Ý nghĩa ngày Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 Âm lịch

23:00' 13-04-2021
Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 âm lịch là ngày gì? Dịp này các gia đình thường làm lễ gì để dâng lên ông bà tổ tiên, ý nghĩa của ngày lễ này trong đời sống văn hóa của người Việt là như thế nào?


    1. Tết Hàn Thực là ngày gì?

    Tết Hàn Thực còn gọi là “Tết bánh trôi bánh chay” hay “Tết đồ lạnh”, diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Trong ngày này, các gia đình người Việt đều làm bánh trôi bánh chay để cúng tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp.

    Theo chiết tự chữ Hán, “Hàn” có nghĩa là lạnh, còn “Thực” có nghĩa là thức ăn, tết Hàn Thực chính là “ngày ăn đồ lạnh” theo đúng nghĩa đen. Theo truyền thống, trong ngày này người ta không nổi lửa nấu cơm mà chỉ căn thức ăn đã nấu từ hôm trước, thức ăn nguội.

    Tết Hàn Thực ở Việt Nam vốn xuất phát từ điển tích của Trung Quốc. Tuy vậy, ngày tết này của nước ta vẫn mang những bản sắc riêng biệt, đậm nét văn hóa người Việt.

    2. Nguồn gốc Tết Hàn Thực

    Chuyện kể rằng, vua Tấn Văn Công là người trị vì nước Tấn (Trung Hoa lúc bấy giờ). Đến một ngày nước Tấn gặp loạn, Tấn Văn Công phải bỏ quốc gia sống cảnh lưu vong nay nước Tề mai nước Sở. Trong thời buổi khó khăn này, rất may bên cạnh vua còn có một vị hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi luôn hết mình phò tá, giúp sức, bày mưu kế, ông là một người một mực trung thành với vua.

    Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén tự cắt một miếng thịt đùi của mình để nấu dâng lên vua ăn. Vua Tấn Văn Công sau khi ăn xong, thấy lạ nên mới hỏi Giới Tử Thôi. Sau khi biết sự “hi sinh” này, trong lòng Tấn Văn Công vô cùng cảm kích.

    Giới Tử Thôi theo phò tá vua trong suốt 19 năm trời, trải qua nhiều lần nằm gai nếm mật, khổ luyện thành tài. Sau này, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, trọng thưởng phong chức, tước cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại vô tình quên mất Giới Tử Thôi.

    Giới Tử Thôi cũng không hề oán trách, cho rằng phò tá vua là trách nhiệm, nghĩa vụ của bề tôi chứ không phải để đổi lấy vinh hoa phú quý. Về sau, ông lẳng lặng về quê nhà, đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn, sống những ngày tháng bình yên, an lạc.

    Sau này vua mới nhớ ra, bèn sai người đi tìm Giới Tử Thôi. Nhưng Giới Tử Thôi là một người không màng danh vọng, chỉ muốn sống một cuộc đời an lạc bên mẹ già nên không đồng ý quay về lĩnh thưởng. Nghe vậy, vua hạ lệnh đốt rừng nhằm để ép Giới Tử Thôi xuất hiện. Không ngờ rằng, vì tinh thần kiên định, Giới Tử Thôi quyết không ra nên đành chết cháy cùng với mẹ ở trong rừng.

    Nhà vua thương xót, hối hận vì hành động ngu ngốc của mình đành cho người lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này là Giới Sơn. Sau đó, vua hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để bày tỏ lòng tưởng nhớ.

    Từ đó, đến ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Đồ cúng cũng phải chuẩn bị từ hôm trước vì lệnh cấm lửa. Tên gọi Tết Hàn Thực cũng ra đời từ đó.

    3. Tết Hàn Thực tại Việt Nam như thế nào?

    Có quan điểm cho rằng Tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay là phong tục cổ của người An Nam từ ngày xa xưa.

    Theo sử xưa chép lại, năm 1292 sứ giả nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh sang thăm đất An Nam đã được Phật Hoàng Trần Nhân Tông gửi biếu mâm bánh kèm bài thơ như sau:

    “Giá chi vũ bãi thí xuân sam
    Huống trị kim triêu tam nguyệt tam
    Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính
    Tòng lai phong tục cựu An Nam.”

    Dịch nghĩa rằng:

    “Múa giá chi rồi, thử áo xuân,
    Hôm nay Hàn Thực, buổi thanh thần
    Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc
    Phong tục An Nam theo cổ nhân.”

    (Trần Lê Văn dịch).

    Qua bài thơ có thể thấy Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi tiếp sứ giả đã khéo léo dùng món ăn cổ truyền dân tộc trong đúng Tết Hàn Thực để mời khách, vừa thể hiện lòng hiếu khách, lại vừa mang ý tứ sâu xa.

    Ngoài ra, còn có tích xưa cho rằng bánh trôi bánh chay trong ngày Tết Hàn Thực của Việt Nam có nguồn gốc từ sự tích mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, trứng nở thành trăm người con.

    Bánh trôi bánh chay đều có hình tròn, màu sắc trắng mịn, viên mãn giống như bọc trứng con Rồng cháu Tiên – tổ tiên của người Việt.

    4. Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam

    Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam và Trung Quốc sớm đã giao thoa và có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Ở Việt Nam cũng có Tết Hàn Thực nhưng không phải để tưởng nhớ Giới Tử Thôi mà mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc. Bên cạnh đó, đây chính là dịp để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thế hệ đi trước.

    Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt có những sắc thái riêng và mang đậm chất dân tộc với ý nghĩa hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân vẫn nổi lửa, nấu nướng bình thường. Người Việt còn sáng tạo ra món bánh trôi bánh chay mang theo hồn dân tộc với ý nghĩa tượng trưng cho đồ ăn nguội – hàn thực.

    Nói đến Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3, chỉ cần là người con đất Việt, hẳn không ai không nhớ về vị ngọt ngào, thơm mát nhẹ nhàng của bánh trôi bánh chay. Món ăn truyền thống này đã trải qua bao thăng trầm lịch sử và đi vào thơ ca dân tộc, nổi bật là bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

    Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp cái hoa vàng thơm lừng ngây ngất, mang hương vị thanh trong, tươi mát của đất trời, cũng thể hiện đặc trưng của nền văn hóa lúa nước lâu đời. Bánh trôi nặn viên tròn nhỏ, vỏ bánh trắng tinh, lại thêm nhân đường đỏ, luộc trong nước sôi, chờ bánh nổi lên thì vớt vào đĩa, rắc chút vừng cho thơm.

    Còn bánh chay thường được nặn viên to, tròn dẹt, không nhân hoặc nhân đậu xanh nghiền, luộc chín cho vào bát rồi rưới nước đường nóng có thêm gừng xắt sợi. Mùi đỗ xanh thơm phức, mùi đường mật ngọt ngào, chỉ hai món ăn đơn giản nhưng dường như khiến cho không khí tết trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.

    Bánh trôi bánh chay được đem cúng ông bà tổ tiên, tỏ lòng thành kính và thể hiện nỗi nhớ thương người đã khuất. Ngoài ra, nhiều nơi cũng có tục lệ làm bánh để cúng Thành hoàng.

    Vào những ngày này, con cháu dù ở xa cũng cố gắng về quây quần bên gia đình. Chỉ cần cùng người thân thưởng thức đĩa bánh trôi bánh chay cũng thấy lòng ấm lại, cảm nhận được khí xuân thanh mát đang về, cảm nhận được nhân tình thế thái. Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, mùng 3 tháng 3 âm lịch ăn bánh trôi bánh chay là để ôn lại chuyện xưa, nhớ về một thời đã xa của dân tộc Việt Nam.

    Cứ đến ngày mùng 6 tháng 3, làng Hát Môn ở Phúc Thọ – Hà Tây lại có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng. Tương truyền, Hai bà thua trận Cẩm Khê chạy về Hát Môn (cũng chính là nơi phất cờ khởi nghĩa) thì sức cùng lực kiệt, cổ bị thương nặng.

    May sao gặp được Bà hàng (chính là bà tiên hiện về đón Hai bà lên trời), được bà mời ăn bánh trôi, lại chỉ lối cho Hai bà đường đi ra sông Hát để thoát khỏi sự truy đuổi của quân nhà Hán và gieo mình tuẫn tiết.

    Lại có truyền thuyết kể rằng ngày mùng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 42), khi Hai Bà Trưng chuẩn bị xuất quân đi đánh giặc thì có bà lão bán hàng nghèo khó xin gặp, lại dâng 2 đĩa bánh trôi bà tự tay làm để tỏ lòng thành kính. Dù cách giải thích có khác nhau nhưng bao đời nay, dân làng vẫn duy trì thực hiện nghi lễ làm bánh và dâng cúng bánh trôi. Đây cũng trở thành một nghi lễ tối linh trong lễ hội Hai Bà Trưng.

    Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3, người dân Phú Thọ cũng dâng cúng bánh trôi. Hội Phủ Giày tháng 3 lễ Mẫu cũng thấy cúng bánh trôi.

    Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương, 2 thứ bánh này được người dân sáng tạo ra để nhắc về sự tích “Trăm trứng nở trăm con” của Lạc Long Quân và Âu Cơ, trăm viên bánh tròn tựa như trăm quả trứng. Bánh trôi rắc vừng tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo mẹ lên non. Bánh chay chan nước đường tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

    Như vậy, rõ ràng là trong văn hóa Việt Nam, Tết Hàn Thực có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, mang màu sắc dân tộc riêng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, ghi khắc công lao của ông cha trong hành trình dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử.

    Tết Hàn Thực là ngày gì? Ý nghĩa Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 âm lịch

    5. Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong các nền văn hóa khác

    Văn hóa Trung Quốc

    Như đã nói ở trên, Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc, với ý nghĩa ban đầu là tưởng nhớ công lao của danh thần Giới Tử Thôi, đề cao tinh thần trung nghĩa và cốt cách thanh cao của ông. Dần dần, Tết Hàn Thực vì gần với Tết Thanh Minh nên cũng trở thành ngày tế lễ tổ tông, nhắc nhở con cháu về truyền thống đạo hiếu. Đến ngày nay, Tết Hàn Thực đã trở thành một dịp để giáo dục thanh thiếu niên về truyền thống dân tộc, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thời kì cách mạng.

    Vào ngày này, người dân Trung Quốc kiêng đốt lửa, chỉ ăn đồ ăn nguội. Đồ ăn gồm nhiều loại, từ cháo trắng, mì sợi đến các loại bánh có ý nghĩa sâu sắc như Tử Thôi yến để nhắc nhớ về cốt cách tinh thần kiên trung bất khuất của Giới Tử Thôi, Xà bàn thố để cầu mong quốc thái dân an…

    Theo truyền thống, ngày này người Trung Quốc có rất nhiều hoạt động như cắm liễu, đạp thanh, đánh đu, đá bóng, chọi gà. Các hoạt động này thường được tổ chức ngoài trời, là dịp để mọi người rèn luyện sức khỏe cũng như tận hưởng không khí ngày xuân. Trước đây, Tết Hàn Thực từng là ngày lễ lớn của dân tộc Trung Hoa, song theo thời gian, nó dần bị mai một, chỉ còn được tổ chức ở một số địa phương.

    Văn hóa Hàn Quốc

    Có thể nhiều người trong chúng ta không hề biết người Hàn Quốc cũng có Tết Hàn Thực. Bắt nguồn từ Trung Quốc, ngày này khi du nhập vào văn hóa Hàn Quốc đã trở thành ngày tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Tết Hàn Thực cùng với Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu được gọi là 4 ngày lễ lớn của dân tộc Hàn Quốc.

    Vào ngày này, người Hàn Quốc thường đi thăm mộ phần của tổ tiên, cha mẹ, bạn bè thân thiết. Tục nhổ cỏ, trồng cây mới khi tảo mộ được gọi là “Cải sa thảo”.

    Trước kia, vào Tết Hàn Thực, hoàng thất sẽ tổ chức lễ tế long trọng ở hoàng lăng và đền chùa lớn, còn người dân thì chuẩn bị lễ mọn để dâng cúng gia tiên, gồm hoa quả, bánh trái, rượu trà.

    Theo truyền thống, ngày này người Hàn Quốc cũng không đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội. Đồ ăn thường là bánh ngải, rau trộn được chuẩn bị từ ngày hôm trước. Trẻ con thì rủ nhau chơi những trò chơi truyền thống như đá cầu, đánh đu…, trải nghiệm những phong tục xa xưa mà ông cha để lại.

    6. Mâm cúng đầy đủ trong ngày “Tết đồ lạnh”

    Mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp để con cháu dâng lên mâm cỗ cúng thanh tịnh tưởng nhớ ông bà tổ tiên của mình. Người xưa chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Hàn Thực nhất định phải có những thứ sau mới đúng mới đủ.

    – Bánh trôi, bánh chay:

    Trong mâm lễ cúng Tết Hàn thực, không thể thiếu “món linh hồn” của dịp này là bánh trôi, bánh chay.

    Số lượng bánh trôi, bánh chay “chuẩn” nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.

    Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.

    Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

    Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi lại vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.

    – Đĩa hoa quả tươi:

    Bên cạnh việc cúng bánh trôi bánh chay, các gia đình cũng có thể mua thêm trái cây tươi để dâng cúng với khoảng 5 loại quả.

    Trái cây thường được chọn theo mùa để có hương vị tươi ngon nhất. Tùy từng mùa, gia chủ chọn 5 quả có màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, vàng, tím… để đại diện cho ngũ hành, dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành.

    Tuy nhiên, việc cúng bái cốt ở thành tâm chứ không cần phải quá cầu kì nên nếu không có thời gian, bạn có thể chuẩn bị một đĩa trái cây tươi đơn giản là được.

    – Hương, hoa tươi, trầu cau:

    Trong mâm cỗ cúng Tết Hàn Thực bắt buộc còn phải có: Hương, trầu cau, hoa tươi.

    Đây là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ dâng lên ban thờ của bất cứ lễ cúng nào, dù to hay nhỏ, dù với mục đích gì và ngày tết Hàn Thực cũng không ngoại lệ. Các gia đình Việt nên chuẩn bị những lọ hoa tươi, lau dọn bàn thờ, trước khi thắp thương.

    Bạn cần phải nhớ rằng có những thứ không được đặt lên ban thờ, nếu không sẽ mất phần phúc đức, trong số đó chính là hoa giả, trái cây giả. Hãy chọn hoa tươi, trầu cau còn tươi màu xanh lá và tươi ngon nhất có thể để dâng cúng, tỏ rõ sự thành kính của mình.

    – Ly nước sạch:

    Dù là trong lễ cúng Tết Hàn Thực hay bất cứ lễ cúng nào khác, trên ban thờ gia tiên hay ban thờ Phật đều cần phải có một ly nước sạch.

    Theo quan niệm dân gian, nước sạch là thứ tinh khiết, thể hiện cho tâm thành kính của gia chủ. Chính vì thế, ly nước trên ban thờ được thay thường xuyên để thể hiện sự thanh tịnh trong tâm của gia chủ chứ không phải dâng lên thờ cúng như nhiều người lầm tưởng.

    Mọi người lưu ý không nên thay thế ly nước sạch trong ngày lễ này bằng các loại nước khác vì như vậy mất đi sự thanh tịnh; nên dùng nước tự nhiên, nước sôi, không có thứ gì bên trong là được.

    Lưu ý:

    Tết Hàn Thực nên cúng vào buổi sáng là tốt nhất.

    Bên cạnh đó, vào ngày lễ này các gia đình không cần chuẩn bị “mâm cao, cỗ đầy”, bày vẽ các thủ tục tốn kém mà chỉ cần thành tâm, dâng bánh trôi, chay lên ban thờ ông bà, tổ tiên, nguyện cầu những điều tốt đẹp, an lành trong cuộc sống.

    7. Văn khấn cúng Tết Hàn Thực

    Sau khi chuẩn bị đủ mâm lễ cúng Tết Hàn Thực với hương, hoa tươi, trầu cau, trái cây, ly nước sạch và tất nhiên không thể thiếu bánh trôi bánh chay, gia chủ sẽ dâng lễ lên ban thờ và thành tâm khấn vái.

    “Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

    – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

    – Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

    – Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

    – Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

    Tín chủ (chúng) con là:…………… Ngụ tại:…………

    Hôm nay là ngày……………gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao Tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

    Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

    Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………… cúi xin thương xót con cháu giáng về linh chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

    Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.

    Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)”.

    8. Nên làm gì trong dịp Hàn Thực để đón may mắn?

    Tết Hàn Thực là một trong những ngày lễ đặc biệt trong năm. Vào ngày này, ngoài ngoài thứ không thể thiếu trong mâm cúng, các gia đình thường làm những việc dưới đây để găp nhiều may mắn, thuận lợi.

    – Chuẩn bị mâm cúng chu đáo:

    Mâm cúng dâng lên tổ tiên là bước chuẩn bị không thể thiếu trong ngày Tết Hàn thực. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình không thực sự chú trọng việc này.

    Thực ra, mâm cúng ngày Tết Hàn không cần quá cầu kỳ, với một số vật lễ không thể thiếu nhưng rất dễ chuẩn bị như: hoa tươi, trái cây, lá trầu, cau khô, bánh trôi, bánh chay, quả…

    – Ăn mặc chỉnh tề khi thắp hương:

    Thắp hương là hành động thể hiện cái “tâm” của chủ nhang với những người đã khuất. Vì thế mà viêc ăn mặc chỉnh tề khi bắt đầu dâng lễ luôn được coi trọng.

    Trong ngày tết Hàn Thực này, có người coi nhẹ việc thắp hương, thường ăn mặc xuề xòa và cho rằng điều đó không ảnh hưởng gì. Nhưng thật ra đó là một thái độ “bất kính” với bề trên.

    Vì thế, dù trong ngày tết Hàn Thực hay những ngày lễ nào khác, trước khi dâng hương nhang, bạn cần phải chú ý đến trang phục của mình, ăn mặc chỉnh tề để thể hiên được sự thành tâm của mình.

    – Nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội:

    Tết Hàn Thực là dịp gia đình quây quần sum họp bên nhau. Đây là dịp tốt để ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn tổ tiên, trân trọng công lao sinh thành dưỡng dục của những thế hệ đi trước.

    Đó vừa là cách để ôn lại quá khứ, vừa dạy bảo con cháu phải “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục cha mẹ, ông bà để có mình của ngày hôm nay.

    – Nói những điều hay:

    Trong ngày Tết Hàn Thực, gia đình không nên xảy ra mâu thuẫn hay cãi vã. Thay vào đó, mọi người nên cùng nhường nhịn, tránh tranh chấp để giữ không khí vui vẻ, đầm ấm.

    Chúng ta chỉ nên nói với nhau những điều hay lẽ phải, những câu chuyện may mắn và ý nghĩa, tránh nói điều xui xẻo để khởi đầu trong năm được trọn vẹn, tốt đẹp.

    9. Những điều cần kiêng kỵ trong dịp Hàn Thực

    Thực tế, không có quá nhiều điều cần kiêng kỵ Tết Hàn Thực, thế nhưng vẫn có một vài điều bạn nên tránh dưới đây:

    Kiêng nổi lửa:

    Đúng như tên gọi của dịp này, “Hàn thực” – điều kiêng kỵ đầu tiên trong ngày này chính là lửa, tức là mọi người không đốt lửa nấu thức ăn nóng mà cần chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội để đúng bản chất của ngày Tết này.

    Tuy nhiên ngày nay ngày Tết Hàn Thực đã không còn kiêng lửa nữa và thay vào đó là dùng bánh trôi, bánh chay để dâng hương, với ý nghĩa đó là thức ăn nguội (hàn thực).

    – Kiêng ăn mặn, sát sinh:

    Thắp hương ngày Tết Hàn Thực kiêng có đồ mặn, thay vào đó, các món ăn chay được khuyến khích. Nguyên nhân là vì việc không sát sinh giúp linh hồn của người đã mất được dễ dàng siêu thoát hơn.

    – Kiêng cúng kính linh đình:

    Đồ cúng ông bà, tổ tiên trong Tết Hàn Thực cần sự thanh đạm, không quá cầu kỳ tốn kém. Vì vậy việc tổ chức linh đình, mâm cao cỗ đầy là điều nên tránh. Mọi người chỉ cần làm mâm lễ đơn giản và thành tâm cúng kính là được.

    – Kiêng cúng bánh trôi, bánh chay ngũ sắc:

    Hiện nay có rất nhiều người yêu thích sự sáng tạo, làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc để trông bắt mắt và hấp dẫn khẩu vị hơn. Tuy nhiên bánh nhiều màu chỉ nên dùng dể ăn, còn nếu để cúng tổ tiên trên bàn thờ thì nên dùng bánh trắng để đảm bảo sự thanh khiết, thanh tịnh trong ngày lễ truyền thống này.

    Bởi Tết Hàn Thực quan trọng sự thanh tịnh, do đó sự sặc sỡ là thứ nên tránh. Bánh ngày Tết Hàn Thực truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, bên trong bọc đường thể hiện sự thanh khiết, tôn vinh bậc tiền nhân.

    – Kiêng chuyển nhà:

    Từ xưa, ông bà ta vẫn thường kiêng chuyển nhà vào ngày tết Hàn Thực, bởi người ta cho rằng khi người thân đã qua đời thì vong linh của họ sẽ còn theo sát những người thân ở lại.

    Vì thế, việc di chuyển nhà vào ngày này là không nên, bởi sẽ khiến vong linh người đã khuất bị xáo trộn, không tìm được nơi để về.

    Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Tết Hàn Thực là ngày gì và ý nghĩa của nó trong văn hoá người Việt.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from TUVINGAYNAY.

Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/tet-han-thuc-la-ngay-gi-y-nghia-tet-han-thuc-mung-3-thang-3-am-lich.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ