Bị suy giảm thị lực do thói quen ăn uống kén chọn, thiếu chất dinh dưỡng?
Mới đây, Tạp chí Annals of Internal Medicine (Hoa Kỳ) thông tin trường hợp một thiếu niên 17 tuổi bị suy giảm thị lực cả hai mắt do thói quen ăn uống kén chọn, thiếu chất dinh dưỡng.
Theo đó, ngay từ khi 14 tuổi, cậu bé này đã luôn cảm thấy mệt mỏi, không có tinh thần để làm bất cứ chuyện gì. Đến năm 15 tuổi, thính giác và thị giác bắt đầu suy giảm.
Lúc này, cậu được đưa đi khám, kiểm tra ở khoa tai - mũi - họng và khoa mắt nhưng các bác sĩ đều không tìm thấy bất kỳ tổn thương rõ ràng nào, cũng như nguyên nhân triệu chứng. Dù vậy, các bác sĩ cũng nghi ngờ khả năng bệnh nhân bị thiếu vitamin B12, chỉ định tiêm bổ sung loại vitamin này và tư vấn chế độ dinh dưỡng cho cậu bé.
Tuy vậy, chỉ hai năm sau, thị lực và thính lực của cậu bé giảm rõ rệt, nhìn mọi thứ đều mờ nhòe, lãng tai. Lúc này, bác sĩ mới phát hiện ra rằng cậu bị thiếu vitamin B12, D và mật độ xương một cách trầm trọng do thói quen ăn uống nghèo chất dinh dưỡng của cậu với những thức ăn nhanh, từ đó khiến cậu bị bệnh thần kinh thị giác ở cả hai mắt.
Qua tìm hiểu, từ khi học tiểu học, cậu chỉ chọn ăn những thức ăn nhanh như: khoai tây chiên, bánh mì, xúc xích cùng giăm bông và tiếp tục giữ thói quen đó trong hơn một thập kỉ qua.
Kén ăn, chỉ ăn những đồ ăn nhanh là không tốt cho sức khỏe.
Bệnh thần kinh thị giác do chế độ ăn nghèo nàn
Dây thần kinh giống như một hệ thống lưới lớn, có mặt ở khắp cơ thể và đóng các vai trò khác nhau. Dây thần kinh kết nối giữa não và mắt được gọi là dây thần kinh thị giác. Nó là một kiểu dây thần kinh cảm giác, phụ trách truyền tín hiệu lên não những gì ta nhìn thấy được trong cuộc sống. Nếu dây thần kinh xảy ra vấn đề, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực.
Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, nghèo nàn có thể gây nên bệnh thần kinh thị giác, suy giảm chức năng dẫn truyền của dây thần kinh. Bên cạnh đó, kết hợp với tác dụng phụ của thuốc hay các thói quen hút thuốc, uống rượu làm nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn.
Cơ thể chủ yếu thiếu các chất như vitamin B, bao gồm B1, B2, B3, B6, B12 và axit folic. Ngoài ra còn thiếu axit amin và đồng. Các đặc điểm lâm sàng là giảm thị lực ở hai mắt, khó khăn trong việc nhận biết màu sắc, tầm nhìn mắt xuất hiện các điểm tối ở ngay giữa trung tâm hoặc bên cạnh trung tâm tầm nhìn.
Làm sao để chuẩn đoán bệnh?
Bệnh xuất hiện ở những người chưa trưởng thành thường rất khó phát hiện. Bởi vì sự phát triển cơ thể của thiếu niên vẫn bình thường (chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI ở mức độ ổn định) nên các bác sĩ thường khó phát hiện được bệnh.
Mặc dù không nhiều nhưng các triệu chứng xuất hiện ở trẻ vị thành niên, thanh niên đều là các trường hợp điển hình. Vấn đề chính là do họ kén ăn, dẫn đến thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, đặc biệt là thiếu vitamin B hay các chất dinh dưỡng khác.
Thị lực suy giảm vì bệnh thần kinh thị giác không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần mà còn làm đảo lộn cuộc sống.
Phương pháp để chữa trị bệnh thần kinh thị lực
Người mắc bệnh thần kinh thị giác cần phải được chữa trị kết hợp cả điều trị y tế và bổ sung dinh dưỡng. Liệu pháp dinh dưỡng chủ yếu dựa vào chế độ ăn uống, bổ sung các thực phẩm chứa các chất cần thiết. Đặc biệt cần bổ sung vitamin B qua các nguồn thực phẩm như:
- Ngũ cốc nguyên hạt: gạo nâu, lúa mạch, hạt kê.
- Thịt: thịt đỏ, thịt gia cầm, cá.
- Trứng, các sản phẩm từ sữa: sữa, phô mai.
- Các loại đậu: đậu, đậu lăng.
- Các loại hạt: hạt hướng dương, hạnh nhân.
- Rau xanh: bông cải xanh, rau bina.
- Trái cây: trái cây họ cam quýt, bơ, chuối.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/thoi-quen-ken-an-che-do-an-uong-ngheo-nan-co-the-dan-den-suy-giam-thi-luc-nghiem-trong-ca-hai-mat-20191016174314233.chn