Nhiều quốc gia tiêm kết hợp vaccine COVID-19
Thông thường, để triển khai tiêm chủng an toàn, hiệu quả và tạo sự yên tâm với người được tiêm, lựa chọn tốt nhất được khuyến nghị khi tiêm vaccine COVID-19 vẫn là sử dụng cùng một loại vaccine cho cả mũi 1 và mũi 2. Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine vẫn là nỗi đau đầu cho đa số các quốc gia trên thế giới, cùng với biến thể Delta xuất hiện và diễn biến xấu đi của dịch, giới chức y tế rất nhiều nước, gồm cả những nước có nền y học tiên tiến, từ lâu đã đồng ý cho phép tiêm kết hợp giữa 2 loại vaccine COVID-19 khác nhau cho mũi 1 và mũi 2.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ FDA, hay Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA đến nay chưa đưa ra bình luận gì về cách làm này, nhưng hồ sơ tiêm chủng từ những quốc gia đã thực hiện cho thấy việc kết hợp, hay nhiều người gọi là tiêm pha trộn vaccine vẫn an toàn với người được tiêm. Đối với các quốc gia thiếu vaccine, đây có thể là một giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Tại Canada, Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng khuyến nghị sử dụng kết hợp vaccine. Cụ thể, người đã tiêm mũi 1 là AstraZeneca/Covishield, mũi thứ hai nên được tiêm một loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như vaccine của Pfizer hay Moderna để tạo hiệu quả tốt hơn.
Ủy ban đạo đức sinh học Tây Ban Nha đưa ra khuyến nghị tương tự, kết hợp vaccine AstraZeneca mũi 1 và một loại vaccine công nghệ mRNA bất kỳ cho mũi 2. Ủy ban này cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là người dân được tiêm đủ 2 mũi, dù là vaccine AstraZeneca hay vaccine công nghệ mRNA cho mũi 2 đều tốt. Sự kết hợp này cũng là khuyến nghị được giới chức y tế tại Đan Mạch và Hàn Quốc ủng hộ và tiến hành.
Tại Nga, nước này đã tiến hành thử nghiệm tiêm kết hợp giữa vaccine nội địa Sputnik V và vaccine của AstraZeneca. Không có dấu hiệu phản ứng khác biệt trong các thử nghiệm này.
Còn tại Thái Lan, người tiêm mũi 1 vaccine của Sinovac (Trung Quốc), có thể tiêm mũi 2 vaccine của AstraZeneca sau 3 hoặc 4 tuần. Cách đây ít ngày, Thái Lan cũng cho phép từ tháng 10 tới, người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 của AstraZeneca cũng có thể tiêm mũi 2 của Pfizer sau 12 tuần.
Với một số quốc gia đang tiến hành tiêm mũi thứ 3 bổ sung, việc tiêm kết hợp vaccine cũng đang được thực hiện. Thổ Nhĩ Kỳ cho phép người đã tiêm vaccine Sinovac, Trung Quốc có thể tiêm thêm 1 mũi Pfizer, để thuận tiện cho việc di chuyển và nhập cảnh nước ngoài.
Nước Đức từ tháng 9 cho phép người bị suy giảm miễn dịch tiêm bổ sung mũi 3 bằng vaccine mRNA của Pfizer/Moderna, không quan trọng việc trước đó họ đã tiêm vaccine gì. Mỹ cũng có quyết định tương tự, Pfizer hay Moderna có thể dùng thay thế cho nhau. Với Campuchia, người đã tiêm 2 mũi Sinopharm hoặc Sinovac, Trung Quốc, có thể tiêm mũi bổ sung là AstraZeneca, còn người đã tiêm 2 mũi AstraZeneca, có thể tiêm mũi 3 là Sinovac.
Việc tiêm kết hợp vaccine là không mới, nhiều nơi đã triển khai, và cũng là giải pháp cho thấy hiệu quả nhất định trong đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Đơn cử như câu chuyện ở các quốc gia Đông Nam Á rất gần là Campuchia và Thái Lan. Các nước có nhiều cách kết hợp khác nhau các loại vaccine, mà đã triển khai tiêm trong thực tế. Dù vậy, hiện nay có 2 cách làm phổ biến nhất, một là, người tiêm mũi 1 AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 là vaccine công nghệ mRNA của Pfizer hay Moderna.
Cách thứ hai là cho phép tiêm kết hợp giữa 2 loại vaccine công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna cho mũi 1 và mũi 2. Canada nằm trong số những quốc gia đầu tiên tìm cách giải quyết vấn đề nguồn cung vaccine COVID-19 bằng cách tiêm kết hợp các loại vaccine. Điều này đã giúp Canada vượt qua tình trạng tắc nghẽn nguồn cung vaccine hồi tháng 6. Canada cho phép sử dụng vaccine hãng Moderna và Pfizer thay thế cho nhau vì cả hai loại vaccine này đều sử dụng công nghệ mRNA tương tự nhau.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: https://kenh14.vn/tiem-ket-hop-hai-loai-vaccine-duoc-nhieu-nuoc-trien-khai-20210908083019086.chn