WHO chỉ trích các nước giàu thu gom vaccine Covid-19

12:00' 09-09-2021
Giới chức WHO chỉ trích tình trạng nước giàu thu gom vaccine, thuốc điều trị Covid-19 khiến đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.


    "Tình trạng này không chỉ bất công và thiếu đạo đức mà còn kéo dài đại dịch, gây hậu quả chết người", chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh trong buổi họp báo trực tuyến ngày 7/9.

    Theo báo cáo của WHO, châu Phi mới tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 cho khoảng 3% dân số toàn châu lục. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay, khoảng 80% các nước châu Phi trong tháng 9 sẽ không đủ khả năng bảo vệ 10% dân số nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

    Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp WHO, chỉ trích những nước có thu nhập cao không hành động đúng với tuyên bố đảm bảo công bằng tiếp cận vaccine. "Trên thực tế, trong tình thế cam go, thuốc men được thu gom về tay một vài quốc gia và không được san sẻ", ông nhận định.

    Theo thống kê của Trung tâm Khoa học Hệ thống và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 8/9, thế giới đã ghi nhận 221.706.278 ca nhiễm nCoV, trong đó có 4.582.737 trường hợp tử vong được xác nhận. Trong vòng 28 ngày qua, thế giới đã tăng hơn 17,8 triệu ca nhiễm và hơn 273.000 ca tử vong.

    Một phụ nữ Israel được tiêm vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech tại Dimona vào ngày 21/2. Ảnh: Reuters.

    Một phụ nữ Israel được tiêm vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech tại Dimona vào ngày 21/2. Ảnh: Reuters.

    Báo cáo từ hãng nghiên cứu dữ liệu Airfinity cho thấy sản xuất vaccine Covid-19 toàn cầu đạt 6,1 tỷ liều tính đến cuối tháng 8. Hãng ước tính sản lượng vaccine toàn cầu mỗi tháng là 1,5 tỷ liều và tổng lượng vaccine thế giới vào cuối năm nay có khả năng đạt 12,2 tỷ liều.

    Phần lớn vaccine tập trung ở nhóm nước giàu. Các thành viên nhóm G7, gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ, đang thừa hơn 300 triệu liều vaccine Covid-19 và được dự đoán sẽ tích trữ 1,2 tỷ liều trước cuối năm nay.

    Vào đầu tháng 8, WHO đã đề nghị những nước giàu trì hoãn kế hoạch tiêm mũi tăng cường ít nhất hai tháng, chuyển nguồn vaccine sang những nước nghèo đang bị biến chủng Delta đe dọa. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm mũi tăng cường vẫn được triển khai ở Mỹ, Anh và Pháp.

    Tại Trung Quốc, chính phủ đã triển khai hơn hai tỷ liều vaccine Covid-19 với khoảng 67% dân số đã tiêm đủ hai mũi. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) ước tính 1,09 tỷ người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Chương trình tiêm chủng toàn quốc đang tăng tốc với nhóm dân số từ 12 đến 17 tuổi, ráo riết xây dựng "hàng rào miễn dịch" trong cộng đồng.

    Sau đợt bùng phát lây nhiễm biến chủng Delta vào tháng 7 với hơn 1.300 ca nhiễm ở 15 tỉnh thành, Trung Quốc tiếp tục khống chế thành công lây nhiễm trong cộng đồng bằng các biện pháp mạnh tay. NHC ngày 7/9 ghi nhận thêm 36 ca nhiễm có triệu chứng trên toàn quốc và không có ca nghi nhiễm. Tính đến ngày 7/9, nước này có 95.064 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong vì Covid-19.

    Nhật Bản ghi nhận những tín hiệu tích cực trong kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ tư khi số ca nhiễm hàng tuần có xu hướng giảm. Số ca nhiễm mới trong ngày 7/9 là 1.629, tăng gần 500 ca so với đầu tuần nhưng giảm mạnh so với con số 2.909 ca nhiễm 7 ngày trước.

    Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp. Thủ đô Tokyo và một số địa phương có khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp sau hạn chót vào ngày 12/9. Biện pháp cứng rắn được áp dụng ở 21 tỉnh. Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa nước này vào danh sách hạn chế đi lại phòng rủi ro Covid-19.

    Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch với hơn 40,2 triệu ca nhiễm và hơn 651.000 người tử vong trong gần hai năm qua. Dù khoảng 53% dân số Mỹ được bảo vệ đầy đủ bằng vaccine và hơn 1,3 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, số ca tử vong và ca nhiễm tại Mỹ tăng vọt những ngày qua vì biến chủng Delta.

    Giới chức y tế nước này thêm lo ngại khi 49/50 bang đã phát hiện biến chủng Mu lây nhiễm trong cộng đồng. Biến chủng mới được cho là có khả năng kháng lại công dụng của vaccine cao hơn những đột biến thời gian qua của nCoV. Bang California có số ca nhiễm biến chủng Mu cao nhất cả nước, phần lớn tập trung tại thành phố Los Angeles.

    Tại Đông Nam Á, tính đến ngày 7/9, toàn khu vực có hơn 10,6 triệu ca nhiễm và hơn 216.500 ca tử vong, theo thống kê của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS). Ba vùng dịch có nhiều ca nhiễm nhất khu vực là Indonesia với hơn 4,1 triệu ca nhiễm, Philippines với hơn 2,1 triệu ca và Malaysia là hơn 1,8 triệu ca.

    Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 7/9 kêu gọi người dân nhìn nhận Covid-19 sẽ tồn tại dai dẳng dù cả nước đã cải thiện tình hình kiểm soát dịch bệnh. Từ ngày 31/8 đến 5/9, Indonesia ghi nhận 49.753 ca nhiễm mới và 3.370 ca tử vong, giảm hơn 21.000 ca nhiễm và gần 1.000 ca tử vong so với giai đoạn từ ngày 25 đến 30/8.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/who-cao-buoc-nuoc-giau-khien-covid-19-keo-dai-4352918.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ