Chuyên gia đề xuất rút ngắn thời gian chờ tiêm vaccine mũi 3 ở người thuộc nhóm nguy cơ cao

12:00' 17-12-2021
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, ngành y tế nên cân nhắc ưu tiên vaccine mũi 3 cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mà không cần chờ đủ 6 tháng.


    Đầu tháng 12, Bộ Y tế gửi văn bản đến các địa phương và đơn vị về việc triển khai tiêm liều bổ sung và nhắc lại vaccine phòng Covid-19. Theo Bộ Y tế, đề xuất này dựa trên khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước.

    Trong bối cảnh số lượng vaccine về Việt Nam không còn khan hiếm và nguy cơ xâm nhập biến chủng mới Omicron, nhiều đề xuất cho rằng nên rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi vaccine nhắc lại (mũi 3) mà không nhất thiết tuân thủ 6 tháng.

    Ai cần được rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi 3?

    Liều nhắc lại (mũi 3) là mũi vaccine tiếp theo được sử dụng để tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ của 2 liều cơ bản mà có thể đã giảm dần theo thời gian.

    Bộ Y tế quy định khoảng cách tiêm mũi 3 là ít nhất 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2 hoặc mũi bổ sung. Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

    Trao đổi với Zing về thời gian ít nhất 6 tháng để tiêm mũi 3, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng có thể ưu tiên rút ngắn thời gian tiêm mũi nhắc lại cho người cao tuổi hoặc người bị bệnh nền bởi vì những người này vốn có miễn dịch ban đầu không tốt.

    Ngoài ra, họ cũng dễ bị suy giảm năng lực miễn dịch theo thời gian. Vì vậy, thời gian tiêm mũi nhắc lại ngắn hơn vẫn có thể mang lại lợi về mặt miễn dịch (so với tiêm cho người trẻ tuổi hơn và khỏe hơn).

    "Bên cạnh đó, nhóm người cao tuổi, có bệnh nền cũng có nguy cơ bị chuyển nặng và tử vong cao hơn khi mắc Covid-19. Do đó, dù mũi nhắc lại chưa đáp ứng miễn dịch tối đa thì lợi ích giảm chuyển nặng và tử vong vẫn rất xứng đáng", PGS Dũng nói.

    Ngoài ra, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, thời gian tiêm mũi nhắc cũng phụ thuộc vào loại vaccine. Vaccine có hiệu lực tốt (như Pfizer, Moderna, AstraZeneca) nên tiêm mũi tiêm nhắc lại sau 6 tháng tiêm liều cơ bản (đối với người trẻ, không bị bệnh nền).

    Những vaccine có hiệu lực bảo vệ thấp hơn (như Johnson&Johnson hay Vero Cell) có thể tiêm nhắc sau 3 tháng.

    Ví dụ ở Mỹ, mũi nhắc lại được tiêm sau 6 tháng sau khi tiêm vaccine Pfizer và Moderna. Với vaccine Janssen của Johnson & Johnson, thời gian của mũi tiêm nhắc là 2 tháng. Singapore cũng có mũi tiêm nhắc là 5 tháng sau khi tiêm vaccine Pfizer và Moderna nhưng là 3 tháng sau tiêm vaccine Vero Cell.

    Vì vậy, nếu tiêm mũi nhắc lại, PGS Dũng cho rằng nên ưu tiên về thời gian cho nhóm cao tuổi, nhóm có bệnh nền và nhóm tiêm vaccine Vero Cell.

    Có thể ưu tiên rút ngắn thời gian tiêm mũi nhắc lại cho người cao tuổi hoặc người bị bệnh nền

    PGS.TS Đỗ Văn Dũng

    Hiện Mỹ và châu Âu vẫn đòi hỏi mũi 3 được tiêm sau ít nhất 6 tháng tiêm liều cơ bản.

    Anh cho phép rút ngắn thời gian tiêm mũi 3 sớm hơn, nhưng họ cũng chỉ tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng với các trường hợp có nguy cơ cao.

    Đối với người trẻ tuổi, không có bệnh nền hay người tiêm các loại vaccine có hiệu quả bảo vệ cao như Pfizer, Moderna, chuyên gia này cho rằng hiện nay không có bằng chứng nên rút thời gian tiêm sớm mũi 3.

    "Việc rút ngắn thời gian mũi tiêm nhắc lại cho người trẻ tuổi không có lợi. Lý do là họ có đáp ứng miễn dịch tương đối đầy đủ, ít có nguy cơ chuyển nặng, tử vong khi mắc Covid-19, trong khi đó, đáp ứng miễn dịch cho mũi nhắc lại không được tối ưu", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói thêm.

    Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng cho rằng các địa phương cần linh hoạt trong việc cân đối thời gian và tổ chức tiêm mũi 3 cho người dân.

    Trong đó, nhóm có nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... có thể được ưu tiên rút ngắn thời gian tiêm mũi 3. Nghĩa là không nhất thiết chờ đúng 6 tháng sau khi tiêm liều cơ bản mới triển khai mũi 3 cho họ.

    "Chúng ta đã có nhiều bằng chứng cho thấy nhóm người có bệnh nền, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch có nguy cơ chuyển nặng và tử vong cao hơn. Do đó, cần thiết ưu tiên mũi 3 để tăng thêm miễn dịch bảo vệ họ", bác sĩ Khanh nói.

    rut ngan thoi gian tiem mui 3 voi nhom nguy co cao anh 1

    Nhân viên y tế và lực lượng công an ở TP.HCM được tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

    Tại Australia, mũi 3 được tiêm sau liều cơ bản 5 tháng. Tại Anh, nhóm đối tượng nguy cơ cũng được tiêm mũi 3 chỉ sau liều cơ bản 3 tháng.

    "Tùy theo tình hình dịch, chúng ta có thể linh hoạt tiêm mũi 3 cách liều cơ bản từ 3 đến 6 tháng. Tất cả là vì bảo vệ người có nguy cơ cao", bác sĩ Khanh chia sẻ.

    Bác sĩ Khanh cũng cho rằng với loại vaccine có hiệu quả bảo vệ không cao, cần được cân nhắc ưu tiên tiêm mũi 3 sớm hơn.

    Tăng tốc độ tiêm mũi 3 để bảo vệ nhóm nguy cơ

    "Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là vẫn còn quá nhiều người từ chối tiêm vaccine hoặc không có điều kiện tiếp cận vaccine. Ngoài ra, chính nhân viên y tế ở điểm tiêm cũng từ chối tiêm vaccine cho nhiều trường hợp vì khâu sàng lọc quá cứng nhắc", bác sĩ Khanh chia sẻ.

    Về băn khoăn người quá lớn tuổi có thể gặp phản ứng nặng sau sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19, bác sĩ Khanh cho rằng điều này không đáng lo ngại.

    "Người càng cao tuổi thì sau khi tiêm vaccine càng ít xuất hiện phản ứng phụ hơn so với người trẻ. Dĩ nhiên vẫn có trường hợp gặp tác dụng sau tiêm nhưng không đáng lo ngại so với hiệu quả phòng bệnh của vaccine", bác sĩ nói thêm.

    rut ngan thoi gian tiem mui 3 voi nhom nguy co cao anh 2

    Một bệnh nhân lớn tuổi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu do suy hô hấp sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Duy Hiệu.

    Còn theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, việc tiêm vaccine sẽ là giải pháp lâu dài để phòng bệnh Covid-19. Do đó, vấn đề quan trọng nhất các địa phương cần tập trung là bảo vệ bằng được nhóm đối tượng nguy cơ.

    "Hiện chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về hiệu quả của mũi 3 đối với biến chủng mới Omicron. Do đó, chúng ta cần dồn lực tiêm đủ liều cơ bản cho toàn dân, đặc biệt là ưu tiên bảo vệ người có nguy cơ cao", PGS Hùng nói.

    Ông cũng khuyến cáo trong dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch, số ca nhiễm có thể vẫn tiếp tục tăng cao. Do đó, các địa phương cần tranh thủ từng phút, từng giờ để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, ưu tiên đủ liều cơ bản cho người cao tuổi, người có nguy cơ cao.

    Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tất cả người từ 16 tuổi trở lên có thể được tiêm mũi vaccine tăng cường. Trong đó, với người tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và vaccine Moderna, thời gian tiêm mũi tăng cường là sau 6 tháng.

    Người trên 18 tuổi tiêm vaccine Janssen của Johnson & Johnson, thời gian tiêm mũi tăng cường là sau 2 tháng.

    Tại Australia, liều tăng cường không bắt buộc, tuy nhiên, nó được khuyến cáo duy trì khả năng miễn dịch chống lại Covid-19. Điều kiện tiêm mũi tăng cường là người từ 18 tuổi trở lên, đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 5 tháng trước.

    Tại Canada, liều tăng cường sử dụng vaccine công nghệ mRNA được khuyến cáo tiêm ít nhất 6 tháng sau liều cơ bản. Nhóm ưu tiên là người cao tuổi, dễ tổn thương, nhân viên y tế tuyến đầu.

    Tại Việt Nam, TP.HCM là nơi đầu tiên triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và mũi nhắc lại cho các trường hợp thuộc nhóm ưu tiên.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/chuyen-gia-de-xuat-rut-ngan-thoi-gian-cho-tiem-vaccine-mui-3-post1283400.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ