Trẻ ăn dặm sai cách có thể ảnh hưởng đến cả thể chất và trí não
Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, cha mẹ nào cũng đều muốn con mình ăn ngon miệng, dễ nuôi. Họ không tiếc tiền mua những loại thực phẩm đắt tiền cho con mình. Tuy niên, nếu không cẩn trọng, cha mẹ có thể mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm, khiến trẻ rơi vào một số tình huống nguy hiểm tới tính mạng.
Sai lầm khi cho trẻ ăn dặm khiến bé 6 tháng tuổi bị dị ứng
Bé Tiểu Vũ (Trung Quốc) đã hơn 6 tháng tuổi, đang bước vào thời kỳ ăn dặm nên người mẹ đưa con gái đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để xin lời khuyên. Bác sĩ nói rằng, trẻ ăn dặm ngoài các loại bột, ngũ cốc thông thường, có thể bổ sung thêm một ít lòng đỏ trứng gà. Chất sắt trong lòng đỏ trứng rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.
Khi trở về nhà, người mẹ mua ngay trứng để sẵn trong tủ lạnh, dặn mẹ chồng có thể lấy một ít lòng đỏ trứng cho cháu ăn. Lúc đầu, người bà luộc trứng rồi tách lòng đỏ để riêng. Thế nhưng cách ăn này khiến bé dễ bị nghẹn, ho dữ dội.
Ảnh minh họa.
Sau đó, người bà nghĩ ra cách hấp trứng, trứng sẽ mềm và bé dễ ăn hơn. Hơn nữa, lòng trắng trứng cũng rất bổ dưỡng nên bà khuấy đều rồi mang đi hấp.
Món trứng hấp rất thơm, mịn, mềm nên bé Tiểu Vũ ăn rất ngon miệng, chẳng mấy chốc đã ăn sạch cả quả trứng. Người bà thấy thế mừng lắm, định tối về sẽ khoe với con dâu. Không ngờ khi người mẹ đi làm về, buổi tối đã thấy con gái dị ứng đỏ mẩn cả người, còn có dấu hiệu khó thở.
Món trứng hấp rất ngon và bổ dưỡng nhưng không thích hợp cho trẻ nhỏ ăn nhiều.
Người mẹ vội vàng bế con gái đi cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ biết được em bé ban ngày có ăn hết một quả trứng, chẩn đoán ban đầu dị ứng với đạm trong trứng, yêu cầu nhập viện ngay lập tức.
Sau đó, qua các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ một lần nữa xác nhận em bé bị dị ứng với trứng. Vì em bé còn quá nhỏ nên rất mẫn cảm với đạm trong trứng.
Khi trẻ bị dị ứng với trứng, triệu chứng điển hình nhất là phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tiêu chảy, phù nề thanh quản. Trong trường hợp của bé Tiểu Vũ, có dấu hiệu dị ứng nặng, phù nề thanh quản. Bác sĩ còn dặn rằng, nếu muốn cho em bé ăn trứng, ít nhất phải chờ thêm nửa năm và mỗi lần chỉ nên cho ăn thử miếng nhỏ trước để quan sát tình hình.
Khi nghe bác sĩ nói vậy, người bà hoảng sợ bật khóc, hối hận khi đã cho cháu mình ăn quá nhiều trứng trong lần đầu tiên như vậy.
Những điều cần chú ý khi cho trẻ ăn dặm
Khi cho trẻ ăn dặm, đặc biệt là lần đầu tiên, cha mẹ nên chú ý một số điều sau:
- Cẩn thận những loại thực phẩm có thể gây dị ứng
Một số trẻ có thể trạng rất nhạy cảm, uống sữa bò cũng có thể bị mẩn đỏ. Đối với những trẻ như vậy, chúng rất dễ bị dị ứng khi ăn thịt bò, trứng, cá, tôm, cua… và một số loại thực phẩm khác.
Vì thế, cha mẹ nên đợi trẻ qua 10 tháng tuổi mới cho ăn dặm, chỉ nên ăn một lượng nhỏ trước, sau đó tăng dần số lượng nếu thấy trẻ không có dấu hiệu dị ứng.
Không chỉ có hải sản, các loại thực phẩm như ngũ cốc, đậu phộng khi cho trẻ ăn lần đầu tiên chỉ nên ăn 1 hoặc 2 thìa nhỏ.
Bố mẹ nên chú ý tới những sai lầm khi cho trẻ ăn dặm. (Ảnh minh họa)
- Không nên cho trẻ ăn thô thực phẩm dạng hạt sớm
Trước khi trẻ được 3 tuổi, không nên cho trẻ ăn đậu phộng, đậu nành và thức ăn dạng hạt, đặc biệt là thạch. Khi trẻ đang ăn, không nên chọc cười, không để trẻ chạy lung tung, xem TV, chơi trò chơi để tránh việc mất tập trung khi ăn.
Cha mẹ cần dạy cho trẻ cách nhai thức ăn thật kỹ trước khi nuốt, để tránh tình trạng thức ăn mắc nghẹn ở thực quản, gây ngạt thở.
- Không thêm muối vào chế độ ăn dặm của trẻ
Trước khi trẻ 1 tuổi, thức ăn dặm không được thêm muối vào, nên giữ nguyên mùi vị. Hàm lượng natri có trong sữa mẹ hoặc sữa bột đã đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trẻ cần. Việc bổ sung muối sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, hình thành thói quen ăn mặn. Điều này có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh huyết áp cao, tim mạch vành khi trưởng thành.
Ngoài muối, cha mẹ cũng không nên thêm đường vào thức ăn dặm. Đường chỉ cung cấp năng lượng cho trẻ chứ không đáp ứng các chất dinh dưỡng khác. Việc trẻ ăn đường sớm sẽ hình thành thói quen nghiện đồ ngọt sau này.
Ảnh minh họa.
- Để trẻ tự xúc ăn
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ có thể đút ăn lúc đầu nhưng khi trẻ được 8 - 10 tháng tuổi, cha mẹ nên để chúng tự xúc ăn. Nếu trẻ chưa ăn no, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm. Đây là thời điểm cần rèn luyện thói quen ăn uống, không quan trọng trẻ ăn nhiều hay ít vì thức ăn dặm chỉ là bổ sung, không phải thực phẩm chính.
Việc trẻ tự xúc ăn sẽ giúp chúng phối hợp tay và mắt trong khi ăn, điều này rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.
Xem thêm
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/be-6-thang-tuoi-kho-tho-noi-man-do-khap-nguoi-sau-khi-an-mon-nay-tre-an-dam-sai-cach-anh-huong-den-tri-nao-de-mac-benh-nguy-hiem-sau-nay-cha-me-can-luu-y-20220214150617988.chn