Cha mẹ thường xuyên nói 3 câu này đừng trách sao con tự ti, kém cỏi
Cha mẹ - với tư cách là người thầy đầu tiên, lời nói và hành động của họ sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển của con cái. Chất lượng giáo dục gia đình chính là chìa khóa quan trọng quyết định một đứa trẻ lớn lên thành công hay thất bại. Vì cha mẹ là “gốc rễ” và con cái chính là “hoa trái”.
Nếu hoa trái có vấn đề, chúng ta cũng cần phải xem xét lại cả phần gốc rễ. Vì "gốc rễ" vững chắc, thu được nhiều dưỡng chất sẽ cho ra những bông hoa thơm và trái ngọt, và ngược lại theo hướng tiêu cực cũng tương tự. Đôi khi chính những lời nói thường ngày của cha mẹ tưởng chừng vô tình lại gây nên những hậu quả khó lường cho con trẻ.
Có một số bậc cha mẹ thường nói 3 câu này mang ý nghĩa tiêu cực với con mình, mà nguồn gốc của sự tiêu cực lại nằm ở bản thân cha mẹ.
Giáo sư nổi tiếng Li Meijin hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc. Ảnh: NetEase
Giáo sư nổi tiếng Li Meijin nhấn mạnh, dù có thể chỉ là những lời than vãn nhất thời, nhưng những điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và suy nghĩ của trẻ trong tương lai nếu chúng thường xuyên nghe cha mẹ nói. Hãy xem rằng, liệu bạn đã bao giờ nói những điều này với con mình chưa?
“Con chỉ làm được vậy thôi à?”
Bất cứ ai cũng cần được động viên và được người khác ghi nhận, đặc biệt là sự động viên và ghi nhận của cha mẹ đối với con cái.
Khi thấy con đạt được thành tích nhỏ trong một lĩnh vực nào đó, nếu cha mẹ nói với con những câu nói tỏ ý xem nhẹ như “Chỉ là một giải thưởng nhỏ thôi mà/ Điều này có là gì so với,…” chỉ cho thấy cha mẹ là những người có trí tuệ cảm xúc (EQ) thấp.
Ảnh minh họa
Những bậc cha mẹ như vậy dễ nuôi dạy nên một đứa trẻ lớn lên với đầy sự tự ti. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý sau này của con mình, dễ làm chúng tổn thương, mà bản thân những bậc cha mẹ có EQ thấp cũng khó làm nên điều vĩ đại.
“Thời của cha/mẹ đâu có được như con bây giờ”
Ảnh minh họa
Khi cha/mẹ và con cái rơi vào tình huống tranh luận, một khi cha/mẹ nhận thấy lý luận của mình “lép vế”, họ thường nói những câu như “Thời của cha/mẹ không được như con/hồi xưa cha/mẹ đâu có được,..” với con mình.
Giáo dục con theo cách này dễ làm con hình thành sự so sánh và bắt chước theo. Trẻ có thể nghĩ rằng “con cũng có thể không cần học nhiều” giống như cha mẹ khi xưa. Thậm chí hình thành sự phản kháng, từ đó tạo nên tâm lý không cần phấn đấu nỗ lực ở con trẻ.
"Nhà mình nghèo chỉ có vậy"
Nhiều gia đình không có điều kiện khá giả thường nhắc nhở con ngay từ nhỏ rằng: "Nhà mình nghèo khó...". Việc nói với con như vậy chủ yếu để khuyên nhủ con chăm chỉ học tập, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và thường xuyên nói đi nói lại câu nói này thì nó có thể dẫn đến kết quả tiêu cực.
Ảnh minh họa
Nhà có cha mẹ thường xuyên nói chuyện với con trẻ như vậy sẽ khiến trẻ trở nên tự ti. Đặc biệt, khi bị điểm thấp ở trường, chúng thường chọn cách từ bỏ cố gắng vì luôn cảm thấy mình kém cỏi hơn các bạn khác. Cuối cùng, mang mặc cảm tự ti về việc gia đình luôn nghèo, không dám kết bạn với những người xung quanh. Những người như vậy sau này khó trở thành người làm nên việc lớn trong tương lai.
Theo Giáo sư tâm lý học Li Meijin, hầu hết những cha mẹ thường nói ba câu này là khó có thể nuôi dạy nên một đứa trẻ thành công. Thực ra, vấn đề bạn nhìn thấy ở con cái chính là phản chiếu vấn đề từ phía bản thân bạn. Khi bạn nhìn thấy con mình không ổn, thay vì vội vàng kết tội và “đào bới” vấn đề của con, thì trước hết hãy tìm hiểu căn nguyên từ bản thân mình.
Nếu muốn con lớn lên có triển vọng, cha mẹ nên sửa những thói quen xấu này càng sớm càng tốt và học hỏi kinh nghiệm giáo dục theo hướng tích cực sẽ giúp ích hơn cho tương lai con mình.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/giao-su-noi-tieng-cha-me-thuong-xuyen-noi-3-cau-nay-de-khien-con-lon-len-tu-ti-kem-coi-20220214085548323.chn