Yemen trở lại thành điểm nóng bất ổn ở Trung Đông
Những cuộc giao tranh quyết liệt ở thành phố cảng Aden của Yemen và việc liên quân Arab Saudi Arabia tấn công vào thành phố này đang biến Yemen trở lại thành điểm nóng bất ổn ở Trung Đông.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo được coi là tồi tệ nhất thế giới tại đây, xung đột kéo dài dai dẳng ở nước này có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với sự tham dự của nhiều bên, trong đó có các thế lực chủ chốt ở khu vực như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đẩy tình hình Yemen lún sâu vào vòng xoáy bạo lực không có hồi kết.
Tình hình trên thực địa ở Yemen đã thay đổi chóng vánh sau khi các nhóm vũ trang, vốn ủng hộ tổ chức gọi là Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC), mở các cuộc tấn công và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực thuộc miền Nam nước này, đặc biệt là thành phố Aden - nơi vốn được xem là thành trì của chính quyền Tổng thống Mansour Hadi, nhân vật đang số lưu vong ở Saudi Arabia.
Cục diện ở Yemen, từ hai phe giao tranh chính là các tay súng Houthi và lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Hadi, nay tạm thời chuyển thành thế “kiềng ba chân” với sự nổi lên của lực lượng miền Nam hậu thuẫn STC.
Sự xuất hiện của "người chơi" mới mà cũ STC trên "bàn cờ chính trị" Yemen càng khiến tình hình phức tạp bởi lực lượng này nhận được sự ủng hộ của UAE. Bên cạnh đó, cục diện mới này cũng có nguy cơ "đảo ngược" những tiến bộ ít ỏi đạt được trong việc chấm dứt cuộc nội chiến bùng phát hơn 4 năm qua ở Yemen.
Tình cảnh rối ren ở Yemen lúc này có thể coi là hệ quả trực tiếp của làn sóng mang tên "mùa Xuân Arab" càn quét khu vực Trung Đông-Bắc Phi 8 năm trước.
Xung đột vũ trang ở Yemen được châm ngòi từ cuộc khủng hoảng chính trị và khoảng trống an ninh sau khi cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh ra đi năm 2012 do các cuộc biểu tình đường phố của "mùa Xuân Arab."
Các binh sỹ trung thành với Hội đồng Chuyển tiếp miền Nam (STC) gác tại Aden, Yemen ngày 7/8. (Ảnh: THX)
Quá trình chuyển giao quyền lực sau đó tại quốc gia có đông người Hồi giáo dòng Sunni này diễn ra hết sức khó khăn bởi sự chia rẽ sắc tộc và thù địch phe phái, kéo theo giao tranh liên miên giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ Tổng thống Mansour Hadi, người lên nắm quyền thay ông Saleh, và các tay súng thuộc nhóm Houthi theo phong trào Hồi giáo Shi'ite.
Khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông thêm trầm trọng kể từ tháng 9/2014 khi Houthi tiến đánh và chiếm thủ đô Sanaa, và tới đầu năm 2015, lực lượng Hồi giáo dòng Shiite này đã giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực miền Bắc, buộc Tổng thống Mansour Hadi từ chức và sống lưu vong ở Saudi Arabia.
Kể từ đó, Yemen rơi vào "cuộc nội chiến được khu vực hóa" khi liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp quân sự để ủng hộ lực lượng chính phủ Tổng thống Mansour Hadi chống phiến quân Houthi, mà các nước Arab luôn cho rằng được Iran hậu thuẫn.
Suốt 4 năm qua, cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người tại Yemen, đồng thời khiến quốc gia Trung Đông chìm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới với hơn 80% dân số - khoảng 24 triệu người - phải sống trong cảnh khốn khó cần được cứu trợ nhân đạo.
Các nỗ lực hòa giải của Liên hợp quốc đã thu được kết quả bước đầu khi phe chính phủ và Houthi nhất trí ngừng bắn và rút quân khỏi thành phố cảng Hodeidah hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng việc triển khai thỏa thuận này liên tục bị gián đoạn do căng thẳng và đụng độ giữa các bên.
Trong bối cảnh đó, cục diện mới từ sự rạn nứt trong nội bộ các lực lượng chống Houthi đang khiến tình hình Yemen thêm bất ổn.
Phe STC, vốn được cho là có tư tưởng "ly khai," từ lâu đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Hadi không đủ khả năng kiểm soát tình hình đất nước, nhất là khi ông Hadi luôn ở Saudi Arabia.
Phe này cho rằng lực lượng ủng hộ chính phủ đang bị phía Houthi lấn lướt. Vụ tấn công mới đây nhằm vào lực lượng miền Nam, được cho là do các tay súng Houthi tiến hành, như "đổ thêm dầu."
Việc phe ủng hộ STC tấn công Aden được coi là bước đi tranh thủ tình hình "tranh tối tranh sáng" để giành lợi thế cho mình, bởi trước kia, các lực lượng ở miền Nam bị gạt ra rìa “cuộc chơi” thì nay lực lượng này có thể có tiếng nói nhất định.
Giới quan sát cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu sắp tới phe STC sẽ là đối trọng chính với lực lượng Houthi trên thực địa và rất có thể Yemen sẽ bị phân chia thành hai miền Nam-Bắc như đã từng xảy ra trong lịch sử. Khi ấy tương lai của chính quyền Tổng thống lưu vong Hadi sẽ là một dấu hỏi lớn.
Cục diện hiện nay ở Yemen cũng có "bàn tay" của Saudi Arabia và UAE, hai thành viên chủ chốt của liên quân Arab tham chiến ở Yemen từ tháng 3/2015.
Thực tế cho thấy cho đến nay, sau hơn 4 năm can dự vào tình hình Yemen, Saudi Arabia và các đồng minh, dù được sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, đã không thu được kết quả như mong đợi, không thể ngăn cản nổi bước tiến của Houthi.
Cảnh đổ nát sau các vụ không kích của Liên quân Arab. (Ảnh: THX)
Sự can thiệp của liên quân Arab cũng khiến an ninh của các nước này bị đe dọa khi Houthi đã tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Saudi Arabia và UAE bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Bản thân UAE được cho là không thu được “lợi lộc” gì trong suốt mấy năm qua và đã thông báo ý định sẽ giảm bớt lực lượng quân sự ở Yemen, song vẫn “chống lưng” lực lượng miền Nam.
Việc ủng hộ STC và nhóm vũ trang miền Nam giúp UAE "rút một chân” ra khỏi cuộc chiến dai dẳng ở Yemen, giảm thiểu tổn thất và rủi ro có thể phát sinh, song vẫn duy trì được ảnh hưởng tại Yemen.
Đã có ý kiến cho rằng sự “rạn nứt” trong quan hệ giữa UAE và Saudi Arabia xuất hiện do hai nước có lập trường và lợi ích khác nhau ở Yemen, dù vẫn là đồng minh thân cận của nhau.
Saudi Arabia luôn coi sự ổn định và an ninh ở nước láng giềng Yemen, cũng như việc duy trì tại đây một chính phủ có quan hệ gần gũi, hữu nghị với Riyadh, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an ninh và tầm ảnh hưởng cho chính vương quốc giàu dầu mỏ này. Nói cách khác, Saudi Arabia có nhiều mục tiêu về chính trị và an ninh khi can dự vào tình hình ở Yemen.
Với vai trò đứng đầu liên quân Arab, Saudi Arabia cũng không thể dễ dàng tuyên bố rút quân khỏi Yemen, bởi điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại trước Houthi và thế lực đứng đằng sau nhóm này.
Về phần UAE, việc can dự vào Yemen được cho là xuất phát từ tính toán kinh tế nhiều hơn, cụ thể là đảm bảo những lợi ích kinh tế của UAE liên quan đến các tuyến đường vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ ở Vịnh Aden và Eo biển Mandeb, hướng tới khu vực Sừng châu Phi. Trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Hadi đã thể hiện sự “bất lực,” yếu ớt và không có thực lực, lực lượng miền Nam là một “sự lựa chọn” phù hợp của UAE.
Cục diện mới trên bàn cờ chính trị Yemen một lần nữa phản ánh tình trạng rối ren, chia rẽ và bất ổn, cũng như cuộc tranh giành ảnh hưởng quyết liệt ở "điểm nóng" Trung Đông.
Thực tế cho thấy nếu các bên tham chiến tại Yemen cũng như các thế lực can thiệp từ bên ngoài chỉ tập trung vào việc theo đuổi những toan tính và mục đích của riêng, thì mọi nỗ lực thúc đẩy cuộc hòa đàm giữa các phe phái ở nước này do Liên hợp quốc làm trung gian sẽ chỉ như “dã tràng xe cát”.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/yemen-ngay-cang-lun-sau-vao-vong-xoay-bao-luc-khong-co-hoi-ket/590065.vnp