Con yêu mẹ thật nhiều, hãy luôn mạnh khỏe và vui vẻ bên chúng con nhé
Giáng Sinh lại sắp về, lại một năm nữa trôi qua, đã hơn mười năm tôi rời xa quê hương để đến thành phố này, nhưng cảm giác lúc này, vẫn như ngày đầu tôi đến đây.
Tôi mơ màng nghĩ về gia đình, nơi có bóng dáng người mẹ thân thương của tôi. Dù có đi xa bao nhiêu, lâu bao nhiêu thì mỗi khi gió lạnh tràn về, nỗi nhớ nhà lại vẹn nguyên trong tim.
Tôi nhớ lắm, mỗi bữa sớm mai mẹ gọi anh em tôi dậy ăn sáng rồi đi học, mẹ sẽ đi làm. Mẹ tôi là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, cả cuộc đời mẹ đều hi sinh hết cho chồng, cho con.
Tôi còn nhớ rất rõ, trong mỗi bữa ăn, miếng nào ngon, món nào bổ, mẹ đều gắp vào chén cho anh em tôi. Mẹ bảo "Các con ăn đi, mẹ ăn rồi" hay "Mẹ không thích món này, mẹ no rồi".
Tôi biết rất rõ, đó chỉ là những lời nói dối đầy tinh yêu thương của mẹ, tôi biết, nhưng tôi không thể từ chối. Vì ẩn sau lời nói dối ấy là cả tình yêu thương vô bờ bến và đong đầy của mẹ dành cho gia đình.
Tôi nhớ về ngày hôm ấy, chị em tôi theo chân ba mẹ lên rẫy để thu hoạch bắp. Chị em tôi nhí nhảnh chạy lên trước vui đùa, chọc ghẹo nhau. Còn ba mẹ đi theo sau mỉm cười hạnh phúc. Chính vì luôn vui vẻ như vậy nên cả nhà tôi làm việc hăng say và dường như quên hết cả mệt mỏi. Khoảng thời gian đó, nhà tôi rất nghèo nhưng luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, anh em chúng tôi đều vào tuổi ăn, tuổi học. Gánh nặng đó lại càng oằn trên đôi vai ba mẹ. Tiền ăn, tiền học phí, sách vở, quần áo…, dần dần trở thành áp lực cho họ và cuối cùng ba đã buông tay.
Chúng tôi chơi vơi trong cái nghèo, cái thiếu thốn vật chất và cả tình thương của ba nhưng bù lại chúng tôi có tình yêu của mẹ. Mẹ mạnh mẽ gạt nước mắt đứng lên gồng gánh gia đình, lo cho chúng tôi ăn học. Một người phụ nữ gầy gò, ốm yếu phải lo cho bốn đứa con ăn học, gánh nặng này không nói thì ai cũng biết khó khăn đến thế nào.
Ngày ba bỏ đi, mẹ khóc cả đêm, chiếc gối ướt sũng và như chưa bao giờ được ráo. Có thể mẹ còn tình cảm với ba, nhưng trên hết, mẹ lo, rồi đây tương lai các con của mẹ sẽ như thế nào trước cái nghèo, cái đói của gia đình đây.
Mẹ sợ chúng tôi dang dỡ việc học, ảnh hưởng đến tương lai. Mẹ nói cả đời mẹ cực khổ rồi, không muốn các con của mẹ đi vào vết xe đổ đó mà bám víu vào mảnh đất của gia đình, cả đời vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn.
Thật vậy, chưa bao giờ nhà chúng tôi đủ chứ đừng nói có cái dư. Chúng tôi luôn trong tình cảnh ăn trước trả sau, nợ cũ nợ mới chồng lên nhau, lãi mẹ đẻ lãi con, vòng tròn ấy mãi không thể nào thay đổi được.
Mỗi khi tôi vuốt mặt đi vay tiền nhà hàng xóm là mỗi lần tôi thấy ánh mắt họ ái ngại nhìn tôi, như thể vừa tội nghiệp vừa đáng thương. Tôi đoán họ có cái suy nghĩ "bỏ thì thương vương thì tội" nên bấm bụng dúi vào tay tôi năm mươi ngàn.
Tôi cúi mặt nói lời cảm ơn rồi bước nhanh ra cửa, chẳng hiểu sao tôi thấy sóng mũi mình cay xè và có giọt nước rơi ra từ khóe mắt. Tôi đưa tay gạt nó, ngẩng mặt lên bầu trời đen mịt như chính cuộc sống của chúng tôi. Mình mượn thì mình sẽ trả, có xin đâu mà lo.
Chính vì nhà nghèo nên anh em chúng tôi một buổi đi học, một buổi đi làm phụ mẹ. Đứa thì chăn bò, đứa thì nhổ cỏ, phun thuốc. Không thể tưởng tượng được một con bé học lớp mười hai, người ốm nhom và nước da ngâm đen do nắng gió lấy đâu ra nghị lực để làm được nhiều việc trong ngày như vậy.
Vào buổi trưa sau khi tan học, tôi nhanh chóng về nhà, ăn uống qua loa rồi chạy ngay vào rẫy. Tôi không nhớ rõ bằng cách nào mà tôi có thể mang trên lưng bình thuốc hai mươi lít đó, đi từng hàng giữa các luống mì để phun thuốc cỏ.
Tôi biết rất rõ những cặp mắt ái ngại nhìn tôi vừa thương vừa xót vừa ngưỡng mộ ý chí của tôi. Có nhiều hôm, tôi khóc vì mỏi mệt quá, tôi thấy mình nhỏ bé quá khi đứng giữa cánh đồng mà cỏ đầy rẫy dưới chân.
Tôi muốn bỏ cuộc, muốn vứt bỏ cái gánh nặng đang mang trên vai. Nhưng, bỏ cuộc ư, suy nghĩ đó tôi cũng không được phép thực hiện. Trưa nắng, mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa trên trán, trên mặt tôi.
Tôi khóc, có giọt nước chảy vào khóe miệng, mặn quá, mặc dù tôi không rõ vị mặn do nước mắt hay do mồ hôi hay do cuộc sống nữa. Tôi xốc lại tinh thần bước tiếp, mặc cho trên vai tôi in hằn những vết cứa sâu do cái nặng của bình thuốc để lại.
Lớp mười hai, đứng trước sự lựa chọn mang tính quyết định cho tương lai, tôi vô cùng băn khoăn không biết nên học gì, làm gì. Bạn bè xung quanh tôi mỗi ngày cặm cụi ở các lớp học thêm. Nhưng đối với tôi, học thêm là cụm từ xa xỉ. Miếng ăn còn không đủ no thì việc đi học thêm, hay mua một cuốn sách tham khảo thật là xa vời.
Tôi bằng lòng với số phận của mình, chưa từng đòi hỏi ở mẹ bất cứ thứ gì. Cũng vào năm đó, tôi lên bục giảng để nhận phần thưởng cho cái danh hiệu học sinh nghèo vượt khó, danh hiệu không làm tôi vui vẻ chút nào mặc dù tôi chưa từng có suy nghĩ chê bai hay buồn phiền gì về cái nghèo của mình.
Bạn bè bảo nhìn tôi có nét buồn, gương mặt phảng phất nét của người con gái Huế. Phải rồi, không buồn sao được khi trong tôi có một vết cắt mà không gì có thể hàn gắn được. Nó trở thành sẹo rồi và thỉnh thoảng lại trở về hành hạ tôi trong đêm, trong những giấc mơ hay mỗi khi gió lạnh tràn về.
Khi đó, tôi là một con bé yếu đuối, không thể chống đỡ được phong ba bão táp. Bởi, tôi sợ người ta nhìn thấy điểm yếu của mình. Mỗi ngày tôi cố gắng che giấu thật kĩ, trang điểm thật dày cho lớp mặt nạ là một người mạnh mẽ.
Thuở học cấp ba, tôi sợ người ta biết tôi bị bỏ rơi nên càng tránh né những câu hỏi liên quan đến ba mình. Đôi khi, tôi còn giả vờ hạnh phúc là ba thật tốt với mình.
Hôm ấy, cô bạn cùng lớp vừa trở lại sau cơn sốt nặng, cô ấy huyên thuyên kể cho các bạn nghe về người ba tuyệt vời, lo cho bạn từng viên thuốc, đắp chăn mỗi đêm và vỗ về bạn vào giấc ngủ. Các bạn trầm trồ ngợi khen bạn có một người ba tuyệt vời. Tôi cũng vậy, nhưng sau đó tôi nhanh chóng bỏ chạy vào nhà vệ sinh để khóc.
Bẵng đi một thời gian, năm tháng khó khăn đó cũng đi qua. Tôi đến lúc phải lên thành phố thi Đại học. Lúc đó, vì nhà nghèo không có tiền nên mẹ chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền xe cho tôi đi thi. Người ta không cho vay, thương con gái, mẹ ôm tôi rồi hai mẹ con cùng khóc. Bất đắc dĩ, mẹ bán đi đôi bông tai nhỏ xíu, mẹ cố giữ lại nó vì đây là kỉ vật ba tặng mẹ. Tôi biết, nếu không phải vì tôi, mẹ sẽ không bao giờ bán.
Hai trăm ngàn, tôi nhớ rất rõ mẹ cẩn thận bỏ vào tay tôi. Mẹ phải lo công việc đồng áng và em tôi nên chỉ có mình tôi vào thành phố. Mẹ gửi tôi đi cùng xe với mẹ một người bạn của tôi, cô ấy cũng dẫn con mình đi thi. Thật ra, anh trai tôi sẽ đón ở bến xe, nhưng trước ngày đi, mẹ đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Mẹ sợ con gái duy nhất của mẹ xảy ra chuyện gì, vì đây là lần đầu tôi xa nhà xa mẹ.
Vào đại học, tôi tha hồ che giấu, ngụy tạo nên hình tượng một người ba hoàn hảo nơi quê nhà, luôn yêu thương, chiều chuộng tôi. Tôi không còn lo nhìn trước ngó sau sợ có bạn biết hoàn cảnh gia đình mình và vạch trần "sự dối trá đáng thương" của tôi.
Tôi mải mê diễn vai chính trong vở kịch gia đình hạnh phúc mà tôi tạo ra, nhiều khi diễn đạt đến độ trở về phòng, tôi đưa tay lấy điện thoại lần tìm số điện thoại để gọi hỏi thăm ba. Tôi khóc, tôi không biết gọi số nào, ai bắt máy và gọi để làm gì?.
Ra trường, tôi đi làm, tôi là giáo viên. Trong một giờ dạy của mình, tôi có lấy một ví dụ là một đoạn trong bài Lão Hạc của Nam Cao, các em nghe đều nói Lão Hạc là một người cha tốt.
Đột nhiên, một em giơ tay nói "Vậy, thưa cô, cô có một người cha tốt không?. Trước câu hỏi ngây thơ và ánh mắt mong chờ của cả lớp, tôi không thể nào nói dối các em như tôi đã từng làm với các bạn của mình được.
Tôi lãng tránh những ánh mắt đó, lãng tránh cả câu trả lời, tôi quay người đi, vờ viết một vài ý lên tấm bảng. Nước mắt chực trào, tôi cắn chặt môi, nuốt vào trong. Hít một hơi thật sâu, tôi cố gắng giảng cho xong bài. Đã hơn một năm từ ngày nhận được câu hỏi đó, tôi vẫn chưa thể trả lời, tôi chần chừ để đưa ra đáp án, dù tôi có thể trả lời ngay.
Nhanh thật, hơn mười năm rồi, cũng chừng ấy năm tôi không có ba, mỗi khi có chuyện gì khó khăn hay buồn lòng, ngoài mẹ ra, tôi lại nghĩ đến ba. Lạ thật, người ta không thương nên mới dứt áo ra đi, mình cớ làm sao cứ thương, cứ nhớ cứ dai dẳng một niềm đau hoài. Cả mẹ, cả tôi đều vậy. Đúng là phụ nữ, dù cố tỏ ra mạnh mẽ đến đâu, thì bản chất của họ, trong tận cùng sâu thẳm, vẫn là yếu đuối.
Dạo gần đây gọi về nhà, tôi thấy mẹ già đi nhiều, gương mặt xinh đẹp thời con gái đó của mẹ đã bị thời gian cùng những nỗi cơ cực, đau khổ bào dần bào mòn. Tôi thấy đau lòng quá. Mẹ cũng chẳng còn nhanh nhẹn, tháo vác như xưa. Cũng phải, bao nhiêu thời gian là bấy nhiêu sự vất vả đè nặng trên đôi vai của mẹ. Dù chúng tôi cố gắng bù đắp nhiều như thế nào thì cũng không thể khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng mẹ, chỗ trống đó lâu ngày đã tạo thành một cái hố sâu trong tim mẹ rồi.
Tiếng còi inh ỏi từ tiếng xe buýt vang lên bên tai, tôi giật bắn người, nhưng cũng nhờ đó mà đã đưa tôi về hiện thực. Cùng lúc đó, tôi nhận ra được mình đã đến cổng trường rồi. Chú bảo vệ tươi cười chào đón tôi, tôi khẽ mỉm cười và gật đầu chào lại.
Một ngày mới lại bắt đầu, những tia nắng đầu tiên phản chiếu trên khung cửa, tiếng chim ríu rít chào ngày mới, cây lá như bừng tỉnh sau một đêm mộng mị. Tôi cười, dù thế nào thì ngày mới luôn bắt đầu sau một đêm tối, hãy cứ tin tưởng đi rồi cuộc sống tốt đẹp sẽ chào đón mỗi người chúng ta.
Dù không biết ẩn sau nụ cười đó, người ta đang che giấu câu chuyện hay tâm sự gì. Hãy luôn tin tưởng vào sự tốt đẹp mà cuộc đời mang lại. Bởi sau cơn mưa, cầu vồng nhất định sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn.
Tôi bước vào phòng, việc đầu tiên là đặt vé tàu, cuối tuần này, tôi muốn mình được ở bên mẹ. Câu nói mà cả đời này tôi luôn muốn nói với mẹ "Con gái biết ơn mẹ. Con yêu mẹ thật nhiều, hãy luôn mạnh khỏe và vui vẻ bên chúng con nhé. Mẹ là điều tuyệt vời nhất mà tụi con có được”.
Tâm Di - blogradio.vn
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/me-la-dieu-tuyet-voi-nhat-ma-tui-con-co-duoc-nw230037.html