Tiết Cốc Vũ là gì? Nên làm gì trong tiết khí Cốc Vũ?
1. Tiết Cốc Vũ là gì?
Cốc Vũ là tiết khí thứ 6 trong 24 tiết khí trong năm, cũng là tiết khí cuối cùng của mùa xuân. Trong thời điểm diễn ra tiết khí này, Mặt Trời nằm ở vị trí tọa độ xích kinh 30 độ (kinh độ Mặt Trời bằng 30°).
Theo Hán Việt, “cốc” nghĩa là những hạt ngũ cốc nói chung, “vũ” nghĩa là mưa. Cốc Vũ hiểu một cách đầy đủ là mưa rào, mưa nặng hạt như những hạt ngũ cốc (khác với mưa xuân của tiết Vũ Thủy như những hạt bụi hoặc hạt bột đã được rây li ti). Tiết khí Cốc Vũ đến mang theo những trận mưa rào rất tốt cho mùa màng, ngô lúa, ngũ cốc, hoa màu…
Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Thanh Minh đoạn tuyết, Cốc Vũ đoạn sương”, nghĩa là đến tiết Thanh Minh thì hết tuyết, đến tiết Cốc Vũ thì hết sương muối.
2. Tiết Cốc Vũ rơi vào thời điểm nào? Tiết Cốc Vũ năm 2021 bắt đầu và kết thúc khi nào?
Cũng như các tiết khí khác, thời điểm tính Tiết Cốc Vũ được tính theo hệ thống âm dương lịch của thời Trung Hoa cổ đại, tức là dựa theo vị trí của Trái Đất khi quay quanh Mặt Trời.
Theo lịch tiết khí, Tiết Cốc vũ được bắt đầu từ ngày 20-21/4 dương lịch và kết thúc vào ngày 5/5 dương lịch.
Tiết khí Cốc Vũ cũng là dấu mốc kết thúc hoàn toàn mùa xuân và chuyển sang mùa hè. Đây cũng là lúc mà ngư dân tiến hành tập tục tế biển. Mưa nhiều, hạ tới cũng là lúc thuận lợi cho một mùa biển mới, những người ngư dân tiến hành tế thần biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, biển yên sóng ả, ra biển được mùa.
Tiết Cốc Vũ năm 2021 bắt đầu vào ngày 20/4/2021 và kết thúc ngày 5/5/2021 dương lịch, tức khoảng tháng 3 âm lịch. Tiết Cốc Vũ nằm ngay sau tiết Thanh Minh và ngay trước tiết Lập Hạ, là tiết khí thứ 6 trong số 24 tiết khí hàng năm.
3. Vài nét về đặc điểm và ý nghĩa của tiết Cốc Vũ
Tiết Cốc Vũ đến bằng những cơn mưa rào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ do khối không khí hải dương mang theo hơi nước từ các đại dương thổi vào đất liền, khi chúng gặp địa hình chắn gió hay mật độ hơi nước rất cao sẽ ngưng tụ tạo thành giọt nước và gây mưa.
Những cơn mưa rào này đem lại một nguồn nước đáng kể cho muôn loài, nhất là cây cối. Trong cơn mưa thường có kèm theo sấm chớp, sự phóng điện tích giữa hai đám mây mang điện tích khác nhau sẽ tạo ra tia hồ quang và tiếng nổ vang trời.
Những tia hồ quang này là nhân tố gây nên phản ứng hóa học giữa hai chất khí đó là Nitơ và Oxy hai khí này phản ứng hóa học tạo thành một chất khí có hợp chất Ni tơ được hòa tan bởi nước mưa nên tạo thành axit nitoric có công thức hóa học là HNO3 loại axit này cùng với lượng nước mưa rơi xuống mặt đất và phản ứng với các muối, bazo trong đất và tạo ra muối có gốc Nito, loại muối của hợp chất nito này rất tốt cho sự sinh trưởng và phát triển cây trồng (các nhà sinh học, nông học gọi đó là một loại phân đạm), cây cối gặp lượng nước và hợp chất cần thiết này sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đối với một số loại trái cây ngắn ngày không theo mùa vụ khi gặp loại axit này sẽ rút bớt lượng nước trong trái cây, cùng với nhiệt độ, tinh bột chuyển hóa thành đường nhanh hơn, trái cây sẽ được kích thích nhanh chín, điều này dễ quan sát thấy khi sau những trận mưa thì trái cây chín rất nhanh. Ca dao có câu:
“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”
Đối với những loài thực vật là như vậy còn đối với những loài động vật có sự hoạt động mạnh mẽ. Thời điểm sau tiết Cốc vũ, các loài chim sau khi cặp đôi thường làm tổ, đẻ trứng, chuẩn bị một mùa sinh sản mới.
Những cơn mưa cuối mùa xuân, đầu mùa hạ thường có những tiếng ếch nhái kêu rất nhiều, nhất là vào ban đêm, sáng ra ta có thể thấy ở những vũng nước, ao hồ có những hạt đen li ti thành từng mảng nổi trên bề mặt nước.
Tiếng kêu đó chính là tiếng gọi bạn tình của những loài lưỡng cư, ếch nhái, và sau tiết Cốc vũ chính là thời điểm các loài này sinh sản mạnh nhất trong năm.
Tại thời điểm tiết Cốc Vũ bắt đầu cũng chính là lúc là nhiều loài cây đã trổ hoa, ong đi hút nhụy, giúp cây thụ phấn và bắt đầu tạo thành những loại mật ong ngon ngọt.
Sau thời điểm tiết Cốc Vũ này cuộc sống của con người bận rộn hơn nhiều, đối với nông dân thì công việc chủ yếu là làm cỏ, chăm bón, thúc đẩy sự phát triển của các loại cây trồng. Thường thì gần tới thời kỳ thu hoạch người ta chú ý chăm sóc cây cối kỹ lưỡng hơn để thu được thành quả tốt nhất.
Nhiệt độ trong những ngày tiết Cốc Vũ thì ngày càng tăng lên, ánh sáng cũng mạnh mẽ, gay gắt hơn, cùng với những cơn mưa đầu hạ cảm giác oi bức, ngột ngạt và độ ẩm cao, ánh nắng gay gắt, một số người không kịp thời thích nghi có thể bị cảm, nhiễm phải nắng, gió, nước.
Thời gian này bắt đầu cũng như những ngày tiết Cốc Vũ đến thì có hiện tượng ngày dài, đêm ngắn, tuy mức độ không quá lớn nhưng con người luôn thấy được sự khẩn trương, vội vã trong công việc và nhịp độ sống. Nửa cầu Bắc ngả nhiều hơn về phía Mặt trời, sau tiết khí này nhiệt độ sẽ còn tăng hơn và không khí còn oi bức, ngột ngạt hơn nữa.
Chính vì những nguyên nhân trên tiết Cốc Vũ sẽ có những đặc điểm về âm dương, ngũ hành, lý khí riêng biệt, những người nghiên cứu dự đoán học cần phải lưu ý.
Về mặt ngũ hành ta sẽ thấy được tháng 3 âm lịch là tháng Thìn, Thìn được coi là nơi Thủy khí nhập kho nên vì thế uy lực của nó yếu ớt. Mộc khí sau khi phát triển đến giai đoạn cực thịnh thì dần dần suy nhược nhường chỗ cho Hỏa khí, theo quy luật của tạo hóa cực thịnh tất suy. Hỏa khí cường thịnh nên biểu hiện của nó là nhiệt độ, ánh sáng tăng lên không ngừng.
Trong số 12 tháng trong năm thì mỗi hành chiếm hai tháng, riêng hành Thổ chiếm 4 tháng trong năm. Tháng Giêng, Tháng 2 thuộc hành Mộc. Tháng 4, tháng 5 thuộc hành Hỏa. Tháng 7, tháng 8 thuộc hành Kim. Tháng 10, tháng 11 thuộc hành Thủy. Còn lại bốn tháng 3, 6, 9, 12 là các tháng thuộc hành Thổ, chính là thời gian chuyển tiếp giữa các mùa và các hành. Như vậy, theo tuvingaynay.com những tháng thuộc hành Thổ có thời tiết tương đối ổn định, tiết Cốc vũ nằm giữa tháng 3 âm lịch là thời kỳ chuyển tiếp giữa Mộc khí sang Hỏa khí mùa hạ.
Đối với đặc điểm về ngũ hành như vậy nên yếu tố giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh thường sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách và số mệnh của con người, việc nghiên cứu phải được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở sách vở kết hợp với các hiện tượng thời tiết, nhịp sinh học ngoài tự nhiên.
Thời điểm tiết Cốc vũ là thời kỳ nhiều loài sinh vật bước vào mùa sinh sản, cuộc sống của muôn loài biến động muôn màu, muôn vẻ, phức tạp không ngừng. Vì vậy việc dự đoán cũng cần căn cứ trên đặc điểm những tính chất phong phú, đa dạng, phức tạp và nhiều màu sắc này.
Vì thời điểm này nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng rất mạnh, biến hóa phức tạp vì thế nên việc điều dưỡng sức khỏe, căn cứ theo các đặc điểm âm dương, ngũ hành, thời tiết để tránh tình trạng bất lợi cho sức khỏe, đau ốm, nhiễm bệnh, trúng gió, bị cảm. Theo lời khuyên của những người giỏi về y học, dinh dưỡng thì nên tạo ra sự thoáng mát trong không gian sinh hoạt, uống nhiều nước hơn, hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, hay quá mặn… dùng thêm những đồ uống tính mát có thể giải khát, thanh nhiệt…
4. Nên làm gì trong tiết khí Cốc Vũ?
Tiết Cốc Vũ đánh dấu đất trời chuyển mình từ xuân sang hè. Sau thời khắc chuyển giao này, những cơn gió lạnh sẽ hoàn toàn chấm dứt, thay vào đó là hơi ấm của ngày hạ và rất tốt cho sự sinh trưởng của hoa màu.
Do đó đây có thể coi là “thời điểm vàng” với nông nghiệp, thích hợp cho các việc sau:
– Bước vào chính vụ:
Không chỉ mang đến nền nhiệt độ và lượng nước mưa lý tưởng, tiết Cốc Vũ còn mang theo rất nhiều lợi ích cho mùa màng, cây cối.
Theo đó, hơi nước ngoài biển bốc lên, theo không khí di chuyển từ đại dương vào vùng đất liền và tạo thành những cơn mưa rào quý giá, cung cấp lượng nước cần thiết cho sự sinh trưởng của muôn loài, nhất là cây cối và hoa màu.
Đặc biệt giữa những cơn mưa đó, axit nitric được tạo ra, phản ứng với các thành phần trong đất tạo thành muối của hợp chất nitơ. Đây là một loại đạm tự nhiên, có khả năng giúp cho cây trồng phát triển mạnh mẽ.
– Thu hoạch trái cây ngắn ngày:
Trong khi điều kiện tự nhiên giúp nhiều loại cây lương thực và hoa màu phát triển mạnh mẽ thì đối với các loại trái cây ngắn ngày không theo mùa vụ thì axit nitric sẽ thúc đẩy sự chín của hoa quả.
Axit này sẽ rút bớt lượng nước trong trái cây, cùng với nhiệt độ, tinh bột chuyển hóa thành đường nhanh hơn, trái cây sẽ được kích thích nhanh chín, điều này dễ quan sát thấy khi sau những trận mưa trong tiết Cốc Vũ thì trái cây chín rất nhanh và có thể tiến hành thu hoạch được.
Như vậy đây là khoảng thời gian mà bạn được thưởng thức nhiều lại hoa trái ở độ ngon ngọt nhất. Với những người trồng cây làm kinh tế, kết quả vụ mùa ra sao sẽ rất rõ ràng vào Tiết Cốc Vũ.
– Chăm sóc cây trồng, chuẩn bị thu hoạch:
Bên cạnh sự thuận lợi của đất trời, người dân cần phải chăm bón thật kỹ cây cối thật kỹ để có được vụ mùa như ý trong tiết khí Cốc Vũ.
Do đó vào thời điểm diễn ra tiết khí này, người nông dân rất bận rộn trong công việc đồng áng, chủ yếu là làm cỏ và chăm bón kỹ lưỡng đợi ngày thu hoạch.
Đây cũng là thời điểm chim muông làm tổ, ếch nhái sinh sản mạnh nhất trong năm. Nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của chúng mà các loài sâu bọ có hại cho mùa màng cũng được kiểm soát.
– Thu hoạch mật ong:
Với những người nuôi ong, tiết Cốc Vũ chính là thời điểm có được chất lượng mật rất tốt. Hàng loạt cây cối trổ hoa, nở rộ nên ong có thể lấy được phấn chất lượng, tạo mật thơm ngon và ngọt ngào.
– Thu hoạch lá trà:
Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Thanh Minh nhìn mầm, Cốc Vũ nhìn trà”. Câu ngạn ngữ này có nghĩa là, trong khoảng thời gian Thanh Minh, cây trà chỉ mọc búp non, lá trà được hái vào khoảng thời gian này gọi là “Minh Tiền Trà”, búp trà nhỏ và có sản lượng thấp.
Đến tiết khí Cốc Vũ, búp non đã mọc thành lá xanh tươi, tiện cho hái và chế biến, loại trà này được gọi là “Vũ Tiền Trà”. Vì thế, trong dịp Cốc Vũ uống trà có tác dụng thanh nhiệt, trừ tà và làm sáng mắt rất tốt.
Article sourced from TUVINGAYNAY.
Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/tiet-coc-vu-la-gi-tiet-coc-vu-2021-bat-dau-va-ket-thuc-vao-ngay-nao.html