Đạn chùm Mỹ khó giúp Ukraine tạo đột phá trên chiến trường
Lầu Năm Góc ngày 7/7 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM). Đây là đạn pháo cỡ 155 mm, còn được gọi là đạn chùm vì có khả năng phát tán đạn con trên khu vực rộng lớn, gây sát thương cho bộ binh và chống lại tăng thiết giáp của đối phương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói viện trợ đạn chùm là "quyết định rất khó khăn", song cho rằng Ukraine cần vũ khí cho đợt phản công. Động thái này của Mỹ vấp phải chỉ trích từ Liên Hợp Quốc cùng một số đồng minh như Anh và Tây Ban Nha.
Mark Cancian, cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại thủ đô Washington, nhận định đạn chùm do Mỹ cung cấp có thể giúp Ukraine đẩy nhanh tốc độ chiến dịch phản công, vốn diễn ra chậm hơn kỳ vọng của nhiều bên, song cảnh báo đây không phải vũ khí có thể tạo ra những đột phá lớn trên chiến trường.
Binh sĩ Mỹ chuyển đạn DPICM 155 mm lên Xe Hỗ trợ Pháo M992. Ảnh: US Army
"Đạn DPICM mà Mỹ chuyển cho Ukraine có khả năng phát tán nhiều quả đạn con từ trên không xuống, tạo ra khu vực nổ và vùng sát thương rộng hơn nhiều so với đạn pháo 155 mm thông thường", ông Cancian nói.
Cựu đại tá Mỹ thừa nhận đạn chùm gây nhiều tranh cãi vì đạn con không phát nổ có thể gây nguy hiểm cho dân thường trong và sau chiến sự, nhưng nhận định một trong những lý do quan trọng khiến Washington vẫn quyết định chuyển loại đạn này cho Ukraine là hiệu quả tác chiến của nó.
"Đạn chùm rất hiệu quả trong đối phó bộ binh, pháo binh và phương tiện cơ giới", ông nói. "Ukraine đã phát động chiến dịch phản công, dù có tiến triển song vẫn chậm hơn dự kiến. Loại đạn này có thể giúp họ phản công nhanh hơn".
Mỗi quả đạn con của DPICM được trang bị một đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT), bao quanh là phần vỏ kim loại có thể vỡ vụn thành nhiều mảnh và bắn ra xung quanh với tốc độ cực cao khi đầu đạn chính phát nổ.
Trong khi đầu đạn HEAT có thể phá hủy xe tăng, thiết giáp, pháo binh, các mảnh văng từ đạn con có khả năng vô hiệu hóa bộ binh ẩn nấp trong hầm hào, công sự. Tính năng này được cho là rất hiệu quả khi đối phó với hệ thống phòng tuyến dày đặc của Nga.
Theo Cancian, chính quân đội Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp đạn chùm trong bối cảnh họ tìm kiếm các vũ khí mới có thể triển khai đợt phản công nhanh hơn và bày tỏ sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này trên lãnh thổ họ tuyên bố chủ quyền để bảo vệ người dân sau khi đã cân nhắc các rủi ro.
"Áp lực từ Tổng thống Volodymyr Zelensky, các quan chức Ukraine cũng như quốc hội Mỹ khiến chính quyền Tổng thống Biden quyết định viện trợ đạn chùm", ông nói.
Chuyên gia này nhận định đạn chùm sẽ hỗ trợ đáng kể cho Ukraine trong tấn công một số điểm trên phòng tuyến Nga, nhưng cảnh báo đây không phải là vũ khí có thể thay đổi cục diện chiến trường, vốn gần như rơi vào bế tắc trong nhiều tháng qua.
"Không thứ gì có thể thay đổi cục diện hiện nay. Không bên nào có thể cung cấp cho Ukraine thứ vũ khí nào tạo ra chiến thắng cho họ", Cancian nói.
Cách thức hoạt động của đạn chùm.
Theo ông Cancian, chiến dịch phản công của Ukraine đang đạt một số tiến triển, song còn chậm chạp. "Nhiều chuyên gia phương Tây và bản thân Ukraine hy vọng vào thời điểm này họ đã có thể phá vỡ phòng tuyến của Nga và tiến vào khu vực ít được bảo vệ hơn. Đợt tiến công của Ukraine chưa mất động lực, nhưng tốc độ không như kỳ vọng".
Cựu đại tá này cho rằng chiến dịch phản công của Ukraine chỉ có thể giành chiến thắng khi kết hợp giữa vũ khí và đạn dược hiện đại mà Mỹ, NATO cùng các nước khác đã cung cấp với những binh sĩ được phương Tây huấn luyện cũng như quyết tâm của người dân nước này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 8/7 cho rằng quyết định viện trợ đạn chùm là "hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ", trong bối cảnh "cuộc phản công của Ukraine trên thực tế đang thất bại dù được quảng bá rầm rộ".
"Vũ khí thần kỳ mới nhất mà Washington và Kiev đang đặt cược mà không tính đến những hậu quả nghiêm trọng sẽ không ảnh hưởng gì đến chiến dịch quân sự đặc biệt", bà Zakharova nói. "Dân thường sẽ trở thành mục tiêu, tương tự những gì xảy ra với nhiều vũ khí sát thương của Mỹ và NATO viện trợ cho Ukraine".
Đạn chùm bị chỉ trích chủ yếu do tỷ lệ đạn con không phát nổ và tồn tại nhiều năm gây ra mối đe dọa tương tự mìn. Những quả đạn con chưa phát nổ này rơi xuống đất hoặc vướng vào lùm cây, vương vãi trên diện tích rộng. Chúng có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm.
Chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ngày 6/7 cho biết Mỹ có nhiều biến thể đạn chùm, song không cung cấp cho Ukraine loại có tỷ lệ đạn con không nổ trên 2,35%, mà sẽ chọn tỷ lệ thấp nhất có thể. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho rằng Mỹ không minh bạch về dữ liệu tỷ lệ không nổ của bom con và đạn con.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết đạn chùm có tỷ lệ đạn con không nổ thường từ 10 đến 40%. "Sử dụng đạn chùm trên quy mô lớn sẽ khiến nhiều khu vực hứng chịu hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu quả đạn con chưa nổ có thể kích hoạt bất cứ lúc nào", ICRC cảnh báo.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/dan-chum-my-kho-giup-ukraine-thay-doi-cuc-dien-chien-truong-4627357.html