Cách vệ sinh máy lạnh tại nhà vô cùng dễ dàng
Tại sao cần phải vệ sinh máy lạnh?
Rất nhiều gia đình thường bỏ qua công đoạn vệ sinh, bảo dưỡng máy lạnh trong nhà. Điều này thực tế lại gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến chiếc điều hòa nhiệt độ, có thể khiến máy hoạt động không còn tốt như hồi mới mua. Tại sao lại xảy ra điều đó, các lý do sau đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc của mình:
1. Màng lọc không khí bị bụi bẩn
Trong mỗi chiếc máy lạnh đều được trang bị những tấm màng lọc có khả năng lọc sạch bụi bẩn khi luồng khí lạnh được thổi qua. Bộ phận này cũng giống như lá phổi của con người vậy, giúp loại bỏ các loại vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng trong không khí. Từ đó mang đến nguồn không khí trong lành, mát mẻ và chất lượng đến cho bạn.
Khi sử dụng máy lạnh suốt một thời gian dài mà không vệ sinh, mang lọc không khí chắc chắn sẽ bị tích tụ rất nhiều bụi bẩn. Điều này sẽ làm giảm khả năng lọc sạch không khí, gián tiếp gây ra cho bạn cũng như các thành viên trong gia đình mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp. Do đó mà việc cần thiết phải vệ sinh máy lạnh, nhất là làm sạch màng lọc không khí là điều nên làm thường xuyên.
2. Giảm khả năng làm lạnh
Chính vì bụi bẩn tích tụ và bám lại tại màng lọc không khí ngày càng nhiều theo năm tháng. Do đó luồng không khí mát sẽ khó có thể chui qua màng lọc và thổi xuống căn phòng của bạn được. Điều này sẽ khiến máy lạnh bị giảm đi khả năng làm mát, khiến bạn khó chịu và bực bội.
3. Làm giảm tuổi thọ của máy lạnh
Bụi bẩn tích tụ lâu ngày trong máy lạnh còn khiến cho làm giảm đi tuổi thọ của máy. Chúng sẽ khiến máy lạnh trở nên nóng hơn, dễ bị rò rỉ nước, dễ bị chập cháy bảng mạch điện tử. Từ đó khiến bạn mất công đi sửa, thậm chí là phải thay mới các linh kiện bị hư hỏng.
Nếu bạn không vệ sinh máy lạnh thường xuyên, máy sẽ không làm mát được tốt nhất. Từ đó bạn sẽ phải giảm nhiệt độ xuống càng thấp càng tốt để khiến cho máy lạnh làm mát tối ưu hơn. Điều này sẽ khiến máy phải hoạt động với công suất lớn, gây tốn kém điện năng sử dụng. Hóa đơn tiền điện của bạn cũng vì thế mà tăng phi mã.
Bao lâu nên vệ sinh máy lạnh một lần?
Từ những lý do trên, bạn cần phải vệ sinh máy lạnh thường xuyên để giúp tăng tuổi thọ và khả năng làm việc của thiết bị. Thế nhưng nhiều người sẽ có thắc mắc rằng, bao lâu mới cần phải vệ sinh điều hòa nhiệt độ một lần? Bạn có thể tham khảo thời gian như sau:
- Đối với máy lạnh của gia đình: Bạn nên tiến hành vệ sinh định kỳ ít nhất 3-4 tháng/lần nếu như bạn thường xuyên sử dụng. Hoặc vệ sinh định kỳ 6 tháng/lần nếu như bạn sử dụng ít hơn.
- Đối với máy lạnh của văn phòng công ty, nhà hàng, quán ăn: Bạn nên tiến hành vệ sinh định kỳ ít nhất 2-3 tháng/lần. Bởi các thiết bị này gần như hoạt động liên tục cả ngày, sẽ bị tích tụ rất nhiều bụi bẩn theo thời gian.
- Đối với máy lạnh của các xí nghiệp, nhà máy sản xuất: Bạn nên tiến hành vệ sinh định kỳ ít nhất 1-2 tháng/lần. Bởi các nhà máy và xí nghiệp là nơi sử dụng điều hòa 24/24. Theo thời gian thì tuổi thọ của thiết bị sẽ bị giảm đi nhiều cũng như dễ bị bụi bẩn hơn.
Cách vệ sinh máy lạnh tại nhà vô cùng dễ dàng
Để có thể tiến hành việc vệ sinh máy lạnh tại nhà, bạn cần phải làm theo các bước như sau:
1. Dụng cụ cần chuẩn bị
- Găng tay
- Tuốc nơ vít
- Khăn mềm sạch
- Bình xịt chuyên vệ sinh máy lạnh Coil Cleaner
- Chổi quét bụi
- Máy hút bụi cầm tay
2. Các bước vệ sinh máy lạnh dễ dàng
- Bước 1: Đầu tiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình vệ sinh, bạn nên ngắt cầu dao điện kết nối với máy lạnh để tránh bị giật điện hoặc gây chập mạch điện.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn sử dụng tuốc nơ vít để tháo hết các ốc cố định vỏ ngoài của dàn lạnh. Sau đó bạn tháo vỏ ngoài của dàn lạnh ra, tháo màng lọc bụi bẩn ở lớp ngoài và tháo cả phần cánh đảo gió của máy xuống. Khi này bạn sẽ nhìn thấy rõ các bộ phận linh kiện bên trong dàn lạnh.
- Bước 3: Bạn đem ngâm màng lọc không khí trong chậu nước pha với xà phòng loãng trong vòng 5-10 phút để làm mềm các vết bụi bẩn bám dày đặc ở trên màng lọc. Sau đó bạn dùng bàn chải để chà sạch màng lọc, rồi rửa sạch lại với nước và để nó thật khô ráo.
- Bước 4: Bạn dùng dung dịch xịt rửa điều hòa Coil Cleaner để xịt vào trong khoang thổi không khí và các cánh quạt thổi gió ở bên dưới dàn lạnh. Lưu ý rằng tuyệt đối bạn không được xịt dung dịch vào bảng mạch điều khiển của máy kẻo dễ gây chập điện khi khởi động lại.
- Bước 5: Sau khi xịt đều khắp khoang chứa và cánh quạt của dàn lạnh, bạn để yên khoảng 10 phút để dung dịch vệ sinh phát huy tác dụng. Sau đó bạn dùng khăn khô để lau sạch sẽ lại những nơi vừa xịt rửa.
- Bước 6: Bạn dùng chổi quét bụi để quét sạch bụi bám ở trên các bộ phận khác của dàn lạnh mà bạn không thể dùng bình dung dịch xịt Coil Cleaner làm sạch được. Sau khi quét sạch sẽ xong, bạn dùng máy hút bụi cầm tay để hút sạch bụi bẩn còn sót lại bên trong dàn lạnh.
- Bước 7: Sau khi dàn lạnh đã được làm sạch bụi bẩn và để khô ráo. Bạn tiến hành lắp ráp lại màng lọc không khí vào máy, sau đó mới lắp lại vỏ ngoài của dàn lạnh vào như cũ.
- Bước 8: Bạn mở cầu dao điện, bật điều khiển để mở điều hòa hoạt động. Sau khi xác định máy lạnh đã hoạt động được bình thường và không còn vấn đề gì nữa, bạn tháo bọc nilon hứng bụi bẩn với nước ra rồi làm sạch sẽ lại các thứ xung quanh.
Như vậy công đoạn vệ sinh máy lạnh trong nhà đã hoàn tất, bạn sẽ có được một dàn lạnh sạch sẽ và hoạt động trơn tru y như hồi mới mua về.
Cách vệ sinh dàn nóng điều hòa
Bên cạnh việc vệ sinh máy lạnh bên trong nhà, bạn cũng cần phải vệ sinh thêm dàn nóng lắp ở bên ngoài trời. Bởi đây là thiết bị giúp hút không khí bên ngoài để đưa đến dàn lạnh ở bên trong. Do đó dàn nóng còn bụi bẩn nhiều hơn cả dàn lạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm lạnh và tuổi thọ của máy. Nếu như bạn có đủ thiết bị chuyên dụng thì bạn hoàn toàn có thể tự mình làm công việc vệ sinh mà không cần phải nhờ đến thợ.
1. Dụng cụ cần chuẩn bị
- Tuốc nơ vít
- Cờ lê
- Khăn sạch
- Vòi phun nước có áp lực
- Dung dịch vệ sinh máy lạnh Coil Cleaner
- Máy thổi bụi
2. Các bước vệ sinh dàn nóng điều hòa
- Bước 1: Đầu tiên, bạn ngắt cầu dao điện của máy lạnh để tránh gây chập cháy trong quá trình vệ sinh. Sau đó, bạn dùng tuốc nơ vít để tháo các ốc cố định để giúp bạn có thể tháo được vỏ ngoài của dàn nóng.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn dùng cờ lê để tháo ốc vặn của cánh quạt dàn nóng. Sau đó bạn dùng tuốc nơ vít để tháo rời khung quạt và mô tơ bên trong ra để vệ sinh.
- Bước 3: Đối với cánh quạt đã tháo rời, bạn dùng nước để rửa sạch bụi bẩn bám ở trên cánh quạt. Sau đó bạn dùng khăn lau sạch rồi để cánh quạt cho ráo nước.
- Bước 4: Khi bạn tháo khung quạt hút gió ra khỏi dàn nóng, bạn sẽ thấy được các tấm tản nhiệt ở xung quanh. Khi này bạn sử dụng dung dịch Coil Cleaner xịt đều khắp các tấm tản nhiệt, sau đó đợi khoảng 10 phút để dung dịch phát huy tác dụng làm sạch.
- Bước 5: Bạn dùng vòi nước có áp lực cao, xịt rửa các tấm tản nhiệt của dàn nóng cho sạch hết bụi bẩn. Lưu ý tuyệt đối không được xịt nước vào bảng mạch điện nằm ở bên phải của dàn nóng. Bạn có thể dùng nilon để che chắn trước khi tiến hành phun nước vệ sinh máy.
- Bước 6: Sau khi vệ sinh xong, bạn dùng máy thổi bụi để thổi sạch nước ra khỏi lưới tản nhiệt cũng như thổi sạch bụi bẩn ở mạch điện và các bộ phận xung quanh. Sau đó bạn tiến hành lắp ráp lại khung quạt gió và vỏ ngoài bọc dàn nóng như cũ.
- Bước 7: Kiểm tra các ốc vít, chốt mở lần cuối xem đã vặn chặt hay chưa. Rồi bạn mới mở lại cầu dao điện, khởi động lại điều hòa để kiểm tra xem máy đã hoạt động trơn tru như cũ không.
Như vậy là bạn đã hoàn thành công đoạn vệ sinh máy lạnh ở dàn nóng đặt ngoài trời rồi. Nếu như máy lạnh vẫn không làm mát được tốt, bạn cần gọi thợ đến để kiểm tra lại lượng gas trong dàn nóng và bơm đầy lại nếu cần. Từ đó bạn sẽ có lại được một chiếc điều hòa nhiệt độ hoạt động ổn định, làm mát mẻ căn phòng giống như hồi mới mua về.
Lưu ý khi tự vệ sinh máy lạnh mà không cần gọi thợ
- Trước khi bạn có ý định vệ sinh máy lạnh tại nhà, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như đề xuất trong bài viết vừa rồi. Có như vậy thì bạn mới có thể làm sạch điều hòa của gia đình một cách tốt nhất và đảm bảo máy hoạt động tốt trở lại sau khi vệ sinh xong.
- Bạn cần ngắt cầu dao điện của máy lạnh trước khi tiến hành tháo vỏ ngoài của máy để tiến hành xịt rửa. Điều này sẽ giúp bạn tránh được các hỏng hóc không mong muốn cũng như đảm bảo an toàn cho bạn.
- Bạn chỉ nên sử dụng dung dịch Coil Cleaner hoặc các dung dịch vệ sinh máy lạnh khác để vệ sinh điều hòa. Bởi các loại dung dịch này là dung dịch chuyên dụng, thích hợp và an toàn đối với các bộ phận kim loại của máy. Tuyệt đối không sử dụng nước xà phòng tự pha để xịt rửa các thiết bị điện tử.
- Nếu bạn cảm thấy việc vệ sinh máy lạnh quá khó khăn, bạn nên gọi điện nhờ đến sự trợ giúp của thợ điều hòa thay vì cứ tiếp tục tự mình vệ sinh nhé.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/cay-canh-vuon/cach-ve-sinh-may-lanh-tai-nha-de-dang-hieu-qua-ma-khong-can-goi-tho-c283a516225.html