Sự nghiệp chính trị dài nửa thế kỷ của ông Biden
Tổng thống Joe Biden ngày 21/7 thông báo dừng chiến dịch tái tranh cử, tin rằng điều đó mang lại lợi ích tốt nhất cho đảng Dân chủ và nước Mỹ. Ông cho biết sẽ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng thống trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Dù vẫn còn khoảng 6 tháng nắm quyền ở Nhà Trắng, quyết định này gần như đồng nghĩa ông Biden sẽ khép lại sự nghiệp chính trị ở tuổi 81, sau hơn 5 thập kỷ gia nhập chính trường Mỹ.
Ông Biden lần đầu được bầu vào Thượng viện năm 1972, khi 29 tuổi, dưới thời của tổng thống Richard Nixon. Trong suốt sự nghiệp chính trị kéo dài nửa thế kỷ, ông Biden đã theo đuổi phong cách vận động, tiếp xúc trực tiếp với người ủng hộ, cũng như tìm cách dàn xếp các thỏa thuận đằng sau hậu trường. Ông thường nói rằng "tất cả hoạt động chính trị đều mang tính cá nhân" và thường sử dụng mối quan hệ riêng để hoàn thành nhiều mục tiêu của mình.
Trong gần 12 năm ở Nhà Trắng và 36 năm tại Thượng viện, ông Biden đã trở thành một trong những sứ giả hàng đầu của đảng Dân chủ với tầng lớp trung lưu Mỹ. Dù làm việc lâu năm ở thủ đô Washington, ông Biden vẫn tìm cách duy trì hình ảnh là người gần gũi với cuộc sống bình thường.
Khi là thượng nghị sĩ, ông vẫn hàng ngày đi làm bằng tàu hỏa từ nhà ở Wilmington, bang Delaware tới thủ đô Washington và di chuyển tổng cộng hơn 3,2 triệu km trên các chuyến tàu của Amtrak. Nhà ga xe lửa ở quê nhà đã được đặt theo tên ông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc vận động tại Raleigh, Bắc Carolina ngày 28/6. Ảnh: AFP
Những thành tựu nổi bật của ông Biden khi ở quốc hội bắt nguồn từ thời gian ông làm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tư pháp. Ông đã dẫn dắt nỗ lực thông qua Đạo luật Chống bạo lực với phụ nữ năm 1994, giúp ngăn bạo lực gia đình.
Trong những năm tháng đó, ông cũng vấp chỉ trích về nhiều quyết sách, trong đó có dự luật tội phạm năm 1994 làm tăng số tội danh có thể bị kết án tử cũng như kéo dài án tù. Dự luật này ban đầu nhận được ủng hộ rộng rãi, nhưng sau đó được cho là góp phần vào tình trạng gia tăng số tù nhân, buộc chính quyền ông Obama phải hủy bỏ một số quy định trong đó.
Sau khi bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Iraq năm 2003, ông Biden đã thay đổi lập trường và trở thành người vận động chấm dứt chiến tranh. Con trai Beau Biden của ông đã từng tham chiến ở Iraq khi là thành viên lực lượng vệ binh quốc gia bang Delaware.
Ông Biden từng hai lần tranh cử tổng thống không thành công trước khi được ông Obama chọn làm phó tướng năm 2008 và trở thành phó tổng thống Mỹ trong hai nhiệm kỳ sau đó. Trong thời gian này, ông Biden đã giúp thông qua Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá phải chăng (Obamacare).
Ông đã giám sát thực hiện dự luật kích thích kinh tế nhiều tranh cãi của tổng thống Obama, được thiết kế nhằm giải quyết suy thoái kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Biden cũng dẫn dắt nỗ lực đưa Mỹ can thiệp sâu hơn vào vấn đề Ukraine sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Trong 8 năm làm phó tổng thống dưới thời Obama, ông Biden luôn thể hiện lòng trung thành với tổng thống, nhưng cũng sẵn lòng đưa ra những ý kiến trái ngược. Ông nằm trong nhóm quan chức khuyên tổng thống không nên phê chuẩn chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden, đề nghị rằng lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành "thêm một bước nữa" để xác nhận lại vị trí của trùm khủng bố.
Trong cuộc phỏng vấn đầu năm 2020, ông Biden cho biết đó là cách "câu giờ" để giúp tổng thống Obama có thêm thời gian cân nhắc về quyết định hạ bin Laden. Song ông Biden kể rằng ông đã nói riêng với Obama rằng "hãy làm theo những gì bản năng ngài mách bảo, thưa Tổng thống".
Năm 2020, ông Biden đã đánh bại các ứng viên khác của đảng Dân chủ để giành được đề cử cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Sau đó, ông giành chiến thắng Trump và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Tổng thống Biden đã mô tả ông là cầu nối với thế hệ lãnh đạo mới của đảng Dân chủ, nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa đội ngũ của đảng. Điều đó thể hiện rõ trong việc chọn thượng nghị sĩ Kamala Harris làm phó tướng, khiến bà trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.
Ông Biden cũng thực hiện tốt lời hứa đề cử thẩm phán da màu đầu tiên vào Tòa án Tối cao. Tổng thống Mỹ năm 2022 đề cử thành công nữ thẩm phán Ketanji Brown Jackson vào cơ quan này, sau khi thẩm phán Stephen Breyer thông báo nghỉ hưu.
Nhậm chức hai tuần sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol, ông Biden coi nhiệm kỳ tổng thống của mình là quá trình tái thiết và đoàn kết quốc gia chia rẽ.
"Chính trị không cần phải là ngọn lửa hủy hoại mọi thứ trên đường đi. Mọi bất đồng không nhất thiết phải là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh toàn diện", ông Biden nói khi phát biểu nhậm chức năm 2021.
Ông Biden đã coi phục hồi đất nước hậu đại dịch là trọng tâm chương trình nghị sự đầy tham vọng trong năm đầu nhiệm kỳ. Tổng thống đã ký ban hành kế hoạch cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Ông cũng ký luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD năm 2022; luật về biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và thuế trị giá 700 tỷ USD; luật thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn và khả năng cạnh tranh của Mỹ trị giá 280 tỷ USD.
Chính quyền của ông Biden đã nỗ lực xóa nợ sinh viên và bảo vệ quyền phá thai sau khi Tòa án Tối cao năm 2022 lật ngược phán quyết công nhận quyền phá thai của phụ nữ.
Làn sóng di cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam với Mexico đã đặt ra thách thức chính trị khác đối với ông Biden, khi nhiều cử tri cho rằng chính quyền không đủ quyết liệt để ngăn tình trạng này. Hồi tháng 6, ông Biden ký lệnh cấm người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ để xin tị nạn, nỗ lực nhằm xoa dịu nỗi bất bình của cử tri cũng như làn sóng chỉ trích từ đảng Cộng hòa.
Xuyên suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đối mặt nhiều câu hỏi về khả năng đảm nhận chức vị, khi là lãnh đạo lớn tuổi nhất ở Mỹ. Ông thường xuyên khẳng định bản thân đủ sức khỏe cho vai trò này.
Khi Mỹ tìm cách vượt qua đại dịch, Tổng thống Biden cũng phải đối phó với thách thức lạm phát cao chưa từng thấy kể từ năm 1980. Trước khi tình hình được bình ổn, giá xăng ở Mỹ đã vượt mức 5 USD/gallon (khoảng 3,7 lít) ở nhiều vùng. Điều này khiến ông Biden vấp nhiều chỉ trích, bất chấp thị trường việc làm tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Một số nhà kinh tế cho rằng gói viện trợ Covid-19 của ông Biden góp phần làm tăng lạm phát.
Chính sách đối ngoại của ông Biden được ghi dấu với chiến dịch rút lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn năm 2021, chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài từ năm 2011.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) đón người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Kiev ngày 20/2/2023. Ảnh: AFP
Nỗ lực tập hợp đồng minh của ông Biden để ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đã gây tiếng vang và thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ, bất chấp nhiều chỉ trích từ đảng Cộng hòa sau đó. Ông thường xuyên tới châu Âu để tham vấn với các đồng minh và khuyến khích NATO mở rộng, đóng góp vai trò an ninh lớn hơn trên khắp lục địa. Phần Lan và Thụy Điển đã gia nhập liên minh NATO trong năm 2023 và 2024.
Tuy nhiên, sự ủng hộ kiên định của Biden dành cho Israel trong xung đột với Hamas ở Dải Gaza đã khiến một số đảng viên Dân chủ quay lưng với ông.
Bên cạnh sự nghiệp chính trị lâu năm đáng ngưỡng mộ, cuộc sống cá nhân của ông Biden chứng kiến nhiều bi kịch. Ông mất vợ và con gái trong vụ tai nạn xe hơi chỉ vài tuần sau chiến thắng tranh cử vào Thượng viện. Con trai lớn Beau qua đời vì ung thư não năm 2015.
Trên cương vị tổng thống, ông cũng đối mặt với những vấn đề pháp lý của con trai Hunter. Con trai 54 tuổi của ông Biden hồi tháng 6 bị kết tội vì khai man khi mua súng trong thời kỳ sử dụng ma túy 6 năm trước.
Đảng Cộng hòa cũng thường xuyên nhắm vào các giao dịch ở nước ngoài của Hunter, liên quan tới Trung Quốc và Ukraine, để chĩa mũi dùi vào Tổng thống Biden.
Bất chấp những chỉ trích, ông Biden được nhiều đồng minh và lãnh đạo thế giới đánh giá cao về những cống hiến cho Mỹ và thế giới trong gần 5 thập kỷ qua.
"Joe, ông như anh trai tôi", tổng thống Obama nói năm 2015. "Và tôi thấy biết hơn khi ông luôn có một trái tim bao dung, tâm hồn và đôi vai lớn. Tôi rất ngưỡng mộ ông".
"Người bạn của tôi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đạt được rất nhiều thành tựu cho đất nước, cho châu Âu và cho thế giới. Quyết định dừng tái tranh cử của ông ấy xứng đáng được tôn trọng", Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết trên X sau khi ông Biden thông báo dừng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/quyet-dinh-dung-tranh-cu-khep-lai-su-nghiep-nua-the-ky-cua-ong-biden-4772929.html