Bé gái 2 tháng tuổi nhập viện do người nhà cho uống nhầm axit
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa điều trị cho bé gái 2 tháng tuổi ở Hà Nội bị bỏng nặng vì người nhà cho uống nhầm axit trichloracetic thay vì thuốc Aquadetrim (vitamin D).
Sau khi nhỏ thuốc vào miệng, trẻ khóc thét, hoảng loạn. Ngay lập tức, gia đình sơ cứu, rửa khoang miệng bằng nước và đưa con đến đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bỏng axit độ III khoang miệng, tổn thương phổi và theo dõi bỏng thực quản. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi ổn định sức khỏe và được ra viện. Tuy nhiên, bé vẫn cần được theo dõi tình trạng ăn uống và hô hấp để quản lý di chứng tổn thương phổi và thực quản sau bỏng.
Ngoài trường hợp này, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận bé trai N.T. (11 tuổi, ở Hà Nội) bị bỏng nặng do điện giật.
Gia đình cho biết phát hiện trẻ bị điện giật ngoài sân trong tình trạng tím tái, ngừng thở và được sơ cứu tại chỗ bằng cách ép tim. Sau 35 phút ép tim, bé trai thở lại và được chuyển đến cơ sở y tế gần nhà.
Do tình trạng chuyển biến nặng, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở máy, suy đa tạng, hôn mê sau ngừng tuần hoàn, bỏng điện độ IV-V vùng cổ tay phải, cổ tay trái và vùng ngực. Ngay lập tức, trẻ được hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu để giải phóng chèn ép khoang cẳng tay phải do hoại tử bỏng khô chèn ép.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thay băng cho trẻ bị bỏng. Ảnh: BVCC. |
Sau một tuần điều trị, trẻ được cai thở máy, nhưng tình trạng suy thận cấp vẫn nặng nên được chuyển đến điều trị tại khoa Thận và Lọc máu.
Sau khi tình trạng suy thận được cải thiện, bé trai được chuyển đến đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, để phẫu thuật cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da che phủ diện bỏng hoại tử da, gân cơ, xương. Hiện tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị Bỏng, khoa Chỉnh hình, cho biết bỏng là tổn thương cấp tính của cơ thể gây nên bởi nhiệt, hóa chất, dòng điện, bức xạ. Da của trẻ em mỏng và liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn, nên bỏng thường nặng và sâu. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao, nguy cơ sốc bỏng cũng cao hơn dù diện tích bỏng không lớn (3-5%).
Việc sơ cứu ban đầu tại nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế độ sâu của bỏng, mức độ nặng toàn thân và tránh tình trạng bội nhiễm.Tuy nhiên, việc sơ cứu cần người giám hộ trẻ phải bình tĩnh và xử trí đúng cách.
Để phòng tránh tai nạn bỏng và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo:
- Không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…
- Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt..., phải để nơi an toàn và trẻ không thể với tới được.
- Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống để tránh nhầm lẫn có thể xảy ra.
- Không để chung thuốc uống với thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.
- Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
- Với trẻ đã nhận thức được, cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cũng nên học kỹ thuật sơ cứu với một số tai nạn thương tích thường gặp để có thể sơ cứu ban đầu đúng cách trong những trường hợp không may mắc phải, nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/be-gai-2-thang-tuoi-bong-nang-do-nguoi-nha-cho-uong-nham-axit-post1270054.html