Bạn có biết thói quen này đang giết chết chính con mình?
Không có điện thoại – bỏ ăn
Chị Nguyễn Thị Kiều Lan (Hoàng Văn Thụ, Hà Đông, Hà Nội) than thở hai đứa con của chị đến bữa ăn mỗi cháu một cái điện thoại, ipad và không có những chiếc điện thoại thông minh này đồng nghĩa con chị không ăn.
Chị Lan kể, con trai lớn 4 tuổi, cháu bé 13 tháng nhưng đều ăn khi có điện thoại để trước mặt. Chị thu điện thoại là con bỏ ăn thậm chí lăn ra khóc ăn vạ. Chính vì thế, biết điện thoại có hại nhưng vì muốn con ăn nhiều, ăn nhanh chị đành tặc lưỡi thôi kệ chúng.
Bé Mon 2 tuổi, con chị Diệu Hiền, Cầu Giấy, Hà Nội cũng tương tự. Chị Hiền kể suốt ngày về nhà bé đòi điện thoại. Ở trường bé không đòi nhưng về nhà, để bé ăn, để bé ngồi im cho mẹ nấu nướng chị phải lôi điện thoại ra cho con xem. Có lúc, chị thấy điện thoại như một vú em dỗ trẻ rất nhanh. Chị lấy lại điện thoại con sẽ lăn ra khóc đến khi nào mẹ trả lại điện thoại mới nín.
Việc cai điện thoại cho con rất khó. Nhiều lần chị kiên quyết để điện thoại sập nguồn, con chị cầm điện thoại không mở được sẽ khóc và ném điện thoại ăn vạ. Chị Hiền cảm giác con không có điện thoại sẽ không được "ngoan". Người bận rộn như vợ chồng chị không có thời gian chăm con hay dỗ dành con thì việc ném điện thoại để con ngoan được tận dụng tối đa.
Nhiều trẻ phản ứng khi bị cha mẹ thu điện thoại
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng – bác sĩ Nhi khoa tại Texas, Hoa Kỳ điện thoại có nhiều tiện ích nhưng không thể coi thường tác hại của chúng. Những chiếc điện thoại thông minh đang trở thành xu thế ngăn cản kết nối giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè bằng giao tiếp và với trẻ nhỏ cũng thế.
Các con được cha mẹ đưa cho điện thoại để ăn ngon, chơi đùa mà không để ý kỹ tác hại của điện thoại thông minh.
Sử dụng điện thoại thông minh như thế nào?
Bác sĩ Hưng cho biết Viện Sức Khoẻ Quốc Gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health) đang thực hiện một nghiên cứu rất lớn, là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này trên 11000 trẻ em trong độ tuổi 9-10 và sẽ tiếp tục theo dõi những trẻ này trong suốt một thập kỷ cho đến khi chúng trưởng thành. Đây là một nghiên cứu quy mô lớn, với chi phí khoảng 300 triệu USD.
Thông tin về thời lượng trước màn hình, lứa tuổi sử dụng, mức độ phụ thuộc, sự phát triển tâm thần, thành tích học tập,… được thu thập để đánh giá mức độ ảnh hưởng của màn hình kỹ thuật số (điện thoại, máy tính bảng, game điện tử) lên não bộ con người. Không chỉ thu thập thông tin, họ còn chụp hình não bộ của tất cả các trẻ tham gia trong nghiên cứu.
Sau khi chụp hình não bộ của 4500 trẻ, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng não bộ của những trẻ dùng màn hình nhiều hơn 7 giờ mỗi ngày có hiện tượng vỏ não bị mỏng sớm. Vỏ não là lớp ngoài cùng của não bộ, nơi có những nếp nhăn tri thức của mỗi người.
Vỏ não có vai trò quan trọng với trí nhớ, sự chú ý, nhận thức, cảm giác, tư duy, ngôn ngữ và ý thức của mỗi người. Có nghĩa là sử dụng quá nhiều các sản phẩm "thông minh" sẽ làm cho chúng ta ngu ngốc hơn.
Những trẻ sử dụng màn hình nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày sẽ có điểm thấp hơn trong các kiểm tra về ngôn ngữ và tư duy. Điều này được giải thích rằng các trẻ dùng màn hình quá nhiều, chúng không thể áp dụng những kỹ năng được học trên màn hình 2D vào thế giới 3D.
Họ cho các trẻ chơi trò chơi chồng các một hình Lego trên ipad, sau đó khi được cho chơi bằng Lego thật, trẻ không dùng được kỹ năng học được khi chơi trên ipad mà phải học lại từ đầu.
Trẻ bao nhiêu tuổi được sử dụng điện thoại thông minh
Bác sĩ Hưng cho biết hạn chế sử dụng điện thoại là cách tốt nhất để trẻ phát triển tự nhiên. Việc sử dụng điện thoại như thế nào, bác sĩ Hưng đưa ra khuyến cáo của hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ.
Theo đó, trẻ nhỏ hơn 18 tháng, không màn hình ngoại trừ dùng cuộc gọi video. Trẻ 18-24 tháng, vẫn là không, nhưng ba mẹ nếu muốn giới thiệu cho con có thể cùng trẻ xem những chương trình chất lượng cao và giải thích cho trẻ.
Đối với những trẻ từ 2-5 tuổi: không quá 1 giờ mỗi ngày, nếu có thể thì cùng xem với con, giải thích những gì chúng đang xem và áp dụng vào cuộc sống, ví dụ như là xem phim hoạt hình dạy trẻ đánh răng. Nên tăng những hoạt động khác cùng trẻ như đọc sách, chơi đùa, trò chuyện.
Trẻ lớn hơn 5 tuổi dù không có khuyến cáo về số giờ tối đa, nhưng hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ luôn đặt giới hạn cho thời gian trước màn hình, bảo đảm thời gian ngủ 8-12 giờ tuỳ theo tuổi.
Không nên xem điện thoại trong bữa ăn và không nên để điện thoại, thiết bị phát sóng trong phòng ngủ và cần có sự giám sát, hướng dẫn của cha mẹ khi tiếp cận các phương tiện truyền thông.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/su-dung-dien-thoai-nhu-mot-vu-em-cha-me-khong-hay-biet-tac-hai-khung-khiep-voi-con-minh-20190716155509385.chn