Xung đột Ukraine phơi bày chia rẽ toàn cầu
Clement Manyathela, 30 tuổi, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng trên Đài phát thanh 702 của Nam Phi, nhớ lại cảm giác phẫn nộ khi quân đội Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Anh đã tin cam kết của Nga rằng họ không có kế hoạch tấn công Ukraine và cảm thấy bị lừa dối khi xung đột nổ ra.
"Chúng tôi đã bị lừa", anh nói.
Nhưng khi cuộc chiến kéo dài, Manyathela và nhiều người tham gia chương trình bắt đầu đặt câu hỏi rằng tại sao Tổng thống Vladimir Putin cần phát động chiến dịch? Liệu có phải NATO đã "đổ dầu vào lửa" xung đột bằng cách gửi rất nhiều vũ khí đến Ukraine? Và làm thế nào Mỹ có thể mong đợi những nước khác trên thế giới ủng hộ chính sách cứng rắn với Nga, khi họ cũng từng can thiệp quân sự ở nhiều quốc gia khác?
"Khi Mỹ mở chiến dịch quân sự ở Iraq, Libya, họ đưa ra những lời biện minh mà chúng tôi không tin. Bây giờ họ đang thuyết phục thế giới quay lưng với Nga. Điều này cũng không thể chấp nhận được", Manyathela nói.
Trong một năm kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến, một liên minh phương Tây đã được tập hợp để chống lại Moskva. Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đây là "liên minh toàn cầu", nhưng giới quan sát cho rằng thế giới còn lâu mới đạt được nhất trí về các vấn đề liên quan tới xung đột Ukraine.
Xung đột đã phơi bày sự chia rẽ toàn cầu sâu sắc và những giới hạn trong ảnh hưởng của Mỹ đối với trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều bằng chứng cho thấy nỗ lực cô lập ông Putin đã thất bại và không chỉ có các đồng minh của Nga ủng hộ họ, theo Liz Sly, nhà phân tích của Washington Post.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và các lãnh đạo phương Tây tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Ảnh: DPA.
Ấn Độ tuần trước thông báo thương mại với Nga tăng 400% kể từ khi xung đột bùng phát. Trong 6 tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới thăm 9 quốc gia châu Phi và Trung Đông. Đón tiếp ông Lavrov, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor đã gọi Nga là "bạn bè".
Hải quân Nam Phi hôm nay bắt đầu đợt diễn tập quân sự chung với Nga và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, gửi tín hiệu đoàn kết mạnh mẽ với Moskva giữa lúc Mỹ hy vọng thế giới tiếp tục lên án cuộc chiến của ông Putin.
Một số người dân Nam Phi, Kenya và Ấn Độ cũng cho thấy quan điểm trái ngược về xung đột Ukraine.
Bhaskar Dutta, ở Kolkata, Ấn Độ, cho rằng các nước phương Tây "đạo đức giả". "Những người này đã xâm chiếm toàn bộ thế giới. Những gì Nga làm không thể dung thứ, nhưng bạn cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ", Dutta nói.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/2 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), 141 quốc gia đã bỏ phiếu lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, chỉ có 33 quốc gia đang áp lệnh trừng phạt Nga và số lượng tương tự gửi viện trợ vũ khí cho Ukraine. Khảo sát của Cơ quan Tình báo Kinh tế thuộc tập đoàn Economist năm ngoái ước tính 2/3 dân số thế giới sống ở những nước không lên án Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
William Gumede, người sáng lập Quỹ Công trình Dân chủ ở Johannesburg, cho biết Nam Phi, Ấn Độ và Brazil đã từ chối tham gia liên minh chống Nga của Tổng thống Biden. Ông nói điều này là kết quả của hơn một thập kỷ thất vọng với Mỹ và đồng minh, những bên ngày càng tỏ ra không mặn mà giải quyết các vấn đề mà nhiều nước đang phát triển phải đối mặt.
Đại dịch Covid-19 và những phát biểu bị cáo buộc là "kỳ thị châu Phi" của tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm gia tăng cảm nhận đó.
Khi phương Tây suy giảm ảnh hưởng, Nga và Trung Quốc đã tìm cách lấp khoảng trống. Họ tích cực tiếp cận các quốc gia đang phát triển và đưa ra giải pháp thay thế. Trung Đông và châu Phi là đấu trường quan trọng cho cuộc cạnh tranh ảnh hưởng này. Ngoài ra, cạnh tranh cũng xuất hiện với mức độ thấp hơn ở châu Á và Mỹ Latinh.
"Phương Tây đã thất bại trong 15 năm qua khi khiến nỗi bất bình tích tụ trên khắp thế giới và Nga đã khai thác hiệu quả điều đó", Gumede nói. "Nga có thể mô tả cuộc chiến ở Ukraine như cuộc đối đầu với NATO, khắc họa hình ảnh phương Tây đối đầu với phần còn lại của thế giới".
Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm đổ lỗi cho cuộc chiến của Nga gây ra lạm phát toàn cầu và khủng hoảng lương thực, hầu hết quốc gia trên thế giới cho rằng phương Tây mới là bên phải chịu trách nhiệm vì tung ra loạt lệnh trừng phạt chưa từng có, theo Kanwal Sibal, cựu ngoại trưởng Ấn Độ.
"Phần còn lại của thế giới thực sự coi đây là cuộc chiến ở châu Âu. Họ không thấy đây là xung đột toàn cầu hoặc như những gì phương Tây mô tả. Xung đột gây ra hậu quả với thế giới như lạm phát, song đó là do các lệnh trừng phạt", ông nói.
Ấn Độ cũng có quan điểm cứng rắn về lợi ích của họ, như nguồn cung vũ khí từ Nga và cơ hội kìm hãm lạm phát nhờ mua dầu giá rẻ từ Moskva, theo Sibal. Căng thẳng biên giới với Trung Quốc khiến Ấn Độ lo ngại và không muốn đứng trước nguy cơ mất nguồn cung vũ khí quan trọng từ Nga.
Mỹ cũng cần Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc. Sau những nỗ lực ban đầu nhằm gây áp lực buộc Ấn Độ ủng hộ chính sách trừng phạt Nga, Washington dường như đã thừa nhận lập trường của New Delhi, theo Sibal. Mỹ không áp lệnh trừng phạt khi Ấn Độ ký thỏa thuận mua tên lửa Nga vào năm ngoái, thay vào đó theo đuổi mục tiêu tăng cường hợp tác với quốc gia này như thông qua các thỏa thuận quốc phòng riêng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) bắt tay Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor tại Pretoria hôm 23/1. Ảnh: Reuters
Quyết định tham gia diễn tập quân sự chung với Nga và Trung Quốc của Nam Phi đã khiến phương Tây báo động, khi cho rằng quốc gia này đang đánh mất vị thế trung lập như từng tuyên bố và nghiêng về Nga.
Các quan chức Nam Phi lưu ý rằng nước này cũng tham gia tập trận với Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói các cuộc tập trận đó chỉ tập trung vào ứng phó thảm họa và nhân đạo, trong khi các cuộc tập trận với Nga và Trung Quốc dự kiến liên quan tới khả năng tấn công của hải quân.
"Vị thế trung lập mà họ thể hiện ngày càng khó tin hơn", một quan chức Mỹ nói.
Tuy nhiên, người Nam Phi cho biết họ có lý do để duy trì quan hệ với Nga, bởi họ từng được Liên Xô hậu thuẫn suốt nhiều thập kỷ trong thời kỳ chống chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.
Trên đường phố Soweto, khu đô thị rộng lớn ở ngoại ô Johannesburg và từng là trung tâm cuộc chiến chống apartheid, nhiều người Nam Phi cho hay họ xem Nga là đồng minh.
"Nga đã ở bên khi chúng tôi bị xiềng xích. Chúng tôi không nói Nga tấn công Ukraine là tốt, nhưng nếu bạn hỏi chúng tôi đứng về bên nào, chúng tôi phải thành thực nói rằng sẽ không bao giờ quay lưng với Nga", Elijah Ndlovu, 51 tuổi, nói.
Shakes Matlhong, 33 tuổi, cho hay anh không thực sự hiểu rõ về xung đột Ukraine, nhưng từ lâu không ủng hộ Mỹ. "Với người dân châu Phi, cuộc chiến là cách Nga tự bảo vệ họ trước NATO", anh nói. "Nga chưa từng tiến hành hoạt động thực dân. Có thể Nga đang sai trong cuộc chiến, nhưng thái độ của người Nam Phi được quyết định bởi lịch sử".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/xung-dot-ukraine-chia-re-du-luan-toan-cau-4574315.html