATO ở sườn phía nam sẽ được giao lại cho người Italy sau khi ông Rutte lên nắm quyền hay không, ông Crosetto bày tỏ hy vọng vị trí này sẽ được trao cho "người tốt nhất".
NATO đang đẩy mạnh tăng cường phòng vệ ở sườn phía đông để đề phòng nguy cơ xung đột Nga - Ukraine lan rộng, song khối cũng lo ngại về tình hình an ninh ở sườn phía nam, nơi gần khu vực Bắc Phi, vùng Sahel, Trung Đông và Địa Trung Hải. Báo cáo do NATO xuất bản hồi tháng 5 nhấn mạnh tình hình bất ổn tại các khu vực này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới khối.
Vị trí các nước NATO. Đồ họa: Tiến Thành
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bo-truong-quoc-phong-italy-noi-gian-voi-tong-thu-ky-nato-4773057.html