Ấn Độ - Trung Quốc bổ sung hàng chục nghìn binh sĩ tại biên giới

21:00' 06-07-2021
Cả 2 nước đưa hàng chục nghìn binh sĩ và thiết bị quân sự tiên tiến tới khu vực tranh chấp ở biên giới. Đây là đợt triển khai hoạt động quân sự ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.


    tranh chap bien gioi trung - an anh 1

    Theo các quan chức tình báo và quân đội Ấn Độ, trong vài tháng qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dần dần tăng cường sự hiện diện, thông qua việc cử thêm 15.000 nhân sự so với thời điểm này năm 2020, lên ít nhất 50.000 binh sĩ.

    Động thái này nhằm tương xứng với hành động của Ấn Độ - quốc gia cũng gửi hàng chục nghìn binh sĩ và pháo tối tân tới khu vực.

    Theo Wall Street Journal, cả hai quốc gia đều liên tục xây dựng cơ sở hạ tầng tại biên giới, bao gồm các cabin và lều cách nhiệt cho quân đội đóng quân gần đó trải qua mùa đông khắc nghiệt trên dãy Himalaya.

    Phần lớn hoạt động xây dựng quân sự diễn ra ở phía đông Ladakh - khu vực giáp ranh với Kashmir và Tây Tạng.

    Nơi đây từng xảy ra cuộc đối đầu chết người giữa hai nước trong nhiều thập kỷ vào gần đây nhất là cuộc chạm trán vào tháng 6/2020 tại Thung lũng Galwan, khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng.

    Thi nhau củng cố lực lượng

    Lực lượng an ninh Trung Quốc - vốn thường đến Khu tự trị Tây Tạng huấn luyện vào mùa hè, do trung tâm chỉ huy miền Tây của PLA chỉ đạo - gần đây đã tham gia các cuộc tập trận tập trung chiến đấu bằng vũ khí tinh vi.

    Các quan chức Ấn Độ lo ngại Trung Quốc lợi dụng các cuộc tập trận như một vỏ bọc để thường xuyên chuyển thêm quân đến khu vực này.

    Các quan chức Ấn Độ cho biết Trung Quốc đã chuyển thêm nhiều tên lửa đất đối không tiên tiến đến khu vực, bao gồm cả hệ thống HQ-9, tương tự tổ hợp phòng không tên lửa S-300 của Nga và Patriot của Mỹ.

    Quân đội nước này cũng xây dựng hàng trăm công trình mới để hỗ trợ binh sĩ ở các đồn trú quân sự tại thị trấn Rudok - biên giới Ladakh của Tây Tạng, và tại Kangxiwar - nằm ở phía bắc của cao nguyên Aksai Chin, nối Tây Tạng với khu vực Tân Cương, do Trung Quốc kiểm soát.

    Không chỉ vậy, Trung Quốc còn cho đào các boongke và đường hầm dưới lòng đất, đồng thời xây dựng các nhà máy thủy điện cỡ nhỏ và tấm pin Mặt Trời. Họ lắp đặt thêm các cabin và chòi di động, sân bay trực thăng cùng với bệnh viện dã chiến.

    Tại trại Rudok, khoảng 20 trại tạm thời và cố định đã được dựng lên với sức chưa từ 15.000 đến 18.000 quân. Trước đây, sức chứa của trại được giới hạn ở khoảng 5.000 quân.

    tranh chap bien gioi trung - an anh 2

    Binh lính Ấn Độ đứng gác tại một trạm kiểm soát dọc theo đường cao tốc dẫn đến khu vực Ladakh. Ảnh: Reuters.

    D.S. Hooda, cựu trung tướng của quân đội Ấn Độ, cho biết Trung Quốc tập trung phát triển quân số và cải thiện cơ sở hạ tầng tại các sân bay để hỗ trợ hoạt động tác chiến trên không.

    “Đây là một điểm yếu của Trung Quốc và họ đang tìm cách cải thiện”, ông nói thêm.

    Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định tình hình ở biên giới hai nước ổn định và có thể kiểm soát được. Hai bên đang chuẩn bị cho một vòng đàm phán quân sự khác nhằm giúp xoa dịu căng thẳng.

    “Trung Quốc tin rằng bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang và xây dựng cơ sở hạ tầng nào nhằm mục đích kiểm soát quân sự đều không có lợi cho việc duy trì hòa bình ở khu vực biên giới”, phát ngôn viên này nói.

    Về phần mình, Ấn Độ đã và đang nỗ lực củng cố vị thế quân sự khi xây dựng đường sá, đường hầm và cơ sở cách nhiệt để đóng quân trong suốt mùa đông.

    Ngoài ra, Ấn Độ cũng tăng cường khả năng tuần tra biên giới của lực lượng không quân. Tháng 9/2020, lực lượng không quân Ấn Độ thành lập một phi đội gồm 18 máy bay chiến đấu phản lực tại thành phố Ambala, phía bắc bang Haryana.

    Một số máy bay chiến đấu phản lực đã được triển khai cho các cuộc xuất kích ở phía đông Ladakh.

    Lực lượng không quân Ấn Độ cũng lên kế hoạch thành lập một phi đội thứ hai tại căn cứ không quân Hasimara, bang Tây Bengal, gần khu vực tranh chấp khác tại biên giới.

    Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

    Không chịu nhượng bộ

    Trung Quốc và Ấn Độ ngăn cách dọc theo biên giới dài khoảng 3.218 km bằng một đường phân giới mơ hồ, hay còn gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC).

    Ấn Độ công nhận quyền kiểm soát biên giới của mình mở rộng đến khu vực Trung Quốc rút quân vào cuối cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước.

    Trong khi đó, Trung Quốc công nhận quyền kiểm soát biên giới của mình mở rộng đến khu vực quân đội nước này nắm giữ vào năm 1959.

    Ở phía đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với Arunachal Pradesh - nơi Ấn Độ coi là một phần lãnh thổ, và ở phía tây là cao nguyên Aksai Chin.

    Hai nước đôi khi giữ nguyên các quy tắc nhằm tránh làm leo thang căng thẳng.

    Ví dụ, quân lính đóng tại biên giới không được phép mang theo súng. Tuy nhiên, sau cuộc đụng độ vào tháng 6/2020 - khi các binh sĩ đánh nhau bằng dùi cui quấn thép gai, nguyên tắc này đã thay đổi để các chỉ huy trên mặt đất linh hoạt hơn khi đưa ra quyết định.

    Gần đây, hai bên tranh giành vị trí tại các khu vực trọng điểm, tạo nguy cơ tích tụ thành một cuộc đụng độ mới.

    Việc Ấn Độ xây dựng một con đường mới dẫn đến sân bay của nước này là một trong những yếu tố góp phần vào cuộc đụng độ năm 2020.

    Sau khi con đường này hoàn thành, quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu tìm cách chiếm một phần của thung lũng Galwan nhằm tiếp cận khu vực có thể nhìn ra con đường mới của Ấn Độ.

    tranh chap bien gioi trung - an anh 3

    Tấm áp phích tại thủ New Delhi tưởng nhớ những người lính Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc giao tranh với binh lính Trung Quốc vào tháng 6/2020. Ảnh: AFP.

    Với nỗ lực giảm leo thang căng thẳng, Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức khoảng một chục vòng đàm phán giữa quan chức quân sự và ngoại giao kể từ cuộc đối đầu năm 2020.

    Sau các cuộc đàm phán, quân đội hai quốc gia đã cùng rút lui ra khỏi khu vực Pangong Tso. Tuy nhiên, quân đội của cả hai vẫn đóng quân tại các căn cứ có thể tới khu vực này trong vài giờ.

    Những hành động gần đây cũng cho thấy các cuộc đàm phán không giúp ích gì nhiều nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, hay hạn chế nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ tiếp theo.

    “Tách biệt mọi khu vực tranh chấp, giảm leo thang và cam kết duy trì hòa bình dọc biên giới là cách giải quyết cho vấn đề này và cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia”, ông S.L. Narasimhan, thành viên ban cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, cho biết.

    Việc bố trí quân trên bộ cũng là yếu tố quan trọng cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

    “Trung Quốc đang nhắc nhở Ấn Độ rằng tranh chấp này khó có thể hoàn toàn được giải quyết thông qua đối thoại", Sreeram Chaulia - hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Toàn cầu OP Jindal, Ấn Độ - cho biết.

    Ông nói Ấn Độ sẽ cần đưa ra những con bài thương lượng tương tự năm 2020 bằng cách nắm giữ khu vực chiến lược, cho Trung Quốc thấy rằng Ấn Độ không hề né tránh một cuộc đụng độ trực tiếp.

    Theo ông Chaulia, Ấn Độ có thể đặt ra rào cản đối với hàng nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này, hoặc phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với các quốc gia thuộc Bộ Tứ - bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia - trong các cuộc tuần tra tại Biển Đông, biển Hoa Đông và vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
St Albans Sports Club Vùng: Kings Park. Phone: 9367 5956
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/hang-chuc-nghin-linh-an-do-va-trung-quoc-de-chung-nhau-o-bien-gioi-post1234747.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ